Dồn lực cho ô tô, Vingroup từng rút lui khỏi những lĩnh vực nào?
Trước khi dừng sản xuất điện thoại, tivi để dồn lực phát triển ôtô, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã từng rút lui ở một số lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.
Ngày 9/5/2021, Tập đoàn Vingroup công bố VinSmart sẽ dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về “Infotainment” cho ô tô VinFast. Với mục tiêu đưa VinFast trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới.
Việc Vingroup rút lui khỏi lĩnh vực điện thoại và tivi khiến danh sách những lĩnh vực mà tập đoàn này rút lui để tập trung cho phát triển công nghiệp ô tô thêm nối dài. Trước đó, Vingroup cũng đã lần lượt rút khỏi mảng bán lẻ, nông nghiệp và hàng không để tập trung cho ưu tiên cốt lõi là ô tô.
Chia tay mảng bán lẻ và nông nghiệp
Một trong những thương vụ rút lui của Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhận được sự quan tâm lớn thời gian gần đây là ở lĩnh vực bán lẻ và nông nghiệp.
Tập đoàn Vingroup khởi động mảng bán lẻ từ năm 2013 với việc thành lập VinMart và VinMart+. Đến tháng 10/2014, tập đoàn này mua lại 70% cổ phần Công ty Ocean Retail (chủ sở hữu chuỗi siêu thị Ocean Mart) và đổi tên thành Công ty Cổ phần Siêu thị VinMart.
Từng tuyên bố mở 300 siêu thị VinMart và gần 10.000 cửa hàng VinMart+ đến năm 2025, tuy nhiên, tham vọng của Vingroup đã đổi hướng khi tập đoàn đạt thỏa thuận sáp nhập hai chuỗi siêu thị này về Tập đoàn Masan và không còn nắm quyền kiểm soát vào cuối năm 2019.
Không chỉ vậy, thương vụ sáp nhập với Masan cũng chuyển giao mảng nông nghiệp công nghệ cao tại VinEco.
Cùng với đó, Vingroup tuyên bố giải thể VinPro và sáp nhập Adayroi về VinID. Trước đó, ở thời điểm mở rộng lĩnh vực đầu tư bán lẻ, VinPro cũng được đổ hàng nghìn tỷ để mở rộng và cạnh tranh thị phần với hai đối thủ lớn nhất Thế giới Di động và Nguyễn Kim.
Tập đoàn Vingroup chia tay một loạt lĩnh vực để dồn sức cho ngành công nghiệp ô tô
Rút lui khỏi lĩnh vực hàng không
Nửa cuối năm 2019, Vingroup tuyên bố tham vọng lớn trong lĩnh vực hàng không khi dự tính chi ra 4.700 tỷ đồng vốn đầu tư cho Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air, riêng vốn chủ sở hữu đã là 1.300 tỷ đồng.
Thời điểm đó, Vinpearl Air cho biết sẽ đặt trụ sở tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và nêu rõ thời điểm cất cánh dự kiến là tháng 7/2020 nếu được phê duyệt. Lượng máy bay khai thác trong năm đầu là 6 chiếc thân hẹp loại 150-220 ghế. Trung bình hàng năm sẽ đưa vào khai thác thêm 6 máy bay và đến năm 2024 đạt 30 chiếc.
Tuy nhiên, chỉ sau 5 tháng công bố và chưa đi vào vận hành, Vingroup đã thoái lui với lý do "tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp". Cụ thể, ngày 14/1/2020, Vingroup đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông Vận tải xin chấm dứt dự án Vinpearl Air.
Chia tay lĩnh vực bóng đá
Sau hơn 12 năm thành lập và phát triển, trung tâm PVF đã vươn mình ra châu lục và thế giới, góp phần nâng tầm bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng với mục tiêu dồn lực để phát triển những lực trọng tâm là Công nghệ và Công nghiệp, đầu tháng 2/2021, Tập đoàn Vingroup đã có thông báo về việc chuyển giao trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF cho tập đoàn Giáo dục Văn Lang.
Dù không còn trực tiếp đầu tư vào bóng đá, nhưng tập đoàn Vingroup vẫn sẽ giúp đỡ VFF trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ để phát triển các tài năng trẻ của nước nhà.
Tại thời điểm đó, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản lý PVF cho biết: “Về phía Vingroup, tuy không còn tham gia trực tiếp nhưng chúng tôi sẽ vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ bóng đá nước nhà”.
Ngoài những lĩnh vực rút lui trong thời gian gần đây, trong lịch sử phát triển của mình, Tập đoàn Vingroup cũng từng mở ra nhiều dự án kinh doanh khác như: tài chính, công ty chứng khoán, thời trang,... nhưng đều sớm rút lui không lâu sau đó.
Nguồn: [Link nguồn]
Dù mới được thành lập chưa đầy 3 năm, nhưng VinSmart đã đứng thứ 5 về giá trị đầu tư trong hệ sinh thái của Vingroup.