Cú sốc Covid-19 tại Việt Nam: Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu gần 2.600 tỷ đồng
Tổng công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021, chậm hơn một tháng so với các doanh nghiệp khác.
Theo đó, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 6.537 tỷ đồng trong quý II, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lỗ gộp xấp xỉ 3.500 tỷ đồng, tăng 632 tỷ so với số lỗ gộp 2.865 tỷ của quý II/2020.
Lỗ sau thuế trong quý là 4.528 tỷ đồng, tăng 50%. Đây là số lỗ lớn thứ 2 trong lịch sử Vietnam Airlines, chỉ sau quý I năm nay.
6 tháng đầu năm, doanh thu thuần giảm gần 44% còn gần 14.000 tỷ; lỗ sau thuế tăng 63% lên 8.585 tỷ.
Con số trên thấp hơn mức lỗ ước tính 10.788 tỷ đồng mà lãnh đạo Vietnam Airlines đưa ra tại đại hội cổ đông thường niên hôm 14/7.
Trong nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines khai thác tổng cộng xấp xỉ 36.000 chuyến bay, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái do dịch COVID-19 hai lần bùng phát đợt 3 và đợt 4.
Tổng tài sản tại ngày 30/6 là 61.255 tỷ, tổng nợ phải trả là 64.006 tỷ. Vietnam Airlines đang triển khai kế hoạch chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4%.
Giá chào bán ngang mệnh giá 10.000 đồng/cp. Tổng số tiền dự kiến thu về và số vốn điều lệ tăng thêm đều là 8.000 tỷ đồng.
Vietnam Airlines kỳ vọng vốn chủ sở hữu tại ngày cuối năm 2021 sẽ là dương 11 tỷ đồng, qua đó thoát án hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.
Vietnam Airlines liên tục báo lỗ
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 120, Nghị định 155/2020, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc nếu "Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".
Vietnam Airlines thuộc nhóm có nguy cơ bị hủy niêm yết vì vốn chủ sở hữu âm hoặc lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.
Nguồn: [Link nguồn]
Trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.