Diêm Thống Nhất: Thương hiệu “vang bóng một thời” đã hết thời
Theo thời gian, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, sản phẩm diêm mất dần vị thế. Từ những năm 2013, doanh thu diêm của Diêm Thống Nhất liên tục sụt giảm khi ngày càng ít được sử dụng.
Trong bối cảnh sản phẩm diêm ngày càng ít được sử dụng, Diêm Thống Nhất đã quyết định dừng sản xuất diêm vào năm 2020 và xoay trục sang kinh doanh bật lửa.
Diêm Thống Nhất có chuỗi 4 năm liên tiếp sụt giảm lợi nhuận, từ mức 3,77 tỷ đồng đạt được năm 2012 xuống còn 1,9 tỷ đồng năm 2016
Khó khăn bủa vây
Theo đánh giá của ban giám đốc Diêm Thống Nhất, khi các sản phẩm, bếp gas, bật lửa phát triển, Diêm Thống Nhất phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, mặt hàng chính của công ty là diêm hộp các loại, tuy nhiên do sự thay đổi của thị trường với sản phẩm phong phú, mẫu mã đa dạng, các mặt hàng này chịu ảnh hưởng nhiều từ sức mua của người tiêu dùng và sự thay thế của các loại sản phẩm khác.
Bên cạnh đó, theo doanh nghiệp, nguyên vật liệu đầu vào sử dụng trong sản xuất sản phẩm diêm của công ty chủ yếu là gỗ (chiếm tới gần 50% đối với diêm); giấy (khoảng 70% đối với bao bì) và các hóa chất, phụ liệu khác như mực in; dung môi, photpho, tinh bột biến tính; kaliclorat (lượng này chiếm 50% thuốc trên đầu que diêm;....). Trong đó, các hóa chất, phụ liệu khác, chủ yếu công ty phải nhập khẩu từ nước ngoài, nên chịu ảnh hưởng rất lớn của giá cả nguyên vật liệu trên thế giới. Do vậy những biến động về giá cả ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Sản phẩm diêm nội địa vào chu kỳ suy thoái nhanh do nhu cầu tiêu dùng hạn chế chuyển sang dùng sản phẩm bật lửa nhiều hơn, cùng với đó là sự giảm dần của sản phẩm que diêm xuất khẩu.
Theo một số chuyên gia kinh tế, sản phẩm Diêm Thống Nhất đã có thương hiệu lâu năm, nhưng đây là mặt hàng tiêu dùng thông thường, tính thương mại kém, giá trị thấp, có nhiều sản phẩm thay thế… nên mức độ cạnh tranh cao.
“Việt Nam tham gia WTO, thị trường ngành in bao bì được mở cửa cho các công ty nước ngoài có công nghệ hiện đại. Điều này sẽ tăng sức ép rất lớn với các công ty trong nước, đặc biệt là Diêm Thống Nhất”, một chuyên gia kinh tế phân tích.
Sản phẩm bao bì chịu sự cạnh tranh rất mạnh về chất lượng và giá cả giữa các nhà cung cấp. Bên cạnh đó phải tập trung mọi nguồn lực để duy trì sản xuất do thiếu nguyên liệu giấy, việc tăng giá đầu vào không phải khách hàng nào cũng chấp nhận ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các đơn hàng.
Dây chuyền sản xuất diêm tại Công ty CP Diêm Thống Nhất
Lợi nhuận sụt giảm
Kết quả kinh doanh của công ty Diêm Thống Nhất đã thể hiện sự đi xuống rõ rệt. Trong 5 năm trở lại đây, doanh thu của công ty loanh quanh ở mức 100 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ vỏn vẹn khoảng 2 – 3 tỷ đồng.
Từ năm 2013 – 2016, Diêm Thống Nhất có chuỗi 4 năm liên tiếp sụt giảm lợi nhuận, từ mức 3,77 tỷ đồng đạt được năm 2012 xuống còn 1,9 tỷ đồng năm 2016.
Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2018, tổng giá trị tài sản của Diêm Thống Nhất là 66,8 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm gần 19 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này lý giải, sản phẩm diêm trong nước đang rơi vào chu kỳ suy thoái nhanh do nhu cầu tiêu dùng hạn chế cùng với đó là sự sụt giảm của que diêm xuất khẩu.
Năm 2018, căn cứ kết quả kinh doanh của đơn vị này cho thấy, doanh thu thuần của công ty đạt 118,2 tỷ đồng, đánh dấu tăng trưởng năm thứ 3 liên tiếp và là mức doanh thu cao nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, dù doanh thu tăng nhưng do giá vốn cũng tăng nên lợi nhuận trước thuế của Diêm Thống Nhất chỉ là 2,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kết quả năm 2017. Nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất của Diêm Thống Nhất, khiến biên lợi nhuận gộp chỉ trong khoảng 16-17%.
Trong cơ cấu chi phí sản xuất của Diêm Thống Nhất, chi phí nguyên vật liệu chiếm 60% và chi phí nhân công chiếm 22%. Còn lại là các loại chi phí như khấu hao, công cụ dụng cụ, mua ngoài...
Ban lãnh đạo Diêm Thống Nhất cho biết, so với cách đây gần thập kỷ sản lượng tiêu thụ diêm hộp của Diêm Thống Nhất là hơn 180 triệu bao diêm, năm 2018 sản lượng chỉ còn chưa tới 100 triệu bao, giảm hơn 45%. "Sản lượng diêm tiếp đà giảm mạnh và sẽ còn lao dốc nhanh hơn năm 2018", báo cáo về kế hoạch kinh doanh năm 2019 viết.
“Xoay trục” tìm lối thoát
Xác định sản lượng diêm tiêu thụ dù phục hồi, vẫn nằm trong xu hướng giảm của dài hạn, Diêm Thống Nhất bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất bật lửa an toàn, vốn là nguyên nhân khiến sức tiêu thụ diêm que sụt giảm. Tuy nhiên, bước đi mới cũng gặp không ít thách thức, khi các sản phẩm của Diêm Thống Nhất ra đời sau và chịu sức ép cạnh tranh lớn.
Như năm 2016, Diêm Thống Nhất đặt mục tiêu tiêu thụ 85 triệu chiếc bật lửa nhưng đến cuối năm, chỉ có 10 triệu chiếc được tiêu thụ, tương đương 12% kế hoạch. Năm 2017, sản lượng tiêu thụ chỉ tăng 10%. Còn 2018, công ty kỳ vọng tiêu thụ 18 triệu sản phẩm nhưng hết năm chỉ hoàn thành hơn 80%.
Theo đánh giá của công ty, sản phẩm bật lửa Thống Nhất bước đầu đã được người sử dụng tin dùng về các ưu điểm vượt trội như độ an toàn và thời gian sử dụng, mẫu mã đẹp... nhưng mới tiêu thụ chủ yếu ở một số thành phố lớn miền Bắc và miền Trung.
"Sản phẩm bật lửa chưa thể phát triển mạnh và ồ ạt về số lượng do còn hạn chế về thị trường và sản phẩm ở phân khúc trung bình khá nên không dễ cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại, giá rẻ", ban lãnh đạo Diêm Thống Nhất cho biết.
Ngày 15/11 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông bất thường của CTCP Diêm Thống Nhất đã thông qua 2 nội dung quan trọng là dừng sản xuất diêm kể từ năm 2020 và hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn Upcom. Bên cạnh đó, Diêm Thống Nhất còn thông qua một số nội dung khác như sử dụng quỹ dự phòng tài chính để bù đắp tổn thất trong kinh doanh; sử dụng quỹ dự phòng tài chính để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm do sắp xếp lại sản xuất; tăng vốn điều lệ. |
Nguồn: [Link nguồn]
Do mức tiêu thụ giảm mạnh những năm gần đây, Ban lãnh đạo Diêm Thống Nhất quyết định sẽ dừng sản xuất diêm từ...