Đầu tư kinh doanh bệnh viện: Nơi lãi lớn, nơi lỗ trăm tỷ đồng
Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bệnh viện.
Báo cáo tài chính quý 2 của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) ghi nhận doanh thu 109 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, các chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh bào mòn biên lợi nhuận của bệnh viện này. Lợi nhuận sau thuế của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên quý 2 là 34,5 tỷ đồng, chỉ tương đương cùng kỳ 2020 (34,3 tỷ đồng).
Năm 2021, TNH đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng mạnh với doanh thu đạt 420 tỷ đồng, tăng 25% và lợi nhuận sau thuế dự kiến mang về 139 tỷ đồng, tăng 28%.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên
Sau 6 tháng đầu năm 2021, TNH mang về gần 185 tỷ đồng doanh thu thuần và 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 33% và 6% so cùng kỳ. Biên lãi gộp cũng tăng từ 44% lên 46%.
Với kết quả đạt được, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã thực hiện được 44% chỉ tiêu doanh thu và 36% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Kết thúc quý 2/2021, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên có tổng cộng nguồn vốn hơn 1.234 tỷ đồng tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là hơn 687 tỷ đồng.
Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên có hơn 547 tỷ đồng nợ phải trả trong đó chủ yếu là nợ dài hạn với hơn 423 tỷ đồng và nợ ngắn hạn là hơn 124 tỷ đồng.
Trước Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Bệnh viện Tim Tâm Đức (TTD) cũng đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2021 cho thấy hoạt động kinh doanh cũng chịu tác động bởi dịch Covid-19.
Theo đó, trong quý 2/2021, TTD ghi nhận doanh thu hơn 110,7 tỷ đồng giảm nhẹ so với doanh thu hơn 113,8 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Giá vốn bán hàng của TTD trong quý 2 cũng tăng mạnh so với cùng kỳ từ hơn 86,2 tỷ đồng lên hơn 95,5 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của TTD chỉ còn 15,1 tỷ đồng, giảm 45,3% so với con số hơn 27,6 tỷ đồng.
Trong quý, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của TTD cũng tăng mạnh khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm chỉ còn hơn 977 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 16 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí khác và thuế thu nhập doanh nghiệp, TTD báo lãi sau thuế chỉ 1,2 tỷ đồng, giảm hơn 92% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp kỷ lục trong một quý của doanh nghiệp.
Sau 6 tháng, bệnh viện đạt doanh thu 255 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi sau thuế giảm hơn 27% còn 18,5 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, bệnh viện mới hoàn thành 39% chỉ tiêu lợi nhuận. Công ty đã có kế hoạch giảm 15% nhân sự để phù hợp hoạt động thực tế.
Dù Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và Bệnh viện Tim Tâm Đức chưa hoàn thành 50% kế hoạch tài chính năm đặt ra nhưng kết quả kinh doanh của hai bệnh viện này còn khả quan hơn rất nhiều so với Bệnh viện Giao thông Vận tải.
Hoạt động kinh doanh của nhiều bệnh viện cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19
Báo cáo tài chính quý 2/2021 của Cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải cho biết doanh thu chỉ đạt hơn 27,2 tỷ đồng, giảm gần 16% so với cùng kỳ năm 2020. Do thu không bù chi, Bệnh viện Giao thông Vận tải lỗ gộp 6,3 tỷ đồng tăng gấp đôi so với quý 2/2020.
Doanh thu sụt giảm nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp của bệnh viện tăng từ gần 4,8 tỷ đồng lên hơn 5,1 tỷ đồng khiến Bệnh viện Giao thông Vận tải lỗ trước và sau thuế 11,3 tỷ đồng. Tăng mạnh 43% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 6 tháng, Bệnh viện Giao thông Vận tải giảm gần 20% doanh thu so với cùng kỳ 2020 còn 57 tỷ đồng.
Khoản lỗ ròng sau 2 quý của bệnh viện lên tới 24 tỷ, cao hơn mức lỗ 17 tỷ cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm ngày 30/6, lỗ lũy kế của Bệnh viện Giao thông Vận tải đã lên tới 176 tỷ đồng bằng 77,1% vốn chủ sở hữu của bệnh viện.
Kết thúc quý 2/2020, bệnh viện Giao thông Vận tải có tổng nguồn vốn hơn 289 tỷ đồng giảm đáng kể so với con số hơn 330 tỷ ghi nhận hồi đầu năm. Bệnh viện cũng có hơn 61 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 44,3 tỷ đồng.
Bệnh viện Giao thông Vận tải từng có thời gian thuộc sở hữu của Tập đoàn T&T của ông bầu bóng đá nổi tiếng Đỗ Quang Hiển. Tuy nhiên, hiện nay T&T mất quyền kiểm soát Bệnh viện Giao thông Vận tải khi tỷ lệ sở hữu bị giảm từ 51% xuống còn 22%.
Phía T&T đã có văn bản nêu ý kiến muốn thoái toàn bộ vốn đầu tư nhưng hiện tại bầu Hiển vẫn chưa thể rút chân khỏi bệnh viện này.
Chỉ trong một thời gian ngắn, đã xuất hiện nhiều thiếu gia, ái nữ nhà đại gia Việt với khối tài sản lên tới cả nghìn...
Nguồn: [Link nguồn]