Bị Điện lực Ninh Bình cắt cáp vì nợ tiền, truyền hình SCTV có quy mô ra sao?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trước khi bị điện lực Ninh Bình cắt cáp vì nợ tiền thuê cột điện làm gián đoạn đến hoạt động kinh doanh, truyền hình SCTV đang là một trong những "ông lớn" trong lĩnh vực truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Những ngày gần đây, truyền hình SCTV đang nhận được sự quan tâm của dư luận khi ngày 16/2 vừa qua, doanh nghiệp này đã bị Điện lực Ninh Bình cắt cáp làm mất tín hiệu của 5 điểm kết nối tại TP Ninh Bình và 10 điểm tại Kim Sơn, ảnh hưởng 1.500 khách hàng. Sau đó, phía điện lực tiếp tục cắt tuyến trục Ninh Bình đi Hà Nam, mất tín hiệu 100 khách hàng, mất tuyến trục đang cho MobiFone thuê. Sự việc đã khiến tổng cộng 1.600 khách hàng và khách hàng doanh nghiệp là Mobifone bị ảnh hưởng.

Đại diện Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình cho hay nguyên nhân việc tháo hạ 2 điểm nút cáp SCTV là do đơn vị này nợ tiền thuê cột điện treo cáp truyền hình của Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình trong nhiều tháng, nhiều năm.

Tuy nhiên, sau khi có ý kiến phản hồi từ bên thuê cột điện và ý kiến chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Điện lực Ninh Bình đã phối hợp khôi phục ngay 2 điểm nút cáp, hiện dịch vụ của SCTV không còn bị gián đoạn.

Trước khi bị điện lực Ninh Bình tháo hạ 2 điểm nút cáp làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) hiện là một trong những "ông lớn" trong lĩnh vực truyền hình trả tiền tại Việt Nam bên cạnh những cái tên như VTV Cab, FPT Telecom, HTVC, K+...

Theo tìm hiểu, SCTV  được thành lập từ tháng 8/1992, là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trên cơ sở liên doanh giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Ngày 8/1/2010 công ty chuyển đổi thành Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist theo quyết định của Chủ tịch UBND TP HCM.

Doanh thu và lợi nhuận của SCTV ghi nhận đi lùi từ năm 2020 đến nay

Doanh thu và lợi nhuận của SCTV ghi nhận đi lùi từ năm 2020 đến nay

Thời điểm tháng 8/2023, SCTV có vốn điều lệ 626,7 tỷ đồng. Trong đó, VTV và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn là hai cổ đông, mỗi bên góp 313,350 tỷ đồng, tương đương 50% vốn. Hiện Tổng giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của SCTV là ông Trương Chí Bình, sinh năm 1981.

Ngoài vị trí lãnh đạo tại SCTV, ông Bình hiện còn là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của SCJ TV Shopping - một trong những công ty mua sắm tại nhà qua truyền hình đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam.

SCJ TV Shopping được thành lập vào năm 2011, là liên doanh giữa SCTV và CJ ENM (Hàn Quốc). Từ tháng 6/2020, SCJ chuyển đổi cơ cấu nhà đầu tư với 100% sở hữu thuộc SCTV. Thời điểm tháng 5/2021, doanh nghiệp giảm mạnh vốn điều lệ từ hơn 309 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 155 tỷ đồng.

Báo cáo của Vietdata phát hành đầu năm 2024 cho thấy, SCTV đã cung cấp được hơn 200 kênh truyền hình trên cả nước, trong đó có 60 kênh chuẩn HD. Ngoài ra, SCTV còn cung cấp dịch vụ internet với tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Về kết quả kinh doanh, trong năm 2023, SCTV ghi nhận lợi nhuận đạt 91,5% kế hoạch đề ra; Lợi nhuận trước thuế đạt 77,0%; Thu nhập bình quân 13 triệu đồng/người/tháng; Nộp ngân sách 100,5%.

Trong khi đó, số liệu được Vietdata công bố cho thấy, doanh thu của công ty truyền hình trả tiền này đã liên tục ghi nhận xu hướng sụt giảm từ hơn 2.500 tỷ đồng đạt được trong năm 2020 xuống còn hơn 2.000 tỷ đồng vào năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng giảm sút khi chỉ đạt gần 79 tỷ đồng vào năm 2022, thấp hơn 40% so với kết quả đạt được năm 2020.

Vietdata cho biết lĩnh vực truyền hình cáp đang phải đối mặt với một số thách thức lớn từ sự cạnh tranh gay gắt của các dịch vụ truyền hình OTT (truyền hình trực tuyến) như Netflix, FPT Play, VieON... và sự gia tăng của các thiết bị thông minh như smartphone, ipad khiến người xem có nhiều lựa chọn giải trí hơn.

Tính đến tháng 10/2023, số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy Việt Nam đang có 35 đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền với tổng cộng 191 kênh trong nước và 45 kênh nước ngoài. Các đơn vị có thị phần lớn ở Việt Nam gồm VTVCab, SCTV, VTC, VNPT Media (đơn vị sở hữu MyTV) và VSTV (vận hành K+).

Tuy nhiên, không chỉ cạnh tranh với các doanh nghiệp trong ngành, những công ty này còn đánh mất khách hàng vào tay các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới qua mạng internet (OTT TV) như Netflix, AppleTV, WeTV, IQIYI…

Trước khi Tổng giám đốc Lê Xuân Tùng và kế toán trưởng Lê Thúy Quỳnh bị bắt vì buôn lậu và trốn thuế, Vàng Phú Quý được xem là một trong những đơn vị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN