Cấm nhân viên làm shipper, bán hàng, taxi công nghệ... PVOIL đang làm ăn ra sao?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhân viên của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã phải đi làm thêm taxi công nghệ... để tăng thêm thu nhập.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, nhiều lao động mất, giảm việc làm khiến thu nhập giảm sút. Để đảm bảo cuộc sống, nhiều người đã phải đi làm thêm shipper, bán hàng, taxi công nghệ... để tăng thêm thu nhập.

Tuy nhiên, ngày 14/6/2021 vừa qua Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ban hành văn bản gửi các đơn vị thành viên với nội dung yêu cầu tăng cường phòng chống dịch Covid-19.

Theo nội dung văn bản này, trong hệ thống PVOIL đã có người lao động đi làm thêm lái xe taxi công nghệ, vô tình chở trúng ca F0 khiến nhiều người trong đơn vị trở thành F1, F2,… phải cách ly, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và cuộc sống của những người liên quan.

Do đó, PVOIL đã yêu cầu người lao động không làm thêm những công việc có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 như shipper, bán hàng, taxi công nghệ,… nếu người lao động vẫn đi làm thêm những công việc trên thì PVOIL yêu cầu người lao động làm đơn xin nghỉ việc để tổng công ty/đơn vị xem xét hỗ trợ một lần theo quy định của pháp luật.

PVOIL đã hoàn thành được 21% mục tiêu về doanh thu và gần 60% mục tiêu về lợi nhuận trong năm 2021

PVOIL đã hoàn thành được 21% mục tiêu về doanh thu và gần 60% mục tiêu về lợi nhuận trong năm 2021

Tuy nhiên, trước những phản ứng gay gắt từ dư luận cho rằng, đây là yêu cầu vô lý, xâm phạm đến quyền tự do của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn chung nên chỉ một ngày sau đó (ngày 15/6), PVOIL đã ra thông báo thu hồi văn bản trên với lý do là vì 'một số câu từ chưa phù hợp'.

Theo PVOIL, trong thời gian từ đầu năm 2020 đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty liên tục phải chịu những tác động hết sức nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Có những nơi, có những thời điểm, sản lượng tiêu thụ xăng dầu của PVOil bị giảm tới hơn 40%.

Mặc dù vậy, với tinh thần và trách nhiệm vì người lao động, công ty mẹ cũng như tất cả các đơn vị thành viên trên toàn hệ thống PVOil luôn cố gắng đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2020 của PVOIL cho thấy doanh thu thuần của doanh nghiệp đã giảm 37% từ gần 80.000 tỷ đồng trong năm 2019 về chỉ còn hơn 50.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Dù chi phí bán hàng, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp cùng giảm, trong khi doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gần 80 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp vẫn báo lỗ trước thuế hơn 110 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 lãi hơn 396 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp, PVOIL báo lỗ ròng hơn 166 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 lãi hơn 325 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021 của PVOIL cho thấy, doanh thu thuần của PVOIL đạt 11.768 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước (17.685 tỷ đồng). Nhưng nhờ giá vốn bán hàng thấp, giúp doanh nghiệp lãi hơn 700 tỷ đồng từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, trong khi quý 1/2020, PVOIL chỉ ghi nhận lãi hơn 64 tỷ đồng.

Chi phí tài chính giảm mạnh và có lãi trong công ty liên kết, trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tương đương năm 2020, giúp PVOIL đạt lãi thuần từ hoạt động kinh doanh gần 200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ doanh nghiệp lỗ hơn 530 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, PVOIL báo lãi sau thuế đạt gần 191 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 537,7 tỷ) - trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 141,5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 423 tỷ đồng).

Theo giải trình của PVOIL, lợi nhuận gộp đạt gần 191 tỷ đồng trong quý 1 là do ảnh hưởng của biến động xăng dầu thế giới, cụ thể giá dầu Brent bình quân quý 1/2021 là 61,5 USD/tháng tăng 51% tương đương 20,9 USD/thùng so với cùng kỳ là 40,6 USD/thùng, do đó cũng làm lợi nhuận trên BCTC hợp nhất tăng.

Tính đến ngày 31/3/2021, tổng tài sản doanh nghiệp tăng từ 22.075 tỷ lên 23.671 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty vẫn còn lỗ lũy kế hơn 762 tỷ đồng thời điểm cuối quý 1/2021.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, PVOIL đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 55.750 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện trong năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 320 tỷ đồng.

Như vậy kết thúc quý 1, PVOIL đã hoàn thành được 21% mục tiêu về doanh thu và gần 60% mục tiêu về lợi nhuận so với kế hoạch đặt ra.

Ngân hàng đua huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu

Khi lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn với người dân, các ngân hàng đang bước vào cuộc đua huy động vốn thông qua...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN