Doanh nghiệp dành gần 2.000 tỷ ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 khủng cỡ nào?
Nằm trong danh sách các tổ chức, DN, cá nhân ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19, có nhiều DN, cá nhân ủng hộ với số tiền rất lớn tới hàng trăm tỷ, thậm chí tới gần 2 nghìn tỷ đồng.
Nhiều DN ủng hộ Quỹ, cao nhất tới gần 2.000 tỷ đồng
Theo tính toán của Bộ Y tế thì Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vắc xin để tiêm khoảng 75 triệu người, với chi phí ước tính hơn 25.200 tỉ đồng, một con số không hề nhỏ đối với ngân sách nhà nước.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát, Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 được chính thức công bố để huy động sức dân. Tính đến 22h ngày 5/6, tại lễ ra mắt Quỹ vaccine Covid-19, đại diện Quỹ vaccine phòng Covid-19 đã tiếp nhận sự đóng góp, ủng hộ của gần 80 tổ chức, ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM tiếp nhận bảng tượng trưng số tiền do Công ty cổ phần Bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ủng hộ
Trong số đó, nhóm các doanh nghiệp lớn đã có ủng hộ thiết thực vào Quỹ vaccine phòng Covid-19, như: Công ty Golf Long Thành đóng góp 500 tỷ đồng; Vingroup 480 tỷ đồng, Viettel 450 tỷ đồng, Tập đoàn dầu khí 400 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực 400 tỷ đồng, Tập đoàn VNPT 400 tỷ đồng, Tổng công ty MobiFone 200 tỷ đồng, Tập đoàn Novaland 100 tỷ đồng…
Đặc biệt, nhiều cá nhân, DN đã tự “phá vỡ kỷ lục” so với các lần đóng góp trước đó. Đơn cử, Công ty cổ phần Bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ủng hộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh số tiền 1.450 tỷ đồng.
Cũng tại lễ phát động quyên góp ủng hộ phòng chống Covid của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công ty của Vạn Thịnh Phát ủng hộ 450 tỷ đồng.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đồng thời ủng hộ 450 tỷ đồng tại Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Dù tác động của Covid-19 không chừa một ai, một doanh nghiệp nào, nhưng họ đã không ngần ngại bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỉ, hay thậm chí là gần 2.000 tỉ đồng như Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng các công ty đối tác của doanh nghiệp này.
Được biết, năm 2020, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng là đơn vị phối hợp cùng Trường Đại học Văn Lang tài trợ chi phí trang bị 2.000 máy thở tặng Chính phủ Việt Nam để có thêm nguồn lực trong phòng, chữa bệnh Covid-19.
Vạn Thịnh Phát khủng cỡ nào?
Là một trong những tập đoàn kín tiếng, Vạn Thịnh Phát luôn khiến nhiều người phải tò mò về mức độ giàu có của tập đoàn này khi sở hữu những dự án "khủng".
Vạn Thịnh Phát được bà Trương Mỹ Lan thành lập năm 1992 với tên gọi Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát. Doanh nghiệp này hoạt động ban đầu trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn, sau đó mở rộng hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Times Square nằm ngay sát tòa nhà Bitexco Finance. Chiều cao của Times Square lên tới gần 165m và có sân đậu trực thăng trên sân thượng
Năm 2007, Vạn Thịnh Phát đã tham gia thành lập các công ty cổ phần có vốn đầu tư lớn. Gồm: Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group Holdings, với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. CTCP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group có vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng tại 2 công ty trên, bà Trương Mỹ Lan đã sở hữu lượng cổ phần trị giá tới hơn 6.700 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Lan có thể coi là một trong những người giàu nhất Việt Nam.
Ngoài ra, Vạn Thịnh Phát còn có 3 công ty liên quan là Công ty CP Đầu tư An Đông (vốn đăng ký 9.000 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam và Công ty CP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula (vốn đăng ký 18.000 tỷ đồng).
Vạn Thịnh Phát từng gây xôn xao dư luận bằng việc chi 10.000 tỷ đồng để mua lại tòa tháp Vincom Centre A (TP.HCM) sau đó đổi tên thành Union Square.
Tháng 8/2015, báo chí lại nhắc đến tập đoàn này khi đầu tư vào Thuận Kiều Plaza và phá dỡ toàn bộ tòa công trình để xây mới.
Ngoài các dự án nằm trên "đất vàng" trên, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt siêu dự án khác như: Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, Khách sạn Thương mại An Đông, Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence…
Năm 2016, "siêu dự án công viên" 6 tỷ USD ở quận 7, TP.HCM làm nóng thị trường bất động sản cũng như nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Dự án này được Vạn Thịnh Phát và nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group cùng phát triển.
Tờ LATimes của Mỹ cũng từng đăng tải hình ảnh và hết lời khen ngợi về khách sạn 6 sao The Reverie bên trong tòa nhà Time Square, TP.HCM của Vạn Thịnh Phát.
Được biết, đây là khách sạn 6 sao duy nhất tại Sài Gòn với nội thất bên trong được thiết kế theo phong cách cổ điển châu Âu vô cùng sang trọng, hút mắt người xem với 286 phòng. Đặc biệt, điều khiến nhiều người phải choáng ngợp là giá phòng thấp nhất tại khách sạn 6 sao này là 5,7 triệu đồng/đêm và cao nhất là... 320 triệu đồng/đêm...
Trước đó, tập đoàn cũng được UBND tỉnh Long An chấp thuận về chủ trương cho phép đầu tư 16 dự án bất động sản trên địa bàn huyện Cần Giuộc.
Theo đó, các dự án đầu tư này gồm có 3 dự án đầu tư cụm công nghiệp, 7 khu dân cư thương mại dịch vụ và nhiều dự án nhà ở tái định cư, với tổng diện tích trên 1.500ha.
Bất động sản này có chiều rộng là 7ft (2,1m), bị kẹp giữa hai ngôi nhà đồ sộ và ẩn sau một khu vườn nên nhìn từ...
Nguồn: [Link nguồn]