Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

GDP đạt 8,02% và những nhân tố sáng giúp kinh tế Việt Nam tăng cao nhất 12 năm

Ngoài lý do mức nền so sánh thấp, các chuyên gia cho rằng GDP đạt mức tăng ấn tượng nhờ các nhân tố sáng như tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và giải ngân FDI...

GDP tăng cao nhất 12 năm

Ngày 29/12, Tổng cục Thống kê công bố GDP quý IV năm 2022 ước tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cao hơn của cùng kỳ năm 2020, 2021 (thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19) nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019.

Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02%. Đây cũng là mức cao nhất giai đoạn 2011-2022. GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

“Mức tăng trưởng 8,02% năm 2022 là cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới” - Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

GDP đạt 8,02% và những nhân tố sáng giúp kinh tế Việt Nam tăng cao nhất 12 năm - 1
GDP đạt 8,02% và những nhân tố sáng giúp kinh tế Việt Nam tăng cao nhất 12 năm - 2
GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người - Ảnh VGP, Tổng cục thống kê

GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người - Ảnh VGP, Tổng cục thống kê

CPI bình quân quý IV tăng 0,67% so với quý trước, tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung, CPI bình quân cả năm tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4%).

Năm 2022, cả nước có 208.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 143.200 doanh nghiệp, tăng 19,5%.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,661 triệu lượt người trong năm nay, gấp 23,3 lần so với năm trước nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước xuất siêu 3,32 tỷ USD).

Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 1,784 triệu tỷ đồng, bằng 126,4% dự toán năm và tăng 13,8% so với năm trước.

GDP đạt 8,02% và những nhân tố sáng giúp kinh tế Việt Nam tăng cao nhất 12 năm - 4
GDP đạt 8,02% và những nhân tố sáng giúp kinh tế Việt Nam tăng cao nhất 12 năm - 5
Những con số thống kê ấn tượng về kinh tế Việt Nam năm 2022 - Ảnh Tổng cục Thống kê
 

Những con số thống kê ấn tượng về kinh tế Việt Nam năm 2022 - Ảnh Tổng cục Thống kê
 

Tổng chi ngân sách Nhà nước lũy kế năm 2022 ước đạt 1,562,3 triệu tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán năm và tăng 8,1% so với năm trước.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định mức tăng trưởng 8,02% năm 2022 là cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

"Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao", bà Hương nhận định.

Những nhân tố sáng giúp GDP tăng trưởng ấn tượng

Cơ quan thống kê thông tin, trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (GDP), khu vực dịch vụ đóng góp nhiều nhất (gần 57%); tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (góp hơn 38%) và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp (5,11%).

Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tức dòng chảy khu vực dịch vụ) tăng 19,8% so với 2021, loại trừ yếu tố giá vẫn tăng 15,6%. Nếu so với 2019 - thời điểm trước dịch - cũng tăng 15%.

Và trong số động lực tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được nhắc tới như là điểm cộng góp vào mức tăng GDP. Vốn FDI cam kết dù giảm 11% nhưng vốn giải ngân năm nay đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, mức cao nhất 5 năm qua.

Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, thời điểm này, toàn bộ phân xưởng, máy móc đều phải hoạt động 24/24 giờ và công nhân cũng phải chia 3 ca để cả ngày lẫn đêm vẫn điều khiển máy, nhằm kịp sản xuất những đơn hàng đang vào giai đoạn nước rút. Mỗi ngày, hơn 2.000 công nhân tại các phân xưởng làm ra 3.000 sản phẩm xuất khẩu.

GDP đạt 8,02% và những nhân tố sáng giúp kinh tế Việt Nam tăng cao nhất 12 năm - 7
GDP đạt 8,02% và những nhân tố sáng giúp kinh tế Việt Nam tăng cao nhất 12 năm - 8
Nhiều dự án quan trọng được gấp rút hoàn thiện - Ảnh VGP

Nhiều dự án quan trọng được gấp rút hoàn thiện - Ảnh VGP

Điều đó cho thấy, việc doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, có nhiều đơn hàng xuất khẩu đã góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong năm 2022.

“Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng mọi cơ hội để mở rộng, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, chiếm lĩnh thị trường, tạo chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế” – ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: "Khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại từ cuối năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ phục hồi mạnh mẽ, mà còn chớp thời cơ, biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh, bền vững.

Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng mọi cơ hội để mở rộng, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, chiếm lĩnh thị trường, tạo chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế.

Trong đó, nhiều doanh nhân Việt đã tiên phong, vươn ra thị trường thế giới với những chiến lược và tư duy mang tính dài hạn. Đây là sự phát triển vượt bậc của doanh nhân Việt Nam mà cả xã hội ghi nhận, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam".

GDP đạt 8,02% và những nhân tố sáng giúp kinh tế Việt Nam tăng cao nhất 12 năm - 10
GDP đạt 8,02% và những nhân tố sáng giúp kinh tế Việt Nam tăng cao nhất 12 năm - 11
Việt Nam ghi nhận xuất siêu 11,2 tỷ USD trong năm 2022 - Ảnh VGP

Việt Nam ghi nhận xuất siêu 11,2 tỷ USD trong năm 2022 - Ảnh VGP

Trước đó, HSBC đã đánh giá, 2022 là năm phục hồi bùng nổ giúp Việt Nam có nhiều khả năng tiếp tục là một trong những nước tăng trưởng vượt trội ở châu Á. Tổ chức này khi đó cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 8,1% từ mức dự báo 7,6% trước đó, do "những thuận lợi nhờ mở cửa trở lại vẫn còn".

Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương trước đó cũng nhận định tại một tọa đàm ở TP HCM rằng GDP có thể ở mức 8%. "Đây là kết quả rất tốt và rất cao. Trước đó, tôi từng nghĩ tăng trưởng có thể 8,5%, nhưng do chế biến chế tạo giảm những tháng cuối năm", ông Tú Anh nói.

Năm 2023, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%

Sau mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022, năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%. Vậy cách nào để đặt hy vọng vượt mục tiêu này?

Nói về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023, ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Thống kê cho rằng, qua phân tích, đây là mức tăng trưởng đầy thách thức trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đều khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều động lực để phát triển, đạt được mục tiêu đề ra.

Đồng tình, Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh cho rằng có rất nhiều cách. Đầu tiên, việc củng cố và khơi thông nội lực là quan trọng, nhất là khi một số lĩnh vực chưa khai thác hết tiềm năng. Trong đó, đáng chú ý là nghịch lý "thị trường khan vốn nhưng tiền mang đi cất".

Thực tế, theo ông, năm qua tăng trưởng kỷ lục 12 năm nhưng tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ xấp xỉ trước dịch, với 11,2% so với mức 10,2% của năm 2019 và 11,2% của 2018. Tiền cho đầu tư công lẫn nhu cầu doanh nghiệp vẫn nằm yên nhiều trong ngân hàng. Đến 30/11, giải ngân vốn ngân sách nhà nước khoảng 58,33%. Sang năm, Việt Nam phải giải ngân tổng vốn đầu tư công trên 700.000 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Việt Nam phải giải ngân tổng vốn đầu tư công trên 700.000 tỷ đồng - Ảnh VGP

Trong năm 2023, Việt Nam phải giải ngân tổng vốn đầu tư công trên 700.000 tỷ đồng - Ảnh VGP

Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Xuân, Trưởng Bộ môn Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, có hiện tượng cuộc đua lãi suất chỉ làm "vốn chạy vòng quanh" giữa các ngân hàng chứ không chảy nhiều vào sản xuất.

Vì vậy, theo các chuyên gia, ngoài tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, việc giảm lãi suất, tăng cung tiền sẽ phần nào khơi thông mạch máu cho năm sau. Bởi lẽ, có cơ sở để không quá lo ngại vấn đề lạm phát. Thực tế, lạm phát của Việt Nam được cho là đến từ chi phí đẩy (giá nhập khẩu, tỷ giá tăng) chứ không phải tổng cung tiền tăng.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam xuống còn 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng cả 2 động lực tăng trưởng là xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại. Nhu cầu bên ngoài yếu đi gây ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam

Các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam

Tuy nhiên, theo HSBC, bất chấp những "cơn gió ngược" có tính chu kỳ, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Ngoài Lego, các tập đoàn lớn như Samsung, LG gần đây đã công bố sẽ tiếp tục rót tiền, cho thấy sự hấp dẫn lâu dài của Việt Nam.

Công ty quản lý đầu tư Colliers cũng cho rằng Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm thu hút đầu tư hàng đầu. "Chúng tôi nhận được ngày càng nhiều yêu cầu từ các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... nhắm đến nhiều phân khúc bất động sản tại Việt Nam, từ khu công nghiệp, văn phòng, nhà ở, cho đến bán lẻ và khách sạn", ông David Jackson, Tổng giám đốc, Colliers Việt Nam nói.

Năm 2023 còn đó những thách thức

Tổng cục Trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng bước sang năm 2023, kinh tế - xã hội nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt.

Kinh tế - xã hội nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt - Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Bà Hương nhận định kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn; biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự; dịch bệnh thiên tai khó dự báo trước.

"Cần theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước, khu vực có quy mô nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam", bà Hương nhận định.

Bà cho rằng Việt Nam cần chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất và kiểm soát giá cả, thị trường. Cùng với đó là đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là những mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào.  

GDP đạt 8,02% và những nhân tố sáng giúp kinh tế Việt Nam tăng cao nhất 12 năm - 15
GDP đạt 8,02% và những nhân tố sáng giúp kinh tế Việt Nam tăng cao nhất 12 năm - 16
Thu hút khách quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng của du lịch Việt Nam trong năm 2023 - Ảnh VGP

Thu hút khách quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng của du lịch Việt Nam trong năm 2023 - Ảnh VGP

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cũng cho rằng, mặc dù kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng không được chủ quan.

Bởi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, đối diện với áp lực điều hành giá, lãi suất, tỉ giá trước xu hướng lạm phát toàn cầu tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương Mỹ và Châu Âu (hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam).

 “Thực tiễn cũng đòi hỏi cần có nhiều đột phá thực sự và đồng bộ, thực chất cả về nhận thức và thể chế trong việc tháo gỡ điểm nghẽn về ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống,...” - TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội).

Theo TS Nguyễn Minh Phong, thực tiễn cũng đòi hỏi cần có nhiều đột phá thực sự và đồng bộ, thực chất cả về nhận thức và thể chế trong việc tháo gỡ điểm nghẽn về ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu (nổi bật là xăng, dầu) cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023.

Đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát và lành mạnh hóa các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và thị trường tín dụng, thị trường lao động, cũng như trong tái cơ cấu kinh tế và định hướng lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh triển khai các cấu phần trong chương trình phục hồi, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công.

GDP đạt 8,02% và những nhân tố sáng giúp kinh tế Việt Nam tăng cao nhất 12 năm - 18

Hồng Hương – Trung Kiên

Thứ Hai, ngày 02/01/2023 07:44 AM (GMT+7)
Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN