Doanh nghiệp của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đề xuất xây dự án 80.000 tỷ đồng
Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết vừa đề xuất xây dựng tổ hợp dự án với tổng mức đầu tư tới 80.000 tỷ đồng tại huyện Bình Chánh, TP TPHCM, với điểm nhấn là toà nhà cao tới 99 tầng.
Mới đây, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện uỷ Bình Chánh (TP HCM), tập đoàn FLC đã báo cáo chi tiết về đề xuất đầu tư Khu đô thị nghỉ dưỡng tại xã Tân Nhựt và xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP HCM với quy mô 1.154 ha, tổng mức đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng.
Theo đề xuất của phía FLC, tỷ lệ xanh của toàn dự án sẽ chiếm đến trên 75%, chỉ 25% còn lại là dành cho xây dựng. Điểm nhấn của toàn dự án là tòa tháp 99 tầng nằm ở lõi dự án. Nếu kế hoạch được triển khai, công trình này có thể trở thành toà nhà cao nhất Việt Nam.
Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đề xuất triển khai dự án lên tới 80.000 tỷ đồng tại huyện Bình Chánh - TP HCM
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 của FLC cho thấy kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong quý cuối cùng của năm 2021, FLC đã ghi nhận 1.167 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ. So với cùng kỳ năm 2020, số thu này vẫn thấp hơn 67%, tương đương mức giảm ròng hơn 2.400 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới doanh thu giảm mạnh trong quý vừa qua là do FLC không còn là công ty mẹ của Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), nên không còn được hợp nhất báo cáo tài chính của hãng hàng không này.
Trên báo cáo tài chính riêng của tập đoàn mẹ, FLC cho biết tỷ lệ nắm giữ tại Bamboo Airways của hãng đến cuối năm 2021 đã giảm về 21,7%, thấp hơn mức 25,88% tại thời điểm tháng 6/2021.
Khoản đầu tư này có giá gốc 4.015 tỷ đồng, nhưng đang được FLC trích lập dự phòng gần 388 tỷ đồng, tương đương giá trị hợp lý còn lại đạt 3.627 tỷ.
Giá vốn cũng giảm 79% xuống 857,2 tỷ đồng (giảm ở cả 3 mảng: hàng hóa đã bán, thành phẩm; bất động sản và dịch vụ đã cung cấp) nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 309,92 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gộp 595,67 tỷ đồng).
Kỳ này, doanh thu tài chính giảm 88% về mức 443,77 tỷ đồng, trong khi kỳ trước đóng góp tới 3.689 tỷ. Các chi phí cũng có sự thay đổi với chi phí tài chính giảm 46%, còn chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 98% và 9%.
Bên cạnh đó, Tập đoàn phải chịu thêm lỗ của công ty liên kết 319,8 tỷ đồng. Kết quả, tập đoàn của tỷ phú Trịnh Văn Quyết chỉ thu về 52 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý cuối năm 2021, giảm tới 98% so với cùng kỳ. Lãi ròng sau khi trừ thuế thu nhập tập đoàn FLC đạt được cũng chỉ là gần 15 tỷ đồng, giảm 99%.
Lũy kế cả năm 2021, FLC đạt 6.772 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần một nửa so với năm 2020. Trong khi đó, giá vốn hàng bán cả năm giảm mạnh hơn đã giúp FLC có lãi gộp 413 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lỗ gộp 3.172 tỷ đồng.
Dù chi phí tài chính, chi phí bán hàng đều giảm mạnh nhưng vẫn với việc doanh thu tài chính giảm 73% cùng khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết, lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 của FLC đã giảm tới 61%, chỉ đạt 163 tỷ đồng.
Lợi nhuận ròng sau thuế cả năm giảm tương ứng gần 73%, đạt 84 tỷ đồng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp FLC ghi nhận kết quả lợi nhuận đi lùi, cũng là năm có mức lãi thấp nhất kể từ 2013 đến nay.
Năm 2021, FLC dự kiến ghi nhận 15.250 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 880 tỷ. Như vậy, kết quả thực tế công ty này đạt được chỉ là 44% kế hoạch doanh thu và chưa đầy 10% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tổng tài sản doanh nghiệp tính đến cuối năm ghi nhận giảm 10,7% so với hồi đầu năm về mức 33.787,4 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm mạnh 85,5% về còn xấp xỉ 176,1 tỷ đồng. Song khoản chứng khoán kinh doanh tăng từ 3,7 tỷ đồng lên hơn 264,7 tỷ đồng đầu tư vào 3 mã AMD, HAI và KLF; riêng mã HAI chiếm 260 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả giảm nhẹ xuống 24.064,8 tỷ đồng; trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn còn 2.034,9 tỷ đồng và 4.169,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn 1.706,2 tỷ đồng.
Trong năm 2022, FLC muốn xúc tiến các thủ tục pháp lý để triển khai, ra mắt chính thức khoảng 25 dự án mới trong các lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và đô thị phức hợp tại Phú Thọ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…
Cùng với kế hoạch triển khai hàng loạt dự án lớn trong năm 2022, ban lãnh đạo FLC đặt ra kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với doanh thu gần 27.000 tỷ và lợi nhuận 2.100 tỷ đồng (chưa bao gồm các lĩnh vực có liên quan mật thiết đến doanh nghiệp này là hàng không và đầu tư thi công). Trong đó, cơ cấu doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về lĩnh vực bất động sản, với mục tiêu hơn 18.000 tỷ đồng, chiếm 67% tổng doanh thu hợp nhất.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong quý kinh doanh cuối cùng dưới thời cựu Chủ tịch Bùi Thành Nhơn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va...