DN của nữ Chủ tịch sinh năm 1993 chậm trả gần 5.500 tỷ nợ trái phiếu kinh doanh ra sao?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Không chỉ chậm trả gốc và lãi gần 5.500 tỷ đồng nợ trái phiếu, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này cũng giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây công bố thông tin cho biết Công ty cổ phần Bông Sen, một doanh nghiệp nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của đại gia Trương Mỹ Lan đang chậm trả 4.800 tỷ nợ gốc và gần 670 tỷ lãi trái phiếu. Lý do mà Bông Sen đưa ra là do “tài khoản bị phong tỏa”.

Công ty cổ phần Bông Sen vốn là doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), được cổ phần hóa năm 2005, có vốn điều lệ ban đầu là 130 tỷ đồng. Đến năm 2014, vốn điều lệ đã tăng mạnh lên con số 816 tỷ đồng.

Công ty này sở hữu loạt "đất vàng" tại trung tâm TP HCM để làm khách sạn như Palace Saigon (đường Nguyễn Huệ), Bông Sen Sài Gòn (đường Đồng Khởi), Bông Sen Annex (đường Hai Bà Trưng). Ngoài ra, công ty còn sở hữu các nhà hàng Vietnam House, Lemongrass, Calibre, Bier Garden, Buffet Gánh Bông Sen và chuỗi bánh Brodard với 18 cửa hàng.

Khách sạn Palace Saigon là một trong những tài sản thuộc Công ty cổ phần Bông Sen do bà Vũ Thị Hồng Hạnh giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị

Khách sạn Palace Saigon là một trong những tài sản thuộc Công ty cổ phần Bông Sen do bà Vũ Thị Hồng Hạnh giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị

Bông Sen từng nổi lên với thương vụ mua hơn 51% vốn Công ty cổ phần Daeha, chủ đầu tư khu phức hợp trung tâm thương mại Daeha - khách sạn Daewoo (Ba Đình, Hà Nội) trong năm 2015.

Trong lần thay đổi vào cuối năm 2016, vốn điều lệ của Bông Sen tăng mạnh từ 816 tỷ đồng lên hơn 4.777 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Trong khi đó, ở lần thay đổi thông tin doanh nghiệp mới nhất vào tháng 11/2022, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của Bông Sen đã chuyển từ bà Đinh Thị Ngọc Thanh sinh năm 1974 sang bà Vũ Thị Hồng Hạnh, sinh năm 1993. Với cuộc chuyển giao này, bà Hạnh ngồi vào ghế chủ tịch của doanh nghiệp nghìn tỷ khi chưa đầy 30 tuổi.

Ngoài ra bà Vũ Thị Hồng Hạnh còn đại diện pháp luật của một loạt doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Modern Horizon; Công ty TNHH Hoa Tuyết Trắng; Công ty cổ phần Lumiform; Công ty cổ phần Future Horizon; Công ty cổ phần Green Horizon; Công ty TNHH Radiance; Công ty TNHH C-space; Công ty cổ phần Vietnam Marina Holdings Group; Công ty cổ phần đầu tư Vạn Thông và Công ty cổ phần Peridot.

Theo công bố, lô trái phiếu của Công ty cổ phần Bông Sen được phát hành từ tháng 10/2021 dưới thời cựu Chủ tịch Đinh Thị Ngọc Thanh do Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thu xếp. Tổng giá trị dư nợ là 4.800 tỷ đồng, lãi suất 10,5% một năm và có hạn trả lãi định kỳ 3 tháng một lần. Ban đầu lô này có kỳ hạn 5 năm, nhưng về sau kỳ thanh toán gốc dời lại thành cuối tháng 6 năm nay.

Theo bản cáo bạch phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, Bông Sen phát hành lô trái phiếu này để bổ sung vốn góp vào hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Vina Alliance cho dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại - dịch vụ và căn hộ tại số 152 Trần Phú.

Tuy nhiên, dự án 152 Trần Phú bị thanh tra và thu hồi. Đến tháng 11/2022, Bông Sen thông báo đã yêu cầu Vina Alliance hoàn lại toàn bộ số tiền nhưng mất liên lạc với đối tác này. Trong phiên họp cổ đông bất thường cuối tháng 8/2023, doanh nghiệp này cho biết sẽ xử lý các tài sản hiện có để thực hiện nghĩa vụ với lô trái phiếu 4.800 tỷ đồng kể trên.

Theo đó, các tài sản được đưa ra gồm cổ phần của Công ty Daeha, hồ sơ thế chấp khách sạn Palace Saigon, khách sạn Bông Sen Annex, nhà hàng Vietnam House và hai bất động sản khác tại quận 1... Nếu không đủ chi trả, công ty nói sẽ xử lý các tài sản khác để tất toán toàn bộ nghĩa vụ.

Chủ tịch Vũ Thị Hồng Hạnh cho biết, công ty đang trong quá trình làm việc và chờ kết luận của cơ quan chức năng về khả năng dính líu đến vụ án sai phạm của Vạn Thịnh Phát. Trước mắt, doanh nghiệp này đang nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Ngoài ra, Bông Sen còn phải chuyển tiền vào tài khoản chỉ định theo yêu cầu của cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả của vụ án.

Không chỉ chậm trả gốc và lãi của lô trái phiếu 4.800 tỷ đồng kết quả kinh doanh của Bông Sen cũng giảm mạnh trong những năm gần đây. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, Bông Sen ghi nhận lỗ 280 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với số lỗ 82 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2022. Trước đó, trong năm 2021 và 2022, doanh nghiệp này cũng thua lỗ lần lượt gần 186 tỷ và 443 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 30/6, Bông Sen có vốn chủ sở hữu là 6.973 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với con số 7.707 tỷ đồng nửa đầu năm 2022. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 0,94 lần tương đương số nợ phải trả của doanh nghiệp này khoảng 6.554 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu là 0,69 lần tương đương số dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp khoảng 4.811 tỷ đồng.

Trước Công ty cổ phần Bông Sen, một doanh nghiệp khác liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là Công ty cổ phần đầu tư Quang Thuận do ông Huỳnh Ngọc Phát sinh năm 1984 làm Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật cũng đã ghi nhận lỗ hơn 641 tỷ đồng trong nửa đầu năm, giảm mạnh so với mức lãi hơn 247 triệu đồng cùng kỳ năm trước.

Tính tới cuối quý 2/2023, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ghi nhận 1.249 tỷ đồng, giảm gần 60% so với giữa năm trước. Quy mô nợ phải trả gấp gần 10 lần vốn chủ sở hữu, ở mức 12.441 tỷ đồng, tăng 11%. Trong đó riêng dư nợ trái phiếu chiếm gần 11.000 tỷ đồng.

Lãi tiết kiệm xuống đáy, nhiều phân khúc BĐS được săn lùng, tăng giá mạnh

Trong khi lãi suất tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh, thời gian gần đây nhiều phân khúc BĐS ghi nhận mức giá tăng mạnh bất chấp giao dịch vẫn còn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN