Công ty chứng khoán vừa bị "tuýt còi" ngừng mô hình đầu tư bất động sản vốn 10.000 đồng kinh doanh ra sao?
Trước khi bị "tuýt còi" ngừng mô hình đầu tư bất động sản vốn 10.000 đồng hợp tác với Fnest, công ty chứng khoán này là một trong những doanh nghiệp chiếm thị phần môi giới hàng đầu cả nước.
Gần đây, hình thức "bất động sản chia nhỏ" do Công ty Chứng khoán VPS hợp tác với CTCP Fnest triển khai gây chú ý. Theo đó, giá trị bất động sản được chia thành các cổ phần đầu tư, được gọi là "Fnest". Trong mỗi đợt mở bán, một Fnest có mệnh giá sơ cấp là 10.000 đồng. Phía VPS cho biết việc cung cấp sản phẩm của Fnest nhằm mục tiêu hỗ trợ khách hàng mở tài khoản tại công ty có thêm nhiều dịch vụ, tiện ích và trải nghiệm tốt hơn.
Tuy nhiên, liên quan tới hình thức bất động sản chia nhỏ giá trị, chia sẻ tại họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính, ông Bùi Hoàng Hải - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - cho biết pháp luật chứng khoán hiện chưa có quy định cụ thể nào về phương thức đầu tư bất động sản này. Tuy nhiên, UBCKNN cũng đã nắm được thông tin liên quan và đánh giá đây là loại hình khá nhiều rủi ro. "Sau khi nắm được thông tin, UBCKNN đã có buổi làm việc với VPS và yêu cầu đơn vị này ngừng các hoạt động phân phối cổ phần hay chia nhỏ bất động sản để bán cho nhà đầu tư", ông Hải chia sẻ.
Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo đối với Ủy ban Chứng khoán. Ông Chi khẳng định hiện pháp luật chưa có quy định cấm, nhưng trên góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước thì UBCK có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ các hoạt động của các công ty chứng khoán.
"Việc cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp này phải nằm trong lĩnh vực và ngành nghề được cấp phép kinh doanh. Nếu nằm ngoài phạm vi này thì sẽ phải dừng lại để cấp quản lý có những đánh giá toàn diện", ông Chi nhấn mạnh.
Công ty chứng khoán VPS bị "tuýt còi" ngừng mô hình đầu tư bất động sản vốn 10.000 đồng hợp tác với Fnest
Trước khi bị “tuýt còi” yêu cầu ngừng mô hình đầu tư bất động sản vốn 10.000 đồng hợp tác với Fnest, VPS là một trong những công ty chứng khoán đứng đầu về thị phần môi giới.
Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2024, chứng khoán VPS nắm 1/5 thị phần môi giới HoSE (20,29%) và gần 1/4 thị phần môi giới sàn HNX (24,7%). Việc chiếm thị phần lớn giúp VPS đạt kết quả kinh doanh tích cực khi doanh thu hoạt động 3 tháng đầu năm tăng trưởng 15% so với cùng kỳ lên 1.570 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu môi giới đóng góp 961 tỷ, tăng 134%; lãi từ cho vay và phải thu cũng tăng 93% lên 395 tỷ đồng tăng 92%; ngược lại, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm đến 80%, lùi về 133 tỷ đồng.
Mặc dù chi phí môi giới ghi nhận 709 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ, nhưng lỗ tài sản tài chính FVTPL (29 tỷ đồng) và chi phí tự doanh (26 tỷ đồng) giảm 95% và 60% so với cùng kỳ đã góp phần giảm chi phí hoạt động xuống 786 tỷ đồng ở quý 1/2024, tương đương giảm 24%.
Sau khi trừ các khoản chi phí, trong 3 tháng đầu năm VPS lãi trước thuế và sau thuế lần lượt 631 tỷ đồng và 505 tỷ đồng, cùng gấp hơn 4 lần cùng kỳ. So với kế hoạch trình ĐHĐCĐ năm 2024, mục tiêu lãi trước thuế kỷ lục 1.500 tỷ đồng, chỉ sau 3 tháng đầu năm, VPS đã thực hiện được 42% mục tiêu năm.
Tại ngày 31/03/2024, tổng tài sản Công ty ở mức 26.575 tỷ đồng, tăng thêm 18% so với đầu năm. Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền gấp hơn 2 lần đầu năm, tăng lên 6.236 tỷ đồng.
Tài sản tài chính FVTPL đạt 6.411 tỷ đồng, tăng 14%, chiếm phần lớn trong danh mục là các công cụ thị trường tiền tệ 5.749 tỷ đồng; xếp sau là trái phiếu chưa niêm yết (343 tỷ đồng) và trái phiếu niêm yết (286,5 tỷ đồng).
Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) ghi nhận 1.171 tỷ đồng, giảm 30%, hoàn toàn là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng. Dư nợ cho vay margin ở mức 11.152 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm.
Chứng khoán VPS cũng ghi nhận hơn 17.077 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 27% so với đầu năm. Trong đó, Công ty đi vay ngắn hạn 16.066 tỷ đồng, tăng 28% và vay dài hạn 302 tỷ đồng, không thay đổi so với đầu năm.
Một lần nữa, mô hình đầu tư chung BĐS chia nhỏ nhận được sự quan tâm của giới đầu tư với sự xuất hiện của tân binh.
Nguồn: [Link nguồn]