Choáng với số tiền chủ hãng bia Sài Gòn chi cho quảng cáo, khuyến mại mỗi ngày
Số chi cho quảng cáo khuyến mại tăng hàng trăm tỷ đồng trong nửa đầu năm, tuy nhiên lợi nhuận của chủ hãng bia Sài Gòn vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) đã công bố BCTC hợp nhất quý 2/2023 với doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, trong quý 2, SAB ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.312 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Trừ đi chi phí giá vốn bán hàng và dịch vụ cung cấp, lợi nhuận gộp công ty đạt 2.488 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của Sabeco tăng gần 40% lên 354 tỷ đồng, theo công bố SAB có hơn 18.638 tỷ đồng mang gửi tiết kiệm ngân hàng để lấy lãi. Doanh thu tài chính tăng mạnh, SAB tiết giảm đáng kể chi phí tài chính về 17 tỷ đồng, tương đương mức giảm 35%.
Chi phí bán hàng tăng 15% lên 1.167 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 21% lên 200 tỷ đồng.
Trung bình mỗi ngày SAB của tỷ phú Thái Lan chi hơn 6,8 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi
Sau khi trừ các khoản chi phí và thu nhập khác, Sabeco báo lãi sau thuế 1.210 tỷ đồng, tương đương, trong 3 tháng gần nhất, đại gia ngành bia này thu lãi hơn 13 tỷ đồng mỗi ngày. Dù vậy, mức lợi nhuận sau thuế của SAB vẫn giảm 32% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.526 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 2.214 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày SAB thu lãi trung bình hơn 12,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn giảm 27% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận nửa đầu năm giảm sâu so với cùng kỳ, nhưng chi phí bán hàng tăng mạnh từ 1.177 tỷ đồng nửa đầu năm 2022 lên hơn 2.028 tỷ đồng. Trong đó chi phí quảng cáo khuyến mãi tăng từ 1.095 tỷ đồng lên 1.211 tỷ đồng. Tương đương, mỗi ngày trong nửa đầu năm 2023, SAB chi gần 6,8 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi.
Theo lý giải của SAB, sự cạnh tranh khốc liệt với các hãng bia quốc tế là tác nhân chính khiến lợi nhuận giảm mạnh. Cạnh tranh thị phần buộc công ty đầu tư nhiều hơn cho hoạt động tiếp thị, mở rộng kênh phân phối nên chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng theo.
Trong năm 2023, Sabeco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 40.272 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 5.775 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện trong năm 2022. Tuy nhiên, kết thúc nửa đầu năm, Sabeco mới hoàn thành được 36% kế hoạch doanh thu và 38% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Tính đến cuối tháng 6, Sabeco có tổng nguồn vốn hơn 33.600 tỷ đồng, trong đó phân nửa là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Công ty đang nắm giữ lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng hơn 22.300 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả công ty ở mức 8.123 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm, trong đó, tổng nợ vay là 866 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 25.523 tỷ đồng
Trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam chốt phiên cao nhất 10 tháng, khối tài sản của thiếu gia 41 tuổi này cũng vượt mức 1.300 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]