Gần 45.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường sau 2 tháng đầu năm
Dù số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 2 giảm mạnh so với tháng trước nhưng vẫn có tới gần 45.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường chỉ sau 2 tháng đầu năm 2022.
Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng 2/2022 hoạt động khởi sự kinh doanh diễn ra khá trầm lắng.
Trong tháng, cả nước chỉ có 7.284 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 85,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 72,6 nghìn lao động, giảm 44% về số doanh nghiệp, giảm 55,7% về vốn đăng ký và giảm 5,8% về số lao động so với tháng 01/2022.
So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 9,4%, giảm 52,6% về số vốn đăng ký và tăng 27,4% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,7 tỷ đồng, giảm 20,9% so với tháng trước và giảm 47,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước còn có 4.071 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 78,7% so với tháng trước và giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 20,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 277,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 149,7 nghìn lao động, tăng 11,9% về số doanh nghiệp, giảm 17,1% về vốn đăng ký và giảm 13,4% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Có gần 45.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường sau 2 tháng đầu năm 2022
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 13,7 tỷ đồng, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 173,6 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 2.332 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2022 là 451,2 nghìn tỷ đồng, giảm 37,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 22,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2022 lên 42,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 21,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, cũng trong tháng Hai, có 3.466 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 88,2% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2021; có 1.917 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 72,9% và giảm 26,4%; có 1.233 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 39,1% và giảm 17,8%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 32,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm trước; 8,9 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 6,3%; gần 3,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 9,4%, trong đó có 2,8 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 12,8%; 49 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 32,4%. Bình quân một tháng có 22,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục lớn hơn số doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo số liệu của cơ quan thống kê, so với cùng kỳ tháng 2/2021, chỉ số CPI cả nước đã tăng 1,42% nguyên nhân chính vẫn là nhóm giao thông với mức tăng cao nhất 15,46%, làm CPI chung tăng 1,49 điểm %. Trong đó, giá xăng dầu tăng 47,07% do từ tháng 2/2021 đến nay xăng A95 tăng 8.200 đồng/lít; xăng E5 tăng 8.500 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.960 đồng/lít.
Về xuất nhập khẩu hàng hóa, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 02/2022 giảm 20% so với tháng trước, ước đạt 48,2 tỷ USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 02/2022 vẫn tăng 17,6%. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,2%; nhập khẩu tăng 15,9%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,8 tỷ USD. Xuất siêu sang EU ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 566 triệu USD (cùng kỳ năm 2021, nhập siêu 237 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 13,4 tỷ USD, tăng 78,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 6,5 tỷ USD, tăng 24,4%; nhập siêu từ ASEAN 1,5 tỷ USD, giảm 18,1%.
Tuy nhiên, sau 2 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,6 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,96 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,02 tỷ USD.
Trong tháng 2/2022 đã có 29,5 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 49,6% so với tháng trước và tăng 169,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 49,2 nghìn lượt người, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi của lượng khách quốc tế được kỳ vọng sẽ giúp ngành du lịch sẽ sớm phục hồi trở lại.
Nguồn: [Link nguồn]
Chứng kiến giá vàng trong nước liên tục điều chỉnh tăng phi mã thời gian gần đây nhiều người vay vàng cảm thấy "choáng váng". Trong khi đó, những nhà đầu tư vàng có...