Công ty Việt Á của Tổng giám đốc bị bắt vì thổi giá kit xét nghiệm Covid-19 kinh doanh ra sao?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trước khi bị bắt vì thổi giá kít xét nghiệm Covid-19, Công ty CP Công nghệ Việt Á của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Phan Quốc Việt kinh doanh không mấy khả quan và ít được chú ý đến.

Ngày 18-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức đấu tranh chuyên án với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh Bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán invitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là kit xét nghiệm Covid-19) xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương có liên quan.

Trước đó, tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm Kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng Kit xét nghiệm Covid-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kít; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á cùng 6 đối tượng khác đã bị bắt vì thổi giá kít xét nghiệm Covid-19

Ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á cùng 6 đối tượng khác đã bị bắt vì thổi giá kít xét nghiệm Covid-19

Bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, số tiền gần 30 tỉ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác; 08 bất động sản của Phạm Duy Tuyến…

Hiện, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi...; rà soát, kê biên tài sản của các đối tượng để đảm bảo thu hồi cho Nhà nước.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Công nghệ Việt Á được thành lập từ năm 2007 với tên cũ là Công ty CP Thương mại - Sản xuất và Dịch vụ Việt Á, có trụ sở chính tại số 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á là ông Phan Quốc Việt (sinh năm 1980) - một trong những người vừa bị khởi tố.

Tại thời điểm thành lập, công ty này chỉ có vốn điều lệ 80 triệu đồng. Đến tháng 10-2017, Việt Á đã tăng vốn điều lệ từ 200 tỉ lên 1.000 tỉ đồng, nhưng vẫn giữ nguyên 3 cổ đông sáng lập là ông Phan Quốc Việt (nắm giữ 10,2% cổ phần); ông Đồng Sỹ Huy (ngụ phường 9, quận Phú Nhuận) nắm giữ 5% và bà Hồ Thị Thanh Thủy (thường trú huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) nắm giữ 4,8%. Số cổ phần 3 cổ đông sáng lập nắm giữ là 20%, còn khoảng 800 tỉ đồng vốn điều lệ là của các cổ đông khác góp vốn.

Dù là doanh nghiệp có vốn điều lệ lên tới cả nghìn tỷ đồng nhưng giai đoạn 2016-2019, kết quả kinh doanh của Việt Á có chiều hướng đi xuống cả về doanh thu và lợi nhuận.   

Cụ thể, năm 2016, Việt Á ghi nhận 166,1 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh, với vốn chủ sở hữu cùng thời điểm đạt trên 200 tỷ. Đến năm 2017, sau khi tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ thì doanh thu lại giảm xuống còn 116,2 tỷ đồng. Trong năm 2018 và 2019, doanh thu của Việt Á tiếp tục giảm xuống chỉ còn 68 và 63,4 tỷ đồng.

Doanh thu biến động mạnh khiến lợi nhuận ròng của công ty mẹ Việt Á trong giai đoạn 2016 – 2019 chỉ đạt từ vài chục triệu cho tới hơn trăm triệu đồng. Riêng năm 2018, công ty lỗ ròng 165 triệu.

Kết quả kinh doanh của Việt Á tăng đột biến khi đến năm 2020, sau khi được Bộ Y tế cấp phép và cung ứng ra thị trường bộ kit xét nghiệm Covid-19, doanh thu công ty đã tăng vọt 6,4 lần, đạt 406,7 tỷ đồng. Tuy vậy, con số lợi nhuận ròng công ty mẹ Việt Á thu về được trong năm vừa qua chỉ là 1,4 tỷ, tỷ lệ lợi nhuận ròng thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Tuy nhiên, theo chia sẻ mới nhất của lãnh đạo Công ty Việt Á, sau khi được Bộ Y tế cấp phép và cung ứng sản phẩm xét nghiệm Covid-19 ra thị trường từ tháng 4/2020, doanh thu công ty ghi nhận được trong giai đoạn này đã đạt gần 4.000 tỷ.

Ngoài việc là chủ sở hữu Công ty Việt Á, vị doanh nhân 8x này còn là cổ đông sáng lập tại Công ty CP Y tế Việt Á (Viet A Medical) thành lập năm 2013 với vốn 500 tỷ đồng. Trong đó, ông Việt sở hữu 67,5% vốn.

Dù có vốn điều lệ hàng trăm tỷ, trong giai đoạn 2016-2020, doanh thu của Viet A Medical (riêng công ty mẹ) chỉ dao động từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, đỉnh điểm là năm 2019 với 2,4 tỷ. Đi kèm với đó là khoản thua lỗ 5 năm liên tiếp với số lỗ lũy gần 13 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Việt còn đang nắm 51% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Kinh doanh Việt Á (vốn 200 tỷ). Tuy vậy, trong những năm gần đây công ty này chưa phát sinh doanh thu.

Nguồn: [Link nguồn]

Sân chơi nóng này 20/12: Đầu tư mát tay và hiệu quả như ”tiểu thư” kín tiếng nhà bầu Đức

Ngay trong lần đầu xuống tiền đầu tư vào sân chơi nóng nhất hiện nay, tiểu thư nhà của bầu Đức đã cho thấy sự mát...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN