FLC lãi tăng đột biến, vướng lùm xùm kiện tụng
Báo cáo tài chính kiểm toán của FLC cho thấy doanh nghiệp có lãi tăng đột biến so với con số tự lập công bố trước đó. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng đang vướng vào lùm xùm kiện tụng với đối tác.
Tập đoàn FLC lãi tăng đột biến
Theo đó, báo cáo hợp nhất sau kiểm toán mới đây của FLC cho biết doanh nghiệp lãi trước thuế trên 421 tỷ đồng và sau thuế gần 308 tỷ trong năm tài chính 2020, tương ứng với mức tăng lần lượt là khoảng 43% và 68% so với ghi nhận trong báo cáo quý 4 được công bố trước đó.
Cả FLC và Bamboo Airways đều đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2020
Theo giải trình của FLC, lợi nhuận tăng là do doanh thu bất động sản ghi nhận tăng, đồng thời chi phí tài chính giảm gần 4%. Kết quả này tiếp tục đưa lợi nhuận của FLC vượt xa so với kế hoạch đặt ra giữa năm.
Cùng với đó, đại diện tập đoàn FLC cũng cho biết do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trực tiếp đến ngành hàng không, du lịch, khách sạn, nghỉ dưỡng, năm 2020 doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 2.425,8 tỷ tương ứng giảm 15,2% so với năm 2019.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán của các ngành dịch vụ cao nên lợi nhuận gộp giảm 2.161,1 tỷ đồng. Công ty cơ cấu lại các khoản đầu tư toàn hệ thống để bù đắp và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nên doanh thu tài chính tăng 43,9%. Lợi nhuận sau thuế TNDN dương nhưng bị giảm 55,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của FLC đạt gần 38 ngàn tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền cũng tăng mạnh đến hơn 90%, đạt hơn 1.215 tỷ.
Mới đây, hãng bay Bamboo Airways – đơn vị thành viên của FLC cũng cho biết, lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 của hãng hàng không này ước khoảng hơn 400 tỷ đồng, tăng gần 34% so với 2019.
Với kết quả kinh doanh này, Bamboo Airways trở thành hãng hàng không đạt mức lãi cao nhất trong năm 2020 tại Việt Nam bất chấp những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Trong khi đó, VietJet Air chỉ lãi sau thuế 70 tỷ đồng trong năm 2020. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thậm chí lỗ hơn 11.000 tỷ đồng do những tác động tiêu cực của đại dịch.
Trong lĩnh vực bất động sản, FLC cho biết đã và đang triển khai đầu tư trên 40 tỉnh thành cả nước. Năm 2021, doanh nghiệp dự kiến sẽ phát triển và ra mắt gần 20 dự án tại các thị trường Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Bình Định, Quảng Bình, Gia Lai, Kontum, Đồng Tháp, Phú Quốc… thuộc hai phân khúc chiến lược là bất động sản nghỉ dưỡng và đô thị.
Sau khi khởi công giai đoạn 2 quần thể du lịch FLC Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc) và giai đoạn 2 quần thể du lịch FLC Quảng Bình (Quảng Bình) trong nửa cuối 2020, FLC dự kiến sẽ tiếp tục khởi công nhiều đại dự án quy mô trong nửa đầu 2021 tại các tỉnh thành như Hà Giang, Gia Lai…
Vướng lùm xùm kiện tụng
Đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong năm 2020, nhưng Tập đoàn FLC cũng đang vướng vào những lùm xùm kiện tụng với đối tác.
Trong ngày 9/3/2021, Công ty Luật TNHH ALB & Partners đã gửi đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) công văn số 17-21/CV/ALB-HBC thông tin về việc Hòa Bình chính thức thắng kiện Công ty CP Tập đoàn FLC, buộc Công ty CP Tập đoàn FLC phải thanh toán số tiền nợ hơn 276 tỷ đồng.
Trước đó, vào Quý IV/2014, Hòa Bình và FLC đã ký kết các Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 18/2014/HĐTC/FLC-HBC ngày 01/12/2014 (Hợp đồng 18) và Hợp đồng số 57/2014/HĐTC/FLC-HBC ngày 15/10/2014 (Hợp đồng 57) để thi công xây dựng các hạng mục: Nhà câu lạc bộ, Trung tâm hội nghị; Khu Fusion và Khu Alacarte thuộc Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn do FLC làm chủ đầu tư tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Năm 2016, HBC đã gửi hồ sơ quyết toán cho Hợp đồng 18 và Hợp đồng 57. Sau đó, rất nhiều công văn yêu cầu FLC phê duyệt hồ sơ quyết toán đã được gửi đi nhưng HBC vẫn không nhận được sự hợp tác thiện chí từ phía FLC. Tính đến nay, HBC đã mất hơn 5 năm để giải quyết dứt điểm số tiền công nợ trên đối với FLC.
"Trên đe dưới búa" vì Nghị định 100 và Covid-19, năm 2020 Sabeco bị sụt giảm doanh thu 26%, lợi nhuận 8%.
Nguồn: [Link nguồn]