Đại gia Nguyễn Ảnh Nhượng Tống bán sạch vốn tại doanh nghiệp mình làm chủ tịch
Với quyết định thoái vốn, đại gia Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã không còn nắm bất kỳ cổ phiếu nào tại doanh nghiệp mình thành lập và làm Chủ tịch.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Yeah1 (YEG) đã có thông báo bán toàn bộ hơn 4 triệu cổ phiếu YEG trong phiên giao dịch ngày 1/6 vừa qua. Đáng chú ý, ở phiên giao dịch này ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận đúng bằng lượng cổ phiếu của ông Tống bán ra với giá trị sang tay gần 70 tỷ đồng.
Trước đó, vào hồi đầu năm nay, Chủ tịch YEG cũng đã bán 3,7 triệu đơn vị cổ phiếu YEG. Qua đó, giảm lượng sở hữu từ 7,7 triệu cổ phiếu, tương đương 24,7% vốn điều lệ của YEG xuống 4 triệu cổ phần (tỷ lệ 12,9%) theo phương thức thỏa thuận.
Với những giao dịch thoái vốn trên, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống chính thức không còn nắm giữ cổ phần doanh nghiệp do chính mình lập nên từ năm 2006 đến nay.
Trước khi đưa ra quyết định bán hết cổ phần tại doanh nghiệp mình thành lập và nắm giữ vị trí Chủ tịch, đại gia Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã chứng kiến khối tài sản của mình “bốc hơi” mạnh trong những năm gần đây.
Trong quá khứ, Yeah1 đã tạo nên cơn sốt trên thị trường chứng khoán với mức giá chào sàn năm 2018 lên tới 250.000 đồng/cổ phiếu, doanh nghiệp được định giá lên tới 300 triệu USD. Không lâu sau đó, YEG tăng lên đỉnh lịch sử 343.000 đồng vào ngày 28/6/2018, trở thành mã có thị giá cao nhất lúc bấy giờ.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã thoái sạch cổ phần tại YEG
Tại thời điểm đưa cổ phiếu niêm yết, ông Tống sở hữu khoảng 7,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 27% vốn). Ở thời kỳ đỉnh cao, khối tài sản đại gia Nguyễn Ảnh Nhượng Tống nắm giữ có giá trị hơn 2.500 tỷ đồng và là một trong những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng với YouTube đầu năm 2019 đã khiến thị giá của YEG lao dốc không phanh từ vùng 250.000 đồng/cổ phiếu về khoảng 37.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019, tương đương mức giảm 85%.
Những cuộc tái cơ cấu mạnh mẽ về hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhân sự và cơ cấu cổ đông đã được thực hiện nhưng không đem lại nhiều đột phá. Lãnh đạo của Yeah1 cũng liên tục thoái bớt cổ phần.
Theo đó, ngoài nhà sáng lập Nguyễn Ảnh Nhượng Tống thoái sạch cổ phần, gần đây một cổ đông khác của YEG là bà Trần Uyên Phương (Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát) cũng đã bán gần hết cổ phần Yeah1 sau giai đoạn dài tham gia cơ cấu doanh nghiệp.
Trong phiên giao dịch ngày 26/5, bà Trần Uyên Phương đã bán hơn 4,1 triệu cổ phiếu YEG và chính thức mất vị thế cổ đông lớn. Khối lượng còn sở hữu sau giao dịch thoái vốn trên chỉ là 262.624 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 0,845%.
Trước đó, vào hồi tháng 4, Quỹ DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd cũng đã hoàn tất thoái hết 4,9% vốn đang nắm giữ tại YEG từ 6/4 đến 15/4 theo phương thức giao dịch thỏa thuận. VinaCapital là một trong những quỹ đầu tư đồng hành với Yeah1 lâu nhất khi nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp này trong hơn 10 năm.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, từ lãnh đạo cao nhất đến cổ đông lớn nhất và gắn bó lâu nhất cũng lần lượt thoái toàn bộ vốn khỏi YEG. Đáng chú ý là động thái này diễn ra ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra vào ngày 16/5 tới.
Với sự rút lui triệt để của các cổ đông lớn đã để lại một khoảng trống lớn về sở hữu. Giới đầu tư đang dõi theo những động thái mới tại doanh nghiệp truyền thông này và liệu ông Tống có tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch hay có sự xuất hiện của nhóm chủ mới tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 tới đây.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ năm 2022, HĐQT YEG trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2022 gồm doanh thu hợp nhất 588 tỷ đồng, giảm 46% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 24,7 tỷ đồng, tăng 25%.
Một nội dung đáng chú ý khác là HĐQT sẽ trình phương án chào bán 78,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Qua đó, tăng vốn điều lệ YEG từ 313 tỷ đồng lên gần 1.100 tỷ đồng.
YEG huy động vốn để mở rộng hoạt động đầu tư vào mảng truyền thông công nghệ (Dicital – Tech Media), công nghiệp (Tech) và công nghệ - tài chính (Fintech), các lĩnh vực liên quan khác để hoàn thiện hệ sinh thái (573 tỷ đồng); đầu tư hạ tầng công nghệ (73 tỷ đồng) và trả nợ vay (141 tỷ đồng).
Thị giá của cổ phiếu HPG lại thiết lập đáy mới của năm khiến khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long tiếp tục lao dốc và mất mốc 40.000 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]