Chủ mô hình đầu tư căn hộ, biệt thự lên tới triệu USD chỉ với 10.000 đồng là ai?
Một lần nữa, mô hình đầu tư chung BĐS chia nhỏ nhận được sự quan tâm của giới đầu tư với sự xuất hiện của tân binh.
Cụ thể, thời gian gần đây, Công ty Chứng khoán VPS hợp tác cùng CTCP Fnest cung cấp dịch vụ đầu tư bất động sản chia nhỏ với vốn đầu tư từ 10.000 đồng, thông qua ứng dụng SmartOne của VPS. Để tham gia giao dịch, khách hàng cần phải là nhà đầu tư của VPS. Tại đây, mỗi bất động sản sẽ được đơn vị kinh doanh định giá và quy đổi ra số cổ phần có thể bán cho nhà đầu tư sơ cấp bằng đơn vị là Fnest.
Với mô hình này, Fnest cho biết ai cũng có thể tham gia đầu tư với số vốn chỉ 10.000 đồng. Nhà đầu tư cũng không cần lo lắng về việc cho thuê hay rao bán bất động sản bởi đơn vị này sẽ hợp tác với tác với công ty quản lý để tối ưu hóa hiệu quả vận hành. Số tiền thuê cũng có thể được chia cho nhà đầu tư hàng tháng theo tỷ lệ tương ứng mức cổ phần sở hữu.
Danh mục bất động sản trên Fnest mở bán khá đa dạng, từ biệt thự, shophouse, đến căn hộ chung cư... Theo ghi nhận, trên Fnest hiện có 9 bất động sản ở Hà Nội và TP.HCM, tất cả sản phẩm đều đưa ra mức lợi nhuận dự kiến 20-30%/năm.
9 bất động sản được giới thiệu trên Fnest đều đã bán hết - Ảnh chụp màn hình
Chẳng hạn trên ứng dụng, một shophouse được mở bán với 2.770.700 Fnest, tương đương mức định giá hơn 27,7 tỉ đồng. Khi tham gia mua, nhà đầu tư chưa biết lời lãi ra sao nhưng sẽ phải trả phí giao dịch 30 đồng cho một Fnest. Nếu mua 100.000 Fnest, nhà đầu tư sẽ phải trả thêm phí giao dịch 3 triệu đồng.
Đáng chú ý, cả 9 sản phẩm đang hiển thị trên nền tảng đều trong trạng thái đã bán hết cổ phần Fnest sơ cấp. Hiện nhà đầu tư mới chỉ có thể mua lại cổ phần trên thị trường thứ cấp.
Theo Fnest, các bất động sản được định giá bởi công ty thẩm định có uy tín trên thị trường và có đầy đủ giấy tờ pháp lý, đảm bảo không có tranh chấp. Trong trường hợp bất động sản được bán, lợi nhuận sẽ được chia đều cho các nhà đầu tư dựa trên số lượng Fnest nắm giữ.
Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết CTCP Fnest thành lập từ tháng 11/2022 với số vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.
Công ty có 3 cổ đông sáng lập đều thuộc lứa 9x. Cụ thể, cổ đông Ngô Thị Phương Thảo (sinh năm 1993) góp 300 triệu đồng, cổ đông Nguyễn Phương Lan (sinh năm 1994) góp 300 triệu đồng. Cổ đông Phạm Thị Phương Hiền (sinh năm 1997) có phần vốn góp lớn nhất 29.4 tỷ đồng, chiếm 98% vốn. Bà Hiền ban đầu cũng đứng tên người đại diện pháp luật và đồng thời là giám đốc của Công ty.
Tới tháng 3/2024, Công ty thay đổi người đại diện pháp luật và giám đốc sang bà Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 1998). Cơ cấu vốn góp của các cổ đông không được tiết lộ cụ thể.
Trước mô hình đầu tư bất động sản chỉ từ 10.000 đồng kết hợp giữa VPS và Fnest, tại Việt Nam cũng đã có rất nhiều công ty triển khai mô hình bất động sản chia nhỏ.
Moonka cũng triển khai hoạt động mua chung trên nền tảng công nghệ mã hóa. Mỗi bất động sản có thể được chia thành 1.000 phần, công ty này đã gọi vốn thành công cho 3 dự án bất động sản tại Cần Giờ (TPHCM), Bảo Lộc và Bảo Lâm (Lâm Đồng).
Houze Invest thuộc Houze Group đã gọi vốn thành công nhiều căn hộ Astral City – Tháp Gemini ở tỉnh Bình Dương với số vốn chỉ từ 1 triệu đồng, lợi nhuận đầu tư khoảng 10 – 11%/năm.
Gây chú ý nhất là tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng thành lập công ty VMI JSC với mục tiêu hỗ trợ các nhà đầu tư vốn nhỏ có cơ hội đầu tư bất động sản, quản lý các bất động sản và phát triển thị trường thứ cấp nhằm tăng thanh khoản và giá trị cho các bất động sản của Vinhomes (VHM).
Cụ thể, VMI JSC sẽ đầu tư một số lượng nhất định các bất động sản sẵn có hoặc hình thành trong tương lai của Vinhomes, sau đó giá trị bất động sản đươc chia thành 50 phần và các khách hàng của VMI có thể tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các nhà đầu tư hợp tác với VMI JSC sẽ được công ty chứng nhận quyền tài sản và được phân chia lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng với tỷ lệ đầu tư.
Nguồn: [Link nguồn]
Với “kho tiền” 60.500 tỷ đồng mang gửi ngân hàng, mỗi ngày đại gia viễn thông VNPT thu được số tiền lãi lên tới cả chục tỷ đồng.