FPT của đại gia Trương Gia Bình thay đổi một loạt nhân sự cấp cao
Tập đoàn FPT của đại gia Trương Gia Bình sẽ có hàng loạt sự thay đổi nhân sự trong Hội đồng quản trị doanh nghiệp trong thời gian tới.
Để chuẩn bị cho Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 tổ chức ngày 7/4 tới, Tập đoàn FPT của đại gia Trương Gia Bình đã công bố tài liệu họp đại hội.
Đáng chú ý, trong Đại hội cổ đông sắp tới, Hội đồng quản trị của FPT sẽ có hàng loạt sự thay đổi về nhân sự. Cụ thể sẽ có tới 3/7 thành viên sẽ rời khỏi HĐQT của FPT, chỉ còn 3 ''tướng'' gạo cội là ông Trương Gia Bình, ông Bùi Quang Ngọc và ông Đỗ Cao Bảo sẽ tiếp tục tại vị cùng với ông Jean Charles Belliol.
Theo danh sách được công bố, những cái tên sẽ rời Hội đồng quản trị FPT gồm ông Lê Song Lai, ông Tomokazu Hamaguchi và ông Dan E Khoo. Trong khi những gương mặt mới được đề xuất vào hàng ngũ HĐQT FPT gồm ông Hiroshi Yokotsuka, ông Hamparur Rangadore Binod và bà Trần Thị Hồng Lĩnh.
Tập đoàn FPT của đại gia Trương Gia Bình sẽ có hàng loạt sự thay đổi nhân sự cấp cao trong Hội đồng quản trị trong nhiệm kỳ tới
Là gương mặt trẻ nhất trong số 3 thành viên mới được đề cử vào Hội đồng quản trị FPT, bà Trần Thị Hồng Lĩnh (1979) từng làm việc tại Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4, CTCP dược phẩm thiết bị y tế Hà Nội (Hapharco), Tổng công ty công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex).
Với hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực đầu tư và quản trị doanh nghiệp, ''nữ tướng'' mới của FPT hiện kiêm vị trí Phó trưởng ban đầu tư 4 Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và là thành viên HĐQT, người đại diện vốn SCIC tại CTCP Thiết bị khí tượng thủy văn và môi trường Việt Nam (Hymetco).
Ngoài những sự thay đổi trong Hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban soát FPT cũng có sự thay đổi khi bà Dương Thùy Dương (hiện là chuyên viên đầu tư của SCIC) sẽ thế chỗ bà Nguyễn Thị Kim Anh.
Năm 2022, FPT đặt mục tiêu doanh thu tăng 19% lên 42.420 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ khối công nghệ đạt 24.900 tỷ đồng, tăng 21,1%; doanh thu khối viễn thông đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 14,8% và doanh thu khối giáo dục, đầu tư và khác đạt 2.960 tỷ đồng, tăng 32,5%. Nhờ đó, FPT dự kiến lãi trước thuế đạt 7.618 tỷ đồng, tăng 20,2%.
Trong kế hoạch đầu tư dự kiến trong năm 2022, FPT sẽ dành 1.200 tỷ đồng đầu tư vào khối công nghệ; 2.000 tỷ đồng đầu tư khối viễn thông; 800 tỷ đồng dành cho khối giáo dục và khác. Tổng đầu tư là 4.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, FPT sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức 20% bằng tiền mặt cho năm 2021, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu, đồng thời chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng tỷ lệ 20%. Chỉ tiêu cổ tức năm 2022 là 20%.
Trước cơn sốt BĐS đang diễn ra nhiều nơi, bà mẹ 8X TPHCM này cho biết vừa chốt khoản đầu tư của mình cách đây 1 năm để thu về số tiền lãi hơn nửa tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]