"Đế chế vàng bạc” PNJ giảm lãi hơn 80% giữa lúc giá vàng liên tục lập đỉnh cao chót vót
Lợi nhuận quý II/2020 của “đế chế vàng bạc” PNJ bốc hơi tới hơn 80% so với cùng kỳ năm 2019.
Diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đang đẩy giá vàng thế giới liên tục tăng mạnh khi giới đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Ngày 24/7, giá vàng trong nước cũng đã thiết lập mức đỉnh mới khi giá vàng SJC được một số doanh nghiệp giao dịch ở mức 54,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,02 triệu đồng/lượng (bán ra). Cũng trong ngày này, giá vàng PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận được giao dịch với giá 52,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 53 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng trong nước liên tục thiết lập những đỉnh mới trong tháng 7/2020
Với mức giá này thì giá vàng trong nước đã tăng gần 2 triệu đồng/lượng chỉ sau một đêm. Nhiều người sở hữu vàng đã tranh thủ chốt lời, bên cạnh đó cũng có không ít người tin tưởng giá vàng tiếp tục tăng trong thời gian tới nên cũng tranh thủ xuống tiền đầu tư. Do đó, hoạt động mua bán ở các cửa hàng vàng lớn diễn ra rất nhộn nhịp.
Mặc dù giá vàng liên tục lập đỉnh mới trong tháng 7/2020, nhưng kết quả kinh doanh quý II/2020 của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) lại không mấy sáng sủa.
Trong quý 2/2020, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.744,8 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019. Giá vốn hàng bán là 2.271 tỷ đồng (chiếm đến gần 83% tổng doanh thu thuần), do đó lợi nhuận gộp trong kỳ của PNJ còn lại 473,5 tỷ đồng, bằng 74,5% so với cùng kỳ (635,7 tỷ đồng).
Quý II/2020, doanh thu hoạt động tài chính của PNJ ghi nhận khoản âm 3,2 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019 (chủ yếu do chi phí lãi vay) lên thành 41,8 tỷ đồng, chi phí bán hàng cũng tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Doanh thu và lợi nhuận của PNJ trong những quý gần đây
Dù chi phí quản lý doanh nghiệp giảm sâu xuống còn 96,3 tỷ đồng trong quý 2 năm nhưng “đế chế vàng bạc” của bà Cao Thị Ngọc Dung vẫn sụt giảm mạnh lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh khi chỉ đạt 42,7 tỷ đồng so với 210,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2019.
Trừ đi chi phí thuế TNDN, lãi sau thuế trong quý 2 của PNJ đạt 31,6 tỷ đồng, giảm 137,5 tỷ đồng tương ứng mức giảm tới 81,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Giải trình về nguyên nhân dẫn đến kết kết quả kinh doanh bị sụt giảm mạnh trong quý II/2020, ông Lê Trí Thông – Tổng giám đốc PNJ cho biết ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến PNJ phải tạm đóng cửa phần lớn cửa hàng trong nửa đầu tháng 4/2020. Do đó, doanh số bán lẻ trong tháng 4 bị ảnh hưởng đáng kể. Theo công bố của PNJ, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong tháng 4 âm tới 89 tỷ đồng, giảm tới 268% so với mức lãi 53 tỷ đồng của tháng 4/2019.
Kết quả kinh doanh lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 của PNJ
Doanh số trang sức có sự phục hồi tích cực trong tháng 5 và tháng 6 sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty trong tháng 5 đạt 47 tỷ đồng và tháng 6 đạt 82 tỷ đồng.
Trong quý II/2020, doanh số vàng 24K tăng 10% so với cùng kỳ, trong khi doanh số kênh sỉ lại giảm tới 24% so với cùng kỳ. Chi phí lãi vay tăng 107% so với cùng kỳ năm 2019 do nhu cầu cần vốn lưu động phục vụ kinh doanh trong kế hoạch ứng phó với dịch Covid-19.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, PNJ đạt 7.745,7 tỷ đồng doanh thu thuần, xấp xỉ kết quả của cùng kỳ 2019 nhưng lợi nhuận trước thuế giảm gần 199 tỷ đồng còn 554,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế còn 439,9 tỷ đồng so với 597,8 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 26% so với cùng kỳ.
Đến cuối tháng 6/2020, PNJ có 339 cửa hàng trên cả nước
Tại ngày 30/6/2020, giá trị hàng tồn kho của PNJ xấp xỉ 6.430 tỷ đồng và giảm khoảng 600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng tài sản của doanh nghiệp cũng giảm 445 tỷ đồng so với đầu năm xuống còn 8.157 tỷ đồng.
PNJ đã hoàn thành 53% kế hoạch doanh thu năm 2020 và cũng hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận của năm.
Giá vàng đang tiếp tục tăng tốc vượt ngưỡng 56 triệu đồng/lượng, điều đáng chú ý là giá vàng thị trường trong nước...
Nguồn: [Link nguồn]