Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

Các "đại gia" kinh doanh vàng sắp bị thanh tra có quy mô thế nào?

Trong số những “đại gia” kinh doanh vàng sắp bị thanh tra, có đơn vị đang sở hữu hơn 400 điểm bán cùng quy mô vốn hóa lên tới hơn 1 tỷ USD.

Ngày 23/5 vừa qua Ngân hàng Nhà nước cho biết 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng gồm SJC, DOJI, PNJ và Bảo Tín Minh Châu sẽ bị thanh tra việc chấp hành pháp luật kinh doanh vàng; phòng, chống rửa tiền; lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ và thực hiện nghĩa vụ thuế. Thời gian thanh tra từ năm 2020 đến giữa tháng 5/2024.

Cuối tuần trước, đoàn thanh tra được cơ quan này thành lập, có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Phó thống đốc Phạm Quang Dũng yêu cầu đoàn thanh tra làm rõ hành vi vi phạm (nếu có), kiến nghị xử lý theo quy định. Trường hợp đoàn phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, xem xét chuyển sang cơ quan điều tra…

Đại gia vàng PNJ lãi kỷ lục, vốn hóa vượt 1 tỷ USD

Trong số 4 doanh nghiệp sắp bị thanh tra về hoạt động kinh doanh vàng thì PNJ do nữ đại gia Cao Thị Ngọc Dung là cái tên có quy mô về vốn chủ sở hữu lớn nhất. Tại thời điểm cuối tháng 4/2024, PNJ có 403 điểm bán hàng tại 57 tỉnh thành trên cả nước.

Trong tháng 4 vừa qua, PNJ cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.455 tỷ đồng, tăng 34% so với kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về trong tháng 4 theo đó cũng tăng 60%, đạt 177 tỷ đồng, tương đương 5,9 tỷ đồng mỗi ngày.

Tính lũy kế 4 tháng đầu năm, đại gia bán lẻ vàng trang sức này ghi nhận doanh thu thuần tăng hơn 33%, lên 16.049 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 915 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm liền trước. Tương đương, doanh nghiệp của nữ đại gia vàng Cao Thị Ngọc Dung ghi nhận lợi nhuận sau thuế trung bình lên đến gần 10,2 tỷ đồng mỗi ngày trong 4 tháng đầu năm.

Các

Giá trị vốn hóa của PNJ trên sàn chứng khoán đã vượt mức 1 tỷ USD

Theo kế hoạch năm 2024, PNJ đặt mục tiêu doanh thu đạt 37.148 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.089 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 6%. Với kết quả kinh doanh tích cực trong 4 tháng đầu năm, PNJ đã hoàn thành được 43,8% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Tính theo giá kết phiên giao dịch sáng ngày 24/5, PNJ do nữ đại gia Cao Thị Ngọc Dung giữ vị trí Chủ tịch có giá trị vốn hóa hơn 32.820 tỷ đồng dù doanh nghiệp chỉ có tổng tài sản 12.969 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 10.474 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2023, PNJ đạt doanh thu thuần 33.137 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức kỷ lục 1.971 tỷ đồng (tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, mảng trang sức tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, đóng góp 66,8% vào tổng doanh thu chung của công ty.

Lợi nhuận của đại gia vàng DOJI đi lùi

Đứng sau PNJ về lợi nhuận là Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI (DOJI). Tập đoàn Doji thành lập ngày 11/4/2007. Hiện tại, bà Đỗ Vũ Phương Anh là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.  

Theo giới thiệu, Tập đoàn DOJI có 15 Công ty thành viên hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Con, 5 Công ty liên kết góp vốn và 61 Chi nhánh, gần 200 Trung tâm, Cửa hàng trải dài trên toàn quốc cùng với hơn 400 Đại lý, Điểm bán…

Các

Tập đoàn DOJI có vốn chủ sở hữu của DOJI đạt 6.745 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023

Tại báo cáo định kỳ về tình hình tài chính năm 2023 gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 491 tỷ đồng, tương ứng bình quân hơn 1,3 tỷ đồng/ngày.

Con số này giảm gần 52% so với số lãi lên đến 1.017 tỷ đồng của năm 2022, năm lãi khủng nhất của DOJI trong 6 năm trở lại đây. So sánh với "đối thủ" cùng ngành là PNJ thì lợi nhuận năm 2023 của DOJI chỉ bằng 25%.

Tại thời điểm cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của DOJI đạt 6.745 tỷ đồng, tăng 6% so với con số 6.361 tỷ đồng cuối năm 2022. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp năm 2023 là 2,35 lần, cao hơn mức 1,95 lần năm trước. Ước tính theo hai số liệu trên, nợ phải trả và tổng tài sản của DOJI tại thời điểm 31/12/2023 đạt lần lượt 15.851 tỷ đồng và 22.596 tỷ đồng, tăng 27% và 20% so với cuối năm trước.

Doanh thu tỷ USD, lợi nhuận của SJC mỏng như “lá lúa”

Về phần mình, tại báo cáo tài chính năm 2023 của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ 4% so với năm 2022, từ 27.153 tỷ đồng lên 28.408 tỷ đồng. Biên lợi nhuận năm 2023 của SJC là 0,84%, giảm nhẹ so với biên lợi nhuận gộp năm 2022 là 0,92%.

Kết thúc năm 2023, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế năm 2023 của SJC tăng 27% và 24% so với năm 2022 lần lượt là 87,5 tỷ đồng và 61 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận sau thuế của SJC năm 2023 vượt kế hoạch kinh doanh đề ra 7%.

Các

Lợi nhuận của SJC mỏng như “lá lúa” dù doanh thu lên tới hơn 1 tỷ USD

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản SJC ở mức ở 1.898 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2022. Trong đó, chiếm phần lớn là tài sản ngắn hạn với gần 1.683 tỷ đồng, gồm: tiền và tương đương tiền (236 tỷ đồng), khoản phải thu ngắn hạn (77,6 tỷ đồng), hàng tồn kho (1.363 tỷ đồng), tài sản ngắn hạn khác khác (6,5 tỷ đồng). Về phía tài sản dài hạn, chủ yếu nằm dưới dạng tài sản cố định (73,2 tỷ đồng) và đầu tư tài chính dài hạn (122,7 tỷ đồng).

Tại bảng cân đối kế toán, vốn chủ sở hữu của SJC tính đến cuối năm 2023 ở mức 1.578,4 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ 2022. Nợ ngắn hạn ở mức 320 tỷ đồng; trong đó, vay và nợ thuê tài chính là hơn 150 tỷ đồng.

SJC dự tính năm 2024 đạt doanh thu 30.145 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 92,7 tỷ đồng và 70,2 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời ròng theo đó chỉ đạt 0,23%. Theo đó, kế hoạch doanh thu năm nay giảm 270 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2023, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 23% tương ứng với hơn 13 tỷ đồng. Kế hoạch này được ban lãnh đạo SJC đặt ra dựa trên mục tiêu sản lượng vàng miếng đạt 31.692 lượng và tiêu thụ 444.912 món nữ trang. SJC dự tính năm nay sẽ nộp thuế khoảng 93,6 tỷ đồng.

Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ của TP HCM tổ chức chiều 16/5 vừa qua bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC - doanh nghiệp nhà nước) cho rằng nhà nước cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được dập vàng miếng. Bà Hằng cho rằng: "Sau 12 năm là thương hiệu quốc gia, chúng tôi không có lợi ích gì".

Đại gia vàng Bảo Tín Minh Châu có nguồn vốn “tí hon”

So với những cái tên kể trên, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu do đại gia Vũ Minh Châu làm lãnh đạo có quy mô và nguồn vốn điều lệ nhỏ nhất.

Các

Người dân xếp hàng chờ giao dịch tại cửa hảng của Bảo Tín Minh Châu

Cụ thể, theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu vàng rồng Thăng Long là Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, doanh nghiệp được thành lập tháng 5/1995. Hiện ông Vũ Minh Châu sinh năm 1953 giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu có địa chỉ đăng ký tại 29 Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Tại thời điểm tháng 6/2018, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng do hai cổ đông góp vốn là ông Vũ Minh Châu góp 90,17 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ góp vốn 90,17%, cổ đông còn lại là ông Vũ Phương Nam góp 9,83 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ góp 9,83%.

Theo giới thiệu Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu hiện có hơn 200 đối tác bán hàng tại khu vực Miền Bắc. Trong đó, riêng tại Hà Nội có 101 đối tác và điểm bán hàng của doanh nghiệp.

Các

Hoàng Anh 

Thứ Sáu, ngày 24/05/2024 14:00 PM (GMT+7)
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN