Dịch virus Corona: Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đứng trước bờ vực phá sản
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chứng tỏ sức ảnh hưởng của mình chỉ bằng một đại dịch mang tên "virus Corona". Riêng tại Macau, các sòng bài nơi đây "lạnh lẽo như phòng mổ" khi chỉ thu hút số người chơi ít ỏi và tất cả đều đeo khẩu trang kín mít.
Apple, Starbucks, Ikea đã tạm đóng chuỗi cửa hàng ở Trung Quốc. Các trung tâm thương mại vắng tanh lập tức đe doạ doanh số của Nike (giày dép), Under Armour (quần áo), McDonald's (thức ăn nhanh)...
Các nhà máy lắp ráp xe cho General Motors và Toyota đang ngừng hoạt động chờ công nhân quay lại sau Tết Âm lịch, nhưng chính quyền đang kéo dài kỳ nghỉ để chặn tốc độ virus lây lan.
Tình hình kinh doanh buôn bán tại Trung Quốc gần như bị ngưng trệ.
General Motors năm ngoái bán xe hơi ở Trung Quốc còn nhiều hơn ở Mỹ. Các nhà máy của hãng này sẽ phải đóng cửa ít nhất thêm 1 tuần theo yêu cầu của chính quyền Trung Quốc. Ford Motor thì cho phép các quản lý của họ làm việc từ nhà trong lúc nhà máy không hoạt động...
Tất cả yếu tố trên sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp phụ thuộc vào Trung Quốc cung ứng phụ tùng, linh kiện, từ nhà máy ôtô ở Mỹ, Mexico cho đến nhà máy may mặc ở Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu khách hàng không thể mua những gì họ cần từ Trung Quốc, các nhà máy Trung Quốc sẽ buộc phải cắt các đơn hàng nhập khẩu máy móc, linh kiện, nguyên liệu thô - ví dụ chip xử lý của Đài Loan, Hàn Quốc, kim loại đồng từ Chile, Canada, máy móc từ Đức, Ý...
"Nó có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện vẫn còn quá sớm để nói chuyện này sẽ kéo dài trong bao lâu" - nhà kinh tế Rohini Malkani thuộc hãng đánh giá tín dụng DBRS Morningstar, đánh giá.
Các hãng hàng không quốc tế, bao gồm American, Delta, United (Mỹ), Lufthansa (Đức) và British Airways (Anh), đã huỷ mọi chuyến bay đến Trung Quốc.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có khả năng chỉ đạt 5,6% năm 2020, giảm từ mức 6,1% năm ngoái, theo một dự báo của hãng phân tích tài chính Oxford Economics (Anh) dựa trên đánh giá về ảnh hưởng của dịch corona tính đến thời điểm này.
Trận dịch ngày càng tỏ ra đáng sợ này trùng với thời điểm tết Âm lịch trước hết đánh vào ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn của Trung Quốc. Ngành du lịch và dịch vụ của Trung Quốc đang trải qua những ngày vô cùng ảm đạm, trong khi ngành công nghiệp giải trí cũng điêu đứng khi các rạp chiếu phim và trung tâm giải trí buộc phải đóng cửa.
Dù tết đã trôi qua, kinh doanh cũng khó trở lại như bình thường. Nhiều khu công nghiệp lớn, bao gồm Thượng Hải, Tô Châu và tỉnh Quảng Đông, đã kéo dài kỳ nghỉ thêm ít nhất 1 tuần, ngăn không cho công nhân quay lại nhà máy.
Các cửa hiệu, nhà hàng nhỏ và các công ty hậu cần địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề khi chính phủ Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh. Một số cho biết họ chỉ có thể cầm cự trong 2 hoặc 3 tháng trước khi phá sản.
Tại tỉnh Quảng Đông, một trong những trung tâm sản xuất của Trung Quốc, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang vật lộn với chi phí tăng cao và hậu quả của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Giờ đây, họ đứng trước bờ vực phá sản nếu dịch bệnh tiếp tục hoành hành.
“Số lượng công nhân trở lại làm việc ở các nhà máy tại Đông Quan chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong vài tháng tới, đi cùng với đó là sự ngưng trệ của các hoạt động hậu cần và chuỗi cung ứng”, ông Tom Wang, chủ một nhà máy giày dép ở thành phố Đông Quan (Quảng Đông, Trung Quốc) nhận định.
Trong khi đó, ngày 31/1 Fitch Ratings công bố báo cáo đánh giá tác động của các biện pháp hạn chế du lịch do chính quyền Trung Quốc và đặc khu Macau áp dụng để ngăn chặn virus Corona lây lan.
Theo số liệu mới nhất của Văn phòng Du lịch Macau, số du khách từ Trung Quốc đại lục đến Macau sụt tới 81,7% trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán so với cùng kỳ năm ngoái. Trong ngày 28/1 và 29/1, lượt ghé thăm giảm lần lượt 90,6% và 91,8%.
Một khách hàng hiếm hoi tới Macau
Fitch nhấn mạnh nếu dịch virus Corona kéo dài chưa đến nửa năm, các sòng bạc Macau sẽ đối mặt với tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng. Và nếu dịch diễn biến lâu hơn, Macau sẽ rơi vào khủng hoảng bởi người chơi sẽ chuyển sang các địa điểm mới hoặc những kênh bất hợp pháp như cá cược trực tuyến.
Ông Sheldon Adelson, CEO Las Vegas Sands Corp, đến Macau và mô tả các sòng bài nơi đây "lạnh lẽo như phòng mổ" khi chỉ thu hút số người chơi ít ỏi và tất cả đều đeo khẩu trang kín mít.
Dịch virus Vũ Hán giáng đòn mạnh vào Macau sau một năm 2019 không suôn sẻ. Tổng doanh thu của các sòng bạc giảm 3,4% xuống 36,5 tỷ USD trong năm 2019 vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới hạ nhiệt.
Thế giới lao đao
Nếu dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm xuống 5,6% năm 2020 trở thành sự thật thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 0,2% trong năm nay, xuống còn 2,3% - mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây một thập niên.
"Quy mô nền kinh tế Trung Quốc hiện lớn hơn rất nhiều. Do đó, tổn thất của dại dịch đối với nền kinh tế thế giới cũng sẽ lớn hơn nhiều lần", Warwick McKibbin, Giáo sư kinh tế Warwick McKibbin thuộc Đại học Quốc gia Australia ở Canberra nhấn mạnh.
Và ông cho rằng dịch virus Corona có thể gây thiệt hại tới 120-160 tỷ USD, đối với nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, nhóm chuyên gia Chang Shu, Jamie Rush và Tom Orlik của Bloomberg cho rằng Hong Kong (Trung Quốc) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất ngay trong quý I/2020. Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản cũng là những nền kinh tế sẽ chịu tác động tiêu cực.
Thái Lan là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus Corona
Ngoài ra, Thái Lan cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đây là quốc gia có số ca nhiễm virus Corona cao nhất bên ngoài Trung Quốc.
Theo Bloomberg, nền kinh tế thứ hai Đông Nam Á - có quy mô 500 tỷ USD và phụ thuộc vào xuất khẩu - vốn đã lao đao vì thương chiến Mỹ - Trung trước khi bị dịch bệnh bùng phát từ Vũ Hán tấn công.
Bên cạnh đó, đợt hạn hán khắc nhiệt nhất trong nhiều thập kỷ qua và việc đồng baht tăng giá quá mạnh cũng khiến kinh tế Thái Lan tổn thất nặng nề. Và việc chính quyền Trung Quốc hủy các tour du lịch trong và ngoài nước đang đe dọa đánh sập ngành công nghiệp du lịch quốc gia Đông Nam Á.
“Nguy cơ nền kinh tế Thái Lan suy thoái là rất rõ ràng”, Bloomberg nhận định.
Kinh tế Thái Lan rất có thể rơi vào suy thoái. Khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là du lịch, lĩnh vực chiếm 20% GDP Thái Lan. Du khách nước ngoài đã trở nên ngần ngại với Thái Lan vì đồng baht tăng giá và tìm những địa điểm khác có chi phí rẻ hơn.
Cú đòn từ dịch virus Corona do đó càng khiến ngành du lịch Thái Lan choáng váng. Từ ngày 24/1, các công ty du lịch đã bị cấm bán tour du lịch ra nước ngoài. Mới đây, Bộ Tài chính Thái Lan dự báo tác động của những lệnh cấm này có thể kéo dài hơn 3 tháng, khiến số du khách nước ngoài giảm 400.000 người.
Ước tính Thái Lan thu hút khoảng 11 triệu du khách Trung Quốc vào năm ngoái. Họ chi gần 18 tỷ USD, chiếm 25% tổng chi tiêu của du khách nước ngoài ở nước này.
Các nhà phân tích Citigroup cắt dự đoán tăng trưởng của tổng số du khách nước ngoài đến Thái Lan trong năm 2020 từ 6,5% xuống còn vỏn vẹn 0,5%.
Đơn vị sản xuất khẩu trang tại Hà Nội cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là tìm nguồn nguyên liệu để đảm bảo...
Nguồn: [Link nguồn]