Chủ chuỗi nhà hàng Vuvuzela, Sumo BBQ, Kichi-Kichi, Hutong, Gogi House … bị phạt hơn 430 triệu đồng
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây đã ra quyết định xử phạt hơn 430 triệu đồng với CTCP Thương mại và Dịch Vụ Cổng Vàng (Golden Gate) - chủ sở hữu hơn 20 thương hiệu nhà hàng nổi tiếng như Vuvuzela, Sumo BBQ, Kichi-Kichi, Hutong, Gogi House…
Golden Gate (Công Ty CP Thương Mại Dịch Vụ Cổng Vàng) được thành lập từ năm 2005, là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam. Golden Gate hiện sở hữu hơn 22 thương hiệu nhà hàng nổi tiếng như Vuvuzela, Sumo BBQ, Kichi-Kichi, Hutong, Gogi House… cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành cả nước.
Tuy nhiên, vào ngày 20/7 vừa qua, Golden Gate đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Cụ thể, UBCKNN xử phạt Golden Gate 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định.
Bên cạnh đó, Golden Gate còn bị phạt 85 triệu đồng do thu hồi cổ phiếu của người lao động nghỉ việc làm cổ phiếu quỹ trong năm 2021 nhưng không báo cáo UBCKNN theo quy định.
Với hai quyết định xử phạt nêu trên, UBCKNN xử phạt Golden Gate tổng cộng 435 triệu đồng. Cùng với đó, UBCKNN cũng buộc Golden Gate nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày.
Golden Gate do ông Đào Thế Vinh làm Tổng giám đốc vừa bị phạt hơn 430 triệu đồng.
Là đơn vị sở hữu hàng loạt thương hiệu nhà hàng nổi tiếng, kết quả kinh doanh của Golden Gate trong năm 2021 đã bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Golden Gate cho thấy doanh thu ghi nhận mức giảm 27,2% từ mức 4.558,7 tỉ đồng năm 2020 xuống còn 3.317,7 tỉ đồng.
Dù đã tiết giảm 11,5% chi phí bán hàng và 7,6% chi phí quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của Golden Gate năm 2021 vẫn âm 430,6 tỉ đồng, tương đương mức giảm tới 766% so với năm 2020. Đây cũng là năm đầu tiên “ông trùm” nhà hàng báo lỗ kể từ năm 2008.
Đến cuối năm 2021, Golden Gate có tổng cộng tài sản là 2.387 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 2.294 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong khi đó, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng mạnh từ 1.122 tỷ đồng lên 1.639 tỷ đồng. Trong đó, nợ dài hạn tăng từ hơn 2,4 tỷ đồng lên hơn 548 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 31/12/2021, Golden Gate có vốn điều lệ 76,3 tỉ đồng. Nguồn vốn chủ sở hữu doanh nghiệp giảm mạnh từ 1.172 tỷ đồng còn hơn 748 tỷ đồng. Cùng với đó, Golden Gate đang có hơn 785 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Năm 2022, Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 6.878,4 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với thực hiện năm 2021; đồng thời công ty dự kiến có lãi trở lại với lợi nhuận sau thuế đạt 375,6 tỉ đồng.
Trong đó, ông Trần Việt Trung (SN 1963) hiện giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Golden Gate; ông Đào Thế Vinh (SN 1972) là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật công ty.
Vào ngày 15/3/2022, Công ty TNHH Prosperity Food Concepts đã bán ra toàn bộ hơn 2,5 triệu cổ phần Golden Gate. Trong khi các nhà sáng lập Golden Gate Trần Việt Trung và Nguyễn Xuân Tường lần lượt bán ra 161.871 cổ phần và 69.373 cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu ở Golden Gate xuống còn 2,3% và 3,08% vốn điều lệ.
Ở chiều hướng ngược lại, ba nhà đầu tư ngoại là Seletar Investments Pte Ltd (một quỹ đầu tư có quan hệ mật thiết với Temasek Holdings), Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte. Ltd đã mua vào tổng cộng 2,74 triệu cổ phần, tương ứng với 35,95% vốn điều lệ Golden Gate.
Vào đầu tháng 6/2022, Golden Gate đã tăng vốn điều lệ doanh nghiệp từ hơn 76,34 tỷ đồng lên thành hơn 77,08 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Nghị quyết hội đồng quản trị 2022 được thông qua vào ngày 30/6, Golden Gate sẽ giảm vốn điều lệ từ 77,08 tỷ đồng xuống còn 76,92 tỷ đồng thông qua việc mua lại 15.440 cổ phiếu ESOP của người lao động.
Với việc có thêm hơn 300 tỷ đồng, đại gia 58 tuổi người Nam Định một lần nữa trở lại Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Nguồn: [Link nguồn]