Dệt may Thành Công bất ngờ báo lãi mạnh giữa lúc hàng loạt doanh nghiệp điêu đứng

Giữa lúc hàng loạt doanh nghiệp ngành dệt may đang điêu đứng bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Dệt may Thành Công lại có lãi hơn 50% so với cùng kỳ.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động ngay lập tức và tiêu cực đối với ngành dệt may trong nước cũng như thế giới. Hầu hết, các nhà bán lẻ quần áo ở các quốc gia đều trải qua thời kỳ khó khăn, khi phải đóng các cửa hàng do cầu tiêu dùng giảm từ đầu năm 2020. Doanh số bán hàng đều suy yếu, tạo ra những cú sốc trực tiếp cho chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Năm 2020, TCM đặt mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế dự kiến 188 tỷ đồng

Năm 2020, TCM đặt mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế dự kiến 188 tỷ đồng

Khảo sát của Liên đoàn các nhà sản xuất thiết bị và hàng hoá dệt may cũng đưa ra dự báo về khả năng suy giảm 25% tổng cầu 2020 toàn thế giới. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 755 tỷ USD. Với kịch bản dịch bệnh kéo dài đến hết năm 2020, ước tổng nhập khẩu dệt may thế giới chỉ đạt đến ngưỡng 600 – 640 tỷ USD, giảm từ 15-20% so với mức 755 tỷ USD của năm 2019.

Ảnh hưởng của đại dịch cũng khiến kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 15,68 tỷ USD, giảm tới 13,4% so với cùng kỳ 2019. Đây là lần đầu tiên kim ngạch dệt may trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam chứng kiến mức giảm mạnh trong 1 thập kỷ trở lại đây.

Với ngành Dệt May Việt Nam, nhất là đối với ngành may mặc, trong quý I/2020, tình trạng hủy, giãn đơn hàng rất nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã chứng kiến ngay mức doanh thu giảm 20% trong quý I/2020 và tiếp tục trượt giảm ở quý II/2020, thời gian mở LC cũng kéo dài.

Dù hàng loạt doanh nghiệp trong ngành dệt may đang chịu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) lại cho thấy doanh thu tăng trưởng mạnh.

Theo đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 948 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước (791 tỷ đồng). Giá vốn tăng chậm hơn hết gần 760 tỷ đồng giúp cho lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng mạnh lên mức 188 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ.

Sau khi trừ các chi phí phát sinh trong kỳ, TCM báo lãi sau thuế 81,1 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, TCM ghi nhận 1.738 tỷ đồng doanh thu, giảm 1% so với cùng kỳ tuy nhiên lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 21% đạt 115 tỷ đồng.

Thời điểm cuối tháng 6, tổng tài sản của TCM đã tăng 5% so với đầu năm lên 3.070 tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn của khách tăng 25% so với đầu kỳ, đạt 423 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng lên 997 tỷ đồng so với 892 tỷ đồng của cùng kỳ tương đương mức tăng 12%. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích lũy được 369 tỷ đồng bên cạnh 396 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.

TCM có quý kinh doanh đạt lợi nhuận cao nhất so với 6 quý gần nhất dù nhiều doanh nghiệp dệt may điêu đứng bởi dịch Covid-19

TCM có quý kinh doanh đạt lợi nhuận cao nhất so với 6 quý gần nhất dù nhiều doanh nghiệp dệt may điêu đứng bởi dịch Covid-19

Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trong quý II/2020 chủ yếu nhờ xuất khẩu nhiều đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế. Bên cạnh đó, công ty thực hiện kiểm soát và tiết kiệm chi phí nên tỷ lệ giá vốn/doanh thu thuần giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Dù ghi nhận lãi từ sản phẩm khẩu trang và đồ bảo hộ tuy nhiên TCM nhận định đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn để vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19 nhằm đảm bảo công việc và thu nhập cho người lao động.

Năm 2020, TCM đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.780 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 188 tỷ đồng. Với kết quả đạt được sau nửa năm, công ty đã thực hiện được 46% kế hoạch doanh thu và 61% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng tăng dữ dội, cao nhất mọi thời đại: Ai là người hưởng lợi?

Giá vàng đang tiếp tục tăng tốc vượt ngưỡng 56 triệu đồng/lượng, điều đáng chú ý là giá vàng thị trường trong nước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế "kháng sốc" COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN