Đại gia Việt đầu tư Nhà máy lọc hóa dầu 1,5 tỷ USD tại Quảng Ninh có tiềm lực thế nào?
Nhà máy lọc hóa dầu trị giá 1,5 tỷ USD tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh được đề xuất đầu tư bởi các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngày 27/7, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đầu tư Dự án nhà máy hóa dầu Stavian tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Nhà máy hoá dầu Stavian Quảng Yên do Công ty Cổ phần Hoá dầu Stavian Quảng Yên là chủ đầu tư được xây dựng trên diện tích 30 hecta tại Khu Công Nghiệp Bắc Tiền Phong, xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Dự án có tổng mức đầu tư ước tính lên đến 1,5 tỷ USD (hơn 35.000 tỷ đồng) với quy mô sản xuất 600.000 tấn Polypropylene/năm.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Hoá dầu Stavian Quảng Yên (SQP), chủ đầu tư Dự án Nhà máy Hoá dầu Stavian Quảng Yên được thành lập cuối tháng 9/2021 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng bởi 3 cổ đông là Công ty Cổ phần Stavian Hóa chất (Stavian Chemical) góp 51 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cảng Hàng lỏng Yên Hưng (YHLP) góp 39 tỷ đồng và ông Nguyễn Hồng Hiệp góp 10 tỷ đồng.
Lễ ký kết Bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy Hoá dầu Stavian Quảng Yên - Ảnh VCCI
Ông Nguyễn Đức Hà sinh năm 1978 giữ vị trí Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật. Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Đức Hà cũng đang là cổ đông và giữ vị trí Phó Tổng giám đốc tại Stavian Chemical.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Stavian Hóa chất (Stavian Chemical) có tiền thân là Công ty cổ phần nhựa Opec được thành lập vào tháng 9/2009.
Đến tháng 12/2013, doanh nghiệp này có vốn điều lệ là 55 tỷ đồng gồm 3 cổ đông sáng lập gồm ông Nguyễn Đức Hà góp 5,5 tỷ đồng, ông Nguyễn Minh Tú góp 19,25 tỷ đồng và ông Đinh Đức Thắng góp 30,25 tỷ đồng.
Không chỉ là cổ đông lớn nhất, ông Đinh Đức Thắng cũng giữ vị trí Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.
Trong những năm qua, Stavian Chemical đã có nhiều lần thay đổi vốn điều lệ doanh nghiệp. Theo đó, vào cuối năm 2021, Stavian Chemical đã tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng nhưng cơ cấu góp vốn của các cổ đông không được công bố. Ông Đinh Đức Thắng vẫn giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Cảng Hàng lỏng Yên Hưng (YHLP) được thành lập vào cuối năm 2020 với số vốn điều lệ 20 tỷ đồng do 3 cổ đông cá nhân góp vốn. Cụ thể, cổ đông Nguyễn Hồng Hiệp góp 15 tỷ đồng, cổ đông Lương Thị Sinh góp 4,98 tỷ đồng và cổ đông Trần Vọng Phúc góp 20 triệu đồng.
Dù góp vốn với tỷ lệ thấp nhất, nhưng ông Trần Vọng Phúc giữ vị trí Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Đến cuối tháng 2/2022, Công ty Cổ phần Cảng Hàng lỏng Yên Hưng đã tăng vốn điều lệ gấp 15 lần từ 20 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ góp vốn của các cổ đông không được công bố chi tiết. Ông Trần Vọng Phúc vẫn giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này.
Với việc chỉ hoàn thành chưa đầy 10% kế hoạch kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp của đại gia Thanh Hóa này muốn điều chỉnh kế hoạch huy động số tiền 3.000 tỷ...
Nguồn: [Link nguồn]