Bên bờ vực phá sản, Vietnam Airlines sẽ làm gì với 12.000 tỷ đồng nhận được?
Từ cuối năm 2020, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất chủ trương hỗ trợ tài chính cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng đã cấp tín dụng ưu đãi lãi suất 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines.
Thứ hai, Vietnam Airlines được phép chào bán cổ phiếu ra công chúng để huy động 8.000 tỷ đồng mặc dù kết quả kinh doanh năm liền trước là thua lỗ, tức là Vietnam Airlines không cần đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định trong Điều 15 Luật Chứng khoán 2019.
Ngày 7/7 vừa qua, tổng công ty đã ký hợp đồng cấp tín dụng với ba ngân hàng là MSB, SHB và SeABank để chuẩn bị nhận khoản vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng. Vietnam Airlines sẽ cần tài sản bảo đảm khi vay và phải trả lãi suất thấp hơn mặt bằng lãi suất thị trường. Dự kiến tiền vay sẽ về trong tháng 7 này.
Vietnam Airlines gặp rất nhiều khó khăn thời gian qua
Bên cạnh đó, Đại hội cổ đông thường niên của Vietnam Airlines tổ chức ngày 14/7 vừa qua đã phê duyệt kế hoạch chào bán 800 triệu cổ phiếu HVN ngang mệnh giá 10.000 đồng/cp. Theo Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền, việc chào bán hy vọng sẽ hoàn tất trong quý III. Như vậy, Vietnam Airlines có 8.000 tỷ đồng sắp thu được từ phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4%.
Vậy, với 12.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines sẽ làm gì?
Ông Trần Thanh Hiền cho biết số 4.000 tỷ đồng vay từ các ngân hàng sẽ được dùng để trả một phần các khoản nợ quá hạn với nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 6/2021, Vietnam Airlines đang nợ quá hạn tới 6.200 tỷ đồng.
"Chúng tôi đã lập kế hoạch rất chi tiết, đảm bảo đánh giá đúng mức độ, tính công bằng của các chủ nợ, tối ưu lợi ích của công ty", Kế toán trưởng của Vietnam Airlines cho biết.
Với số tiền 8.000 tỷ đồng sắp thu được từ phát hành cho cổ đông hiện hữu, Vietnam Airlines sẽ có đủ nguồn vốn để trả nợ và còn dư cho hoạt động kinh doanh.
" Số tiền 8.000 tỷ đồng từ cổ đông cũng có thể giúp Vietnam Airlines tránh được nguy cơ âm vốn chủ sở hữu, đồng thời làm lành mạnh hơn các chỉ số trên bảng cân đối kế toán", ông Trần Thanh Hiền phát biểu.
Ông Hiền cũng nói thêm khi gói 12.000 tỷ được giải ngân, Vietnam Airlines sẽ giải quyết được những thâm hụt phát sinh trong năm 2020 nhưng không giải quyết được triệt để những khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng như quy mô lỗ trong năm 2021.
Trong quý I, Vietnam Airlines đã ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất 4.975 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 1.030 tỷ. Trong quý II, tổng công ty ước tính lỗ thêm khoảng 5.800 tỷ và âm vốn chủ. Theo tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2021 tổ chức vào sáng 14/7, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines dự kiến cả năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất đạt 37.364 tỷ đồng, giảm gần 12% so với năm ngoái, lỗ sau thuế hợp nhất 14.526 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020 với mức lỗ kỷ lục gần 11.200 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Số triệu phú và siêu triệu phú USD của Việt Nam năm 2020 đã giảm nhẹ so với năm 2019 bởi những tác động tiêu cực của...