Được cho mua cổ phần ngân hàng Eximbank, Tập đoàn Gelex kinh doanh ra sao?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sau khi ghi nhận khoản lãi hơn 1.300 tỷ nửa đầu năm, CTCP Tập đoàn Gelex do đại gia Nguyễn Văn Tuấn giữ vị trí TGĐ vừa đón tin vui khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép mua thêm cổ phần của ngân hàng Eximbank.

Theo báo cáo từ Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB), tại ngày 1/7, Eximbank có tổng cộng 5 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Trong đó, cổ đông tổ chức bao gồm CTCP Tập đoàn Gelex (GEX) do đại gia Nguyễn Văn Tuấn giữ vị trí TGĐ đang là cổ đông lớn nhất khi sở hữu gần 86 triệu cổ phiếu EIB, tương ứng 4,9% vốn điều lệ.

Hai cổ đông tổ chức còn lại của Eximbank gồm CTCP Chứng khoán VIX (VIX) sở hữu hơn 62 triệu cổ phiếu EIB (3,58% vốn) và CTCP Thắng Phương sở hữu hơn 53 triệu cổ phiếu EIB (3,07% vốn). Hai cổ đông cá nhân nắm giữ trên 1% vốn của ngân hàng này là bà Lê Thị Minh Loan sở hữu gần 18 triệu cổ phiếu EIB (1,03% vốn) và bà Lương Thị Cẩm Tú sở hữu gần 20 triệu cổ phiếu EIB (1,12% vốn).

Đang là cổ đông lớn nhất của EIB tuy nhiên, mới đây doanh nghiệp của đại gia Nguyễn Văn Tuấn tiếp tục đón tin vui khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận để doanh nghiệp này mua thêm cổ phần của Ngân hàng EIB thông qua giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận trên sàn HoSE trong năm 2024.

CTCP Tập đoàn Gelex do đại gia Nguyễn Văn Tuấn giữ vị trí TGĐ được phép nâng sở hữu tại EIB lên tối đa 10%

CTCP Tập đoàn Gelex do đại gia Nguyễn Văn Tuấn giữ vị trí TGĐ được phép nâng sở hữu tại EIB lên tối đa 10%

Nếu giao dịch mua cổ phần Eximbank thành công, Gelex sẽ nâng tỷ lệ sở hữu dự kiến đến mức 10% vốn điều lệ ngân hàng. Đồng thời, đây cũng là tỷ lệ tối đa mà một cổ đông tổ chức được sở hữu tại một tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Theo giới thiệu Tập đoàn Gelex thành lập năm 1990, hoạt động trong 2 lĩnh vực cốt lõi là sản xuất thiết bị điện và hạ tầng, khu công nghiệp với hệ sinh thái gồm một loạt doanh nghiệp như Cadivi, Thibidi, Viglacera. Hiện, tập đoàn này có hơn 50 công ty thành viên và công ty liên kết với tổng tài sản cuối quý 2/2024 đạt trên 52.400 tỷ đồng.

Trong 3 tháng gần nhất, GEX ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt hơn 8.250 tỷ đồng tăng 3,2% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần quý 2 tăng trưởng tích cực nhờ động lực từ sự phục hồi của lĩnh vực thiết bị điện. Mảng này ghi nhận 5.222 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 42,2% so với cùng kỳ và cũng là mức doanh thu thuần cao nhất trong vòng 8 quý vừa qua.

Sau khi trừ giá vốn bán hàng, doanh nghiệp do đại gia Nguyễn Văn Tuấn giữ vị trí TGĐ ghi nhận lợi nhuận gộp gần 1.500 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính hơn 1.085 tỷ đồng tăng gần gấp 10 lần so với con số chỉ gần 106 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Chi phí tài chính ghi nhận 495 tỷ đồng, tăng hơn 160 tỷ đồng so với cùng kỳ, chi phí lãi vay giảm mạnh chỉ còn hơn 273 tỷ đồng; chi phí bán hàng chiếm hơn 316 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm 391 tỷ đồng.

Kết quả, sau khi trừ các khoản chi phí khác và thuế thu nhập doanh nghiệp GEX ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.104 tỷ đồng, tăng hơn 69% so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, GEX ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.910 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.770 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 1.357 tỷ đồng, tăng 97,8% so với cùng kỳ.

Năm 2024, doanh nghiệp của đại gia 8X đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 32.303 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.921 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, GEX đã thực hiện 46,2% mục tiêu doanh thu và 92,1% mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2024.

Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của GEX đạt 52.442 tỷ đồng, tiền và tương đương tiền ở mức 4.322 tỷ đồng. Doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu hơn 22.237 tỷ đồng và 3.295 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Nợ phải trả 30.164 tỷ đồng, giảm hơn 1.700 tỷ so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm hơn 16.766 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm hơn 9.198 tỷ đồng, giảm gần 700 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ dài hạn chiếm hơn 13.397 tỷ đồng trong đó vay và nợ thuê tài chính dài hạn 8.139 tỷ đồng giảm gần 1.100 tỷ đồng so với đầu năm.

Về Eximbank, kết thúc quý 2/2024, nhà băng này báo lãi trước thuế 1.475 tỷ đồng, mới hoàn thành 28% kế hoạch cả năm. Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Eximbank đạt gần 212.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm ngoái. Hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất gồm cho vay khách hàng tăng 8% đạt trên 151.300 tỷ đồng và tiền gửi khách hàng tăng 4% đạt hơn 163.000 tỷ đồng.

Đầu tháng 7, NHNN cũng đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Eximbank thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ đạt 18.688 tỷ đồng.

Trước đó, HĐQT của nhà băng này cũng công bố nghị quyết triển khai phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 3%; tương đương mỗi cổ phiếu nhận về 300 đồng. Eximbank dự kiến chi ra 552 tỷ đồng để chi trả cho cổ đông.

Nguồn: [Link nguồn]

Trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam thủng mốc 1.200 điểm, nhiều đại gia trên sàn chứng khoán bị mất cả trăm đến nghìn tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN