Bất chấp dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn lãi lớn

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Hưởng lợi từ các đơn hàng xuất khẩu giúp Dệt may Thành Công và CTCP Sản xuất Kinh doanh XNK Bình Thạnh lãi lớn trong năm 2020 .

CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh trong quý IV và lũy kế cả năm 2020.

Trong quý vừa qua, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ đạt 752 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ vẫn giữ được ở mức trên 143 tỷ đồng, chỉ giảm gần 6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Dệt may Thành Công phá kỷ lục về lợi nhuận trong năm 2020

Dệt may Thành Công phá kỷ lục về lợi nhuận trong năm 2020

Trong quý IV/2020, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm tới 10 tỷ đồng, tương đương với giảm 29%, chi phí lãi vay cũng giảm từ 10,2 tỷ đồng trong quý IV/2019 xuống chỉ còn 4,2 tỷ đồng trong quý vừa qua, điều này giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh. Công ty đạt mức lãi ròng 75,6 tỷ đồng trong kỳ, tăng 21%. Trong đó, lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 75 tỷ đồng. Đây là con số cao kỷ lục trong quý IV đối với TCM.

Lũy kế cả năm 2020, TCM đạt doanh thu gần 3.470 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng mạnh từ 216,8 tỷ đồng của năm 2019 lên 276,2 tỷ đồng trong năm 2020 tương đương mức tăng 27%. Theo TCM, khoảng 84% doanh thu của Thành Công đến từ xuất khẩu, tương ứng đem về hơn 2.900 tỷ đồng.

Cơ cấu bảng cân đối kế toán không có biến động đáng kể, đáng chú ý nhất là giá trị hàng tồn kho tăng từ 893 tỷ đồng lên 1.007 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, TCM sẽ đẩy mạnh đầu tư mở rộng các nhà máy may – đan – nhuộm để phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu, đồng thời đáp ứng cho các đơn hàng sợi và vải ngày càng cao cho các doanh nghiệp dệt may trong nước để hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Cùng với Dệt may Thành Công, CTCP Sản xuất Kinh doanh XNK Bình Thạnh (GIL) cũng có kết quả kinh doanh vượt trội so với các doanh nghiệp ngành dệt may khác.

Cuối năm 2019, GIL có 72 chuyền may (tăng 14,3% so với năm 2018). Năm 2020 GIL vận hành 95 chuyền may (tăng 32% so với năm 2019). Ngoài các chuyền may nội bộ, GIL còn phải thuê các chuyền may bên ngoài do lượng đơn đặt hàng hiện đang quá lớn.

Doanh thu của GIL trong quý IV/2020 đạt hơn 911 tỷ đồng, tăng 16% cùng kỳ năm trước, cả năm đạt 3.456 tỷ đồng, tăng hơn 36% so với năm 2019.

Biên lợi nhuận gộp của GIL tăng mạnh, đạt 23% trong quý IV và 18,4% năm 2020, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt lần lượt 16,1% và 14,9%.

Lợi nhuận trước thuế quý IV/2020 của GIL ghi nhận đạt gần 154 tỷ đồng, tăng hơn 74% so với cùng kỳ 2019, luỹ kế cả năm đạt gần 394 tỷ đồng, tăng 86,7%

Lợi nhuận sau thuế quý IV đạt 118,6 tỷ đồng, tăng 64% cùng kỳ năm trước, luỹ kế cả năm đạt 308 tỷ đồng, tăng gần 92% năm 2019.

Tại thời điểm cuối năm 2020, GIL có 928 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng gấp hơn 3 lần so với đầu năm. Vay nợ ngắn hạn tăng từ 579 tỷ lên 765 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 360 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 659 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần 227 tỷ đồng.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho biết, tháng 1/2021, chỉ số sản xuất ngành dệt và chỉ số sản xuất trang phục lần lượt tăng 16,6% và 9,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết

Ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết

Một số sản phẩm trong ngành có tăng 35,6% so với cùng kỳ như: sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 92,4 triệu m2, tăng 20,4% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 380,1 triệu cái, tăng 9,3%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 1/2021 ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ.

Bộ Công Thương cũng nhận định, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới.

Trong đó Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được kí kết hồi giữa tháng 11/2020 được kỳ vọng tạo ra động lực, cơ hội cho dệt may Việt Nam và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được và đang ảnh hưởng lớn đến thị trường của dệt may Việt Nam như châu Âu.

Nguồn: [Link nguồn]

Nữ đại gia BĐS gây ”sốc” khi đập nhà Hà Nội 137 tỷ xây lại là ai?

Đây là một trong những nữ đại gia nổi tiếng Việt Nam với tài sản "khủng" và độ chịu chơi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN