Công ty Phúc Long Heritage có gì đặc biệt để được định giá hơn 1.700 tỷ đồng?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chỉ sau 3 ngày được thành lập cùng vốn chủ sở hữu 260 tỷ đồng, doanh nghiệp này đã được người giàu thứ 5 Việt Nam định giá lên tới hơn 1.700 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty TNHH The Sherpa - một công ty con của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) bất ngờ công bố ký kết thỏa thuận mua lại 20% Công ty cổ phần Phúc Long Heritage - một doanh nghiệp mới thành lập được 3 ngày với số vốn điều lệ 260 tỷ đồng.

Thương vụ này nhận được sự chú ý của giới kinh doanh bởi công ty thành viên của Tập đoàn MSN của tỷ phú giàu thứ 5 trên sàn chứng khoán Việt Nam ông Nguyễn Đăng Quang đã phải chi ra số tiền lên tới 15 triệu USD.

Điều này đồng nghĩa Masan định giá công ty này 75 triệu USD, tương đương khoảng 1.730 tỷ đồng cho công ty mới thành lập được 3 ngày tuổi. Thương vụ này cũng đánh dấu việc doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang lấn sân sang lĩnh vực F&B.

Trước khi mua cổ phần, Masan đã thử nghiệm thành công 4 Kiosk Phúc Long tại TP.HCM trong 3 tháng qua

Trước khi mua cổ phần, Masan đã thử nghiệm thành công 4 Kiosk Phúc Long tại TP.HCM trong 3 tháng qua

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Phúc Long Heritage mới được thành lập ngày 21/5 với vốn điều lệ 260 tỷ đồng gồm 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, ông Lâm Bội Minh nắm 94,5% số cổ phần, giữ vị trí Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật. Hai cổ đông còn lại là Lê Hồng Việt giữ 0,5% cổ phần và Lâm Chấn Huy giữ 5% cổ phần.

Dù chỉ mới thành lập được ít ngày nhưng Công ty cổ phần Phúc Long Heritage chính là công ty sở hữu thương hiệu Phúc Long, một trong những thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê hàng đầu Việt Nam.

Phúc Long được thành lập năm 1968 tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, hiện có khoảng 82 cửa hàng tại TP HCM và 7 tỉnh, thành phố khác.

Trong khi đó, The Sherpa hiện cũng là công ty mẹ, trực tiếp nắm giữ gần 85% cổ phần The CrownX - công ty đại diện sở hữu lợi ích của Masan, quản lý hai công ty Masan Consumer Holding, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và VinCommerce, pháp nhân sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+.

Sau khi The Sherpa bỏ 15 triệu USD để mua 20% cổ phần, VinCommerce sẽ hợp tác với Phúc Long triển khai mô hình ki-ốt thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc.

Trong khuôn khổ Thỏa thuận Hợp tác chiến lược với VinCommerce, ki-ốt Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với cửa hàng VinMart+.

Dựa vào kết quả kinh doanh của mô hình thí điểm, hợp tác này sẽ góp phần tăng biên lợi nhuận của toàn hệ thống cửa hàng VinMart+ hơn 4,0% so với mức hiện tại.

Với thỏa thuận mua 20% cổ phần của Phúc Long Heritage, đây trở thành thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) thứ 3 liên tiếp của tập đoàn tỷ phú Nguyễn Đăng Quang trong thời gian ngắn.

Trước đó, vào đầu tháng 4, SK rót 410 triệu USD mua 16,3% cổ phần VinCommerce. Tập đoàn Hàn Quốc này hiện cũng chính là một cổ đông lớn sở hữu 9,4% vốn điều lệ Masan.

Gần đây, vào ngày 17/5, một nhóm nhà đầu tư được dẫn đầu bởi Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc thông báo đầu tư 400 triệu USD để sở hữu 5,5% cổ phần The CrownX.

Hiện Masan cũng cho biết đang tiếp tục đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với các nhà đầu tư khác quan tâm The CrownX với giá trị thương vụ ước tính 300-400 triệu USD. Giao dịch này dự kiến hoàn tất ngay trong năm 2021.

Nguồn: [Link nguồn]

17 lần đại hạ giá vẫn không có người mua khách sạn 5 sao

Khách sạn Cendeluxe Phú Yên đã 17 lần giảm giá vẫn không có người đăng ký tham gia đấu giá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN