Bảo hiểm FWD làm ăn ra sao sau cú bắt tay đại gia ngân hàng Việt?
Bắt tay hợp tác độc quyền với đại gia ngành ngân hàng Việt Nam, tuy nhiên bảo hiểm FWD vẫn ghi nhận lỗ kỷ lục trong năm vừa qua.
Trong vài năm trở lại đây, bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng - PV) đã trở thành xu hướng thời thượng trên thị trường bảo hiểm. Thời gian qua hàng loạt công ty bảo hiểm trong nước và các ngân hàng đã công bố những bản hợp đồng hợp tác độc quyền lớn.
Đáng chú ý, ngày 13/4/2020, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD) đã ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thời hạn 15 năm với một đại gia ngành ngân hàng Việt Nam.
Cái bắt tay giữa ngân hàng trên và FWD là "hợp tác bancassurance đáng chú ý nhất từ trước đến nay".
Bảo hiểm FWD lỗ kỷ lục trong năm đầu tiên bắt tay với đại gia ngân hàng Việt Nam
Trong thông cáo báo chí phát đi, ông Huỳnh Hữu Khang, Tổng Giám đốc FWD Việt Nam kỳ vọng với cái bắt tay này sẽ giúp hoạt động kinh doanh của FWD lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên, dưới góc độ tài chính, sau thương vụ "đáng chú ý nhất" này, FWD lại lập kỷ lục về thua lỗ kể từ năm 2016 đến nay.
Báo cáo tài chính năm 2020 của FWD cho biết, tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt 2.691 tỷ đồng, tăng 1.276 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 90,1% so với năm 2019.
Tăng mạnh về doanh thu nhưng chi phí hoạt động của doanh nghiệp cũng tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, tổng chi phí của FWD năm 2020 lên tới 4.394 tỷ đồng, tăng 2.224 tỷ đồng, tương đương mức tăng 102%.
Trong cơ cấu chi phí, chi phí bán hàng chiếm tỷ trọng cao nhất, lên tới 2.051 tỷ đồng, tăng 1.231 tỷ đồng, tương đương 150% so với năm 2019.
Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng tăng gần 2 lần so với năm 2019 lên 1.481 tỷ đồng. (Con số này năm 2019 chỉ là 785 tỷ đồng).
Do đó, FWD lập kỷ lục về thua lỗ trong năm 2020 khi lợi nhuận sau thuế là âm gần 1.703 tỷ đồng gấp hơn 2,2 lần số lỗ trong năm 2019.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp FWD thua lỗ kể từ khi công khai công bố báo cáo tài chính doanh nghiệp từ năm 2016. Tuy nhiên, năm 2020 là năm đầu tiên số lỗ của FWD lên tới con số nghìn tỷ.
Theo đó, lỗ của FWD đã liên tục tăng từ năm 2016 đến nay lần lượt là 120 tỷ đồng, 544 tỷ đồng, 760 tỷ đồng, 754 tỷ đồng và 1.703 tỷ đồng (2020).
Tính đến ngày 31/12/2020, FWD đang có 4.309 tỷ đồng lỗ lũy kế. Với vốn góp chủ sở hữu lên đến 15.174 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của FWD chỉ còn 10.865 tỷ đồng.
Bức tranh tài chính và hoạt động của FWD trong năm 2019 và 2020
Trái ngược với con số lỗ kỷ lục của FWD trong năm đầu tiên hợp tác với đại gia ngân hàng, đối tác của FWD khi thực hiện bancassurance lại báo lãi kỷ lục từ hoạt động dịch vụ.
Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của nhà băng hợp tác với FWD cho biết trong năm 2020, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này đạt tới 10.588 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí chỉ là 3.981 tỷ đồng.
Trong đó, riêng hoạt động khác mang về cho ngân hàng này tới 4.487 tỷ đồng, tăng 1.847 tỷ đồng, tương đương 70% so với năm 2019.
Chi phí khác lại khá thấp, chỉ 547 tỷ đồng. Tính chung, hoạt động khác đã mang về cho ngân hàng này khoản lãi thuần 3.940 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý 1 của nhà băng này cũng không hé lộ hiệu quả từ hoạt động bancassurance. Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng cũng tăng 2.311 tỷ đồng, tương đương 205% lên 3.438 tỷ đồng.
Không trực tiếp tham gia vào điều hành doanh nghiệp và kín tiếng trước giới truyền thông nhưng cả vợ và con trai tỷ phú...
Nguồn: [Link nguồn]