Choáng với số lỗ lũy kế kỷ lục của Vietnam Airlines
Lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã vượt mức 1 tỷ USD sau khi hãng hàng không quốc gia công bố báo cáo tài chính quý 1/2022.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I sau nhiều ngày chậm nộp. Theo số liệu được công bố, trong 3 tháng đầu năm HVN ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.620 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là số thu cao nhất của hãng kể từ quý II/2020.
Xét theo cơ cấu, doanh thu vận chuyển nội địa tăng 96% và vận chuyển quốc tế tăng 71%. Ở chiều ngược lại, doanh thu thuê chuyến giảm 21%.
Tuy doanh thu tăng tích cực, giá vốn bán hàng vẫn vượt doanh thu khiến hãng hàng không quốc gia lỗ gộp gần 1.600 tỷ đồng. Trong kỳ, Vietnam Airlines chịu thêm khoản chi phí tài chính gia tăng hơn 528 tỷ đồng, chi phí bán hàng 365 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 390 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí khác, hãng bay ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 2.685 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của Vietnam Airlines.
Lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã vượt qua con số 1 tỷ USD sau 9 quý lỗ liên tiếp
Theo Vietnam Airlines, kết quả sản xuất kinh doanh quý I vẫn phản ánh rõ ảnh hưởng nặng nề của đại dịch kéo dài từ 2021 sang đầu năm nay, dù thị trường hàng không Việt Nam phục hồi khá nhanh. Cùng với đó, thị trường quốc tế 3 tháng đầu năm gần như vẫn đóng băng, ảnh hưởng tiêu cực do xung đột Nga - Ukraine, giá nhiên liệu tăng cao đã khiến các hoạt động của hãng không thể khởi sắc.
Tính đến hết ngày 31/3, Vietnam Airlines nợ hơn 66.176 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn lên tới 45.672 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần tài sản ngắn hạn.
Đáng chú ý, "ông lớn" hàng không Việt lỗ lũy kế hơn 24.575 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD); vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng. Với việc doanh nghiệp đã âm vốn chủ sở hữu, Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) theo quy định.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đang trong diện kiểm soát và được giao dịch ở mức 18.400 đồng/cổ phiếu sau khi kết phiên 20/5. Kể từ đầu năm, thị giá cổ phiếu HVN đã rơi 21%.
Trong khi đó, với việc chỉ số VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (20/5) trong trạng thái lưỡng lự dưới mốc tham chiếu. Các chuyên gia của công ty chứng khoán Rồng Việt đánh giá sau phiên đảo chiều mạnh mẽ ngày 17/05, hiện tượng đè bán vào cuối phiên vẫn diễn ra trên nền thanh thấp. Diễn biến ở các nhóm ngành cũng đang có phân hóa. Điều này cho thấy sự thận trọng vẫn đang bao trùm lên tâm lý của các Nhà đầu tư.
Do đó, nhiều khả năng thị trường sẽ cần 1 nhịp lùi bước để kiểm tra lại cung-cầu và để chờ đợi sự tham gia đồng bộ hơn của dòng tiền ở các nhóm ngành. Dự kiến, vùng 1.200-1.220 vẫn sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index trong tuần sau. Vì vậy, các nhà đầu tư có thể cân nhắc mua tích lũy tại các cổ phiếu lớn có định giá tốt trong khi đợt điều chỉnh diễn ra.
Các chuyên gia của CTCK BIDV (BSC) cho rằng với việc chỉ số VN-Index kết thúc phiên giao dịch ngày 20/5 vừa qua bằng cây nến Doji, cho thấy sự lưỡng lự của thị trường khá lớn quanh ngưỡng 1.240. Theo BSC, trong những phiên tiếp theo, thị trường có thể sẽ tích lũy thêm lại vùng 1.240 này.
Nguồn: [Link nguồn]
Trái ngược với kết quả kinh doanh khi lợi nhuận giảm hơn 80%, thu nhập nhân viên ngân hàng này lại ghi nhận mức tăng tới hơn 40% trong 3 tháng đầu năm 2022.