Nếu Tesla là ngọn hải đăng của ngành công nghiệp ô tô điện, thì Elon Musk chính là ngọn lửa không bao giờ tắt, luôn thúc đẩy công ty vượt qua mọi giới hạn. Với một lịch sử chưa dài, những gì mà Tesla và Elon Musk làm được là chưa từng có tiền lệ...
Từ một ý tưởng táo bạo, Tesla đã trở thành biểu tượng toàn cầu của ngành ô tô điện, nhưng hành trình này không phải là con đường trải hoa hồng. Với sự lèo lái của Elon Musk, một “Tesla non trẻ” đã vượt qua những thách thức tưởng như bất khả thi để định hình tương lai của ngành công nghiệp ô tô, từng bước vượt qua mọi ông lớn có lịch sử hàng trăm năm tuổi.
Ngày nay, nhắc đến Tesla, người ta nghĩ ngay đến Elon Musk, nhưng thực tế, ông không phải là người sáng lập hãng xe này. Tesla Motors được thành lập năm 2003 bởi hai kỹ sư Martin Eberhard và Marc Tarpenning với mục tiêu tạo ra những chiếc xe điện mạnh mẽ, thú vị. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, họ phải đối mặt với sự hoài nghi từ ngành công nghiệp ô tô và nhiều ý kiến chế giễu rằng xe điện chỉ phù hợp để chạy trong sân golf hoặc làm đồ chơi trẻ em.
Năm 2004, khi nguồn vốn từ gia đình và bạn bè không đủ để duy trì hoạt động, Tesla tìm kiếm những nhà đầu tư lớn hơn. Thời điểm đó, Elon Musk – một doanh nhân khởi nghiệp thành công với PayPal, SpaceX và nhiều dự án khác – trở thành lựa chọn lý tưởng. Sau cuộc gặp gỡ kéo dài hai giờ tại trụ sở SpaceX, Musk đồng ý đầu tư 6,5 triệu USD vào Tesla và đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Từ những ngày đầu đồng hành cùng Tesla, Musk đã chứng tỏ vai trò quan trọng. Năm 2008, mẫu xe đầu tiên – Roadster – ra mắt, được giới chuyên môn đánh giá cao. Tuy vậy, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đẩy công ty vào tình thế nguy nan. Sau khi xảy ra một số mâu thuẫn nội bộ, hai nhà sáng lập rời đi, Musk chính thức tiếp quản vị trí CEO, bắt đầu tái cấu trúc toàn diện bằng cách cắt giảm 25% nhân sự để tối ưu chi phí.
Là một người nổi tiếng cuồng công việc, Musk mang văn hóa làm việc khắc nghiệt của mình vào Tesla. Ông thường làm việc hơn 120 giờ mỗi tuần và chỉ nghỉ 2 - 3 ngày mỗi năm. Từ năm 2017 đến 2019 – khoảng thời gian được Musk gọi là "ba năm địa ngục" – ông liên tục có mặt tại các nhà máy, trực tiếp tham gia vào mọi quy trình sản xuất, từ sửa chữa bộ phận không đạt yêu cầu đến ngủ trên sàn nhà máy để tiết kiệm thời gian. Musk từng nói rằng ông đã sống tại các nhà máy Tesla ở California và Nevada "trong ba năm liên tiếp" để truyền cảm hứng cho nhân viên "cống hiến hết mình" và cho họ thấy rằng ông cũng đang làm việc cực kỳ chăm chỉ.
Không chỉ giám sát, Musk còn làm gương khi sẵn sàng thực hiện những công việc nhỏ nhất, từ kiểm tra trạm sản xuất, viết lại mã phần mềm, đến trực tiếp giao xe cho khách hàng. Ông cũng áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, thay đổi quy trình để đẩy nhanh tiến độ và tận dụng mọi nguồn lực nhằm đạt mục tiêu.
Dù không phải người sáng lập, Elon Musk đã trở thành linh hồn của Tesla. Phong cách làm việc quyết liệt, tận tụy và tầm nhìn chiến lược của ông đã biến Tesla từ một hãng xe nhỏ bé thành biểu tượng dẫn đầu trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Con đường của Tesla ngay từ đầu đã được định vị là rất nhiều chông gai. Là một hãng xe điện non trẻ, Tesla không chỉ phải tìm hướng đi khác biệt hoàn toàn với ngành ô tô truyền thống mà còn phải vượt qua các cuộc khủng hoảng tài chính, đồng thời cạnh tranh quyết liệt trong một ngành công nghiệp với nhiều "ông lớn". Trên hành trình đó, Tesla đã hai lần suýt phá sản.
Lần đầu tiên xảy ra vào năm 2008, khi tình hình tài chính của công ty kiệt quệ đến mức phải nộp đơn xin phá sản. Elon Musk tiết lộ rằng chỉ đến khi công ty nhận được khoản vay chuyển đổi trị giá 40 triệu USD vào phút chót, Tesla mới thoát khỏi nguy cơ sụp đổ. Khoản vốn này được phê duyệt ngay đêm Giáng sinh, hỗ trợ Tesla tăng tốc sản xuất mẫu Roadster, giúp công ty “thoát chết trong gang tấc”. Tuy nhiên, đến năm 2009, công ty chỉ còn chưa đến 10 triệu USD tiền mặt, không đủ để giao xe cho khách hàng.
Cứu cánh đến vào tháng 5/2009, khi Daimler AG mua lại 10% cổ phần Tesla với giá 50 triệu USD. Sau đó, khoản vay 465 triệu USD từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã giúp Tesla ổn định dòng tiền.
Tesla đạt bước tiến quan trọng vào năm 2010 khi chính thức lên sàn Nasdaq. Với giá khởi điểm 17 USD/cổ phiếu, Tesla huy động được 226 triệu USD từ đợt IPO, tạo nền tảng tài chính vững chắc cho các kế hoạch tiếp theo.
Lần thứ hai diễn ra từ năm 2017 đến 2019, một giai đoạn được Elon Musk mô tả là "ba năm địa ngục". Năm 2018 đặc biệt khó khăn khi Tesla rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng do thua lỗ kéo dài và không đạt mục tiêu sản xuất Model 3. Nhiều nhà phê bình đã cảnh báo rằng những vấn đề về dòng tiền đang đe dọa đến sự sinh tồn của công ty. Nhiều chuyên gia còn giễu cợt khi CEO Elon Musk tuyên bố vào tháng 4 năm đó rằng ông sẽ mang lại dòng tiền dương và lợi nhuận bắt đầu từ quý 3 năm 2018. Rất nhiều nhà phân tích đều nhận định Tesla sẽ phá sản, các trang báo lớn liên tục lên bài về “cú sập” được báo trước của Tesla.
Cùng lúc, Elon Musk phải đối mặt với cáo buộc gian lận chứng khoán từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), dẫn đến khoản phạt 20 triệu USD và việc ông phải từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng điều tra Tesla về cáo buộc lừa dối nhà đầu tư liên quan đến năng lực sản xuất Model 3. Thêm vào đó, các nhà máy sản xuất của Tesla tại Fremont và Nevada liên tiếp gặp vấn đề, khiến tình hình càng thêm căng thẳng.
Để đối phó, Elon Musk đã trực tiếp chuyển đến sống tại các nhà máy sản xuất, đưa ra hàng loạt quyết định táo bạo. Ông sa thải nhân sự không đạt yêu cầu, tái cơ cấu bộ máy, và yêu cầu đội ngũ làm việc với cường độ cao chưa từng có. Ông yêu cầu tăng tốc giao xe Model 3 tới khách hàng bằng cách thay đổi quy trình, tập trung nhắn tin thay vì gọi điện, rút ngắn thủ tục và tối ưu hóa thời gian giao xe. Musk cũng tham gia tích cực vào quá trình giao xe, thậm chí trực tiếp hỗ trợ khách hàng. Nỗ lực không ngừng nghỉ này đã giúp Tesla đạt lợi nhuận 312 triệu USD trong quý 3/2018, đánh dấu khoản lợi nhuận hàng quý lớn nhất từ trước đến thời điểm đó, phá tan mọi nghi ngờ về khả năng hoạt động của công ty.
Đến năm 2019, Tesla giới thiệu mẫu xe bán tải điện Cybertruck và nhận 250.000 đơn đặt hàng. Cùng năm, hãng bắt đầu giao xe sản xuất tại Trung Quốc, mở rộng sang thị trường lớn nhất thế giới.
Năm 2020, cổ phiếu Tesla tăng vọt nhờ các báo cáo lợi nhuận mạnh mẽ. Công ty trở thành nhà sản xuất ô tô giá trị nhất Hoa Kỳ và vượt Toyota, trở thành thương hiệu xe hơi có giá trị nhất toàn cầu.
Từ một hãng xe hơi nhỏ bé, sau hơn 2 thập kỉ, Tesla vươn mình thành gã khổng lồ vượt qua rất nhiều ông lớn trong ngành có lịch sử hàng trăm năm tuổi. Theo thống kê tới ngày 15/11, vốn hóa thị trường của Tesla ở mức 998,9 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với doanh nghiệp ô tô đứng thứ hai là Toyota, thậm chí lớn hơn tổng giá trị của GM, Ford, Toyota cùng các hãng ô tô khác trong Top 10 toàn cầu cộng lại. Vậy điều gì đã giúp “gã tí hon” biến thành “người khổng lồ” trong thời gian rất ngắn?
Tesla, dưới sự dẫn dắt của Elon Musk, đã tạo nên một hiện tượng toàn cầu với những thành tựu đáng kinh ngạc trong ngành công nghiệp xe điện. Thành công của hãng không chỉ đến từ việc sản xuất những chiếc xe chất lượng cao mà còn bởi cách tiếp cận độc đáo trong chiến lược kinh doanh và quản trị.
Một trong những yếu tố quan trọng là khả năng nắm bắt xu hướng tương lai. Từ gần một thập kỷ trước, khi thế giới vẫn say mê với động cơ đốt trong, Musk đã mạnh dạn tuyên bố tầm nhìn thay đổi thế giới bằng năng lượng tái tạo. Tesla không chỉ tạo ra những chiếc xe sử dụng năng lượng xanh mà còn biến chúng thành các cỗ máy mạnh mẽ, vượt trội về hiệu suất. Những dòng xe như Model S hay Model 3 không chỉ đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường mà còn chinh phục thị trường nhờ công nghệ tiên tiến và thiết kế tối ưu.
Bên cạnh đó, Tesla còn tận dụng chiến lược "khởi nghiệp từ thị trường ngách". Hãng bắt đầu với Tesla Roadster, dòng xe thể thao cao cấp, để tạo nguồn lợi nhuận và sau đó tái đầu tư vào các dòng xe phổ thông hơn như Model S và Model 3. Điều này giúp Tesla từng bước mở rộng thị trường, từ khách hàng giàu có đến đối tượng phổ thông.
Đội ngũ lãnh đạo của Tesla, đặc biệt là Elon Musk, cũng là yếu tố quan trọng. Với cách làm việc cường độ cao và tư duy sắc bén, Musk không ngần ngại đưa ra những quyết định táo bạo, thậm chí đi ngược lại lẽ thường. Ông cũng xây dựng đội ngũ nhân sự tinh nhuệ, coi trọng chất lượng hơn số lượng. Những cá nhân xuất sắc được khuyến khích phát huy tối đa khả năng, đồng thời phải chịu áp lực cao để đạt kết quả tốt nhất. Ngược lại, Musk không ngần ngại giáng chức hay sa thải những ai ông cảm thấy không phù hợp.
Ngoài ra, việc kiểm soát toàn bộ chuỗi phân phối giúp Tesla đảm bảo trải nghiệm khách hàng vượt trội và tiết kiệm chi phí dài hạn. Quyết tâm đầu tư vào công nghệ như Gigafactory hay hệ thống Internet vệ tinh Starlink còn chứng minh tầm nhìn xa của Musk trong việc tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững.
Tất cả những yếu tố trên, kết hợp với sự đổi mới không ngừng, đã giúp Tesla không chỉ tồn tại mà còn dẫn đầu trong ngành xe điện, trở thành biểu tượng của sự thành công và đổi mới.
Nguồn: [Link nguồn]