Autosobriety: Nâng cao nhận thức về tác hại của rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông
Từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2024, chương trình đào tạo quốc tế Autosobriety Training Program đã được triển khai tại Việt Nam, với mục tiêu nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Đây là một phần trong sáng kiến toàn cầu do Viện Nghiên cứu và Đào tạo của Liên Hiệp Quốc (UNITAR), Tập đoàn Pernod Ricard, Câu lạc bộ Xe hơi Việt Nam (AAV) và Trường Đại học Giao thông Vận tải (UTC) phối hợp thực hiện.
Tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia từ lâu đã là một trong những vấn đề nghiêm trọng, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 1,3 triệu người thiệt mạng và hơn 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông, trong đó rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu. WHO nhấn mạnh rằng việc sử dụng rượu bia làm suy giảm khả năng kiểm soát, kéo dài thời gian phản xạ và tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông gấp nhiều lần so với người bình thường.
Tại Việt Nam năm 2024, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến việc sử dụng rượu bia tiếp tục là một vấn đề đáng quan ngại. Cụ thể, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết có liên quan đến rượu bia. Đặc biệt, cứ 10 nạn nhân tử vong do TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia thì có 6 người trong độ tuổi từ 15 đến 29, cho thấy tác động nghiêm trọng của việc sử dụng rượu bia đối với giới trẻ. Trước thực trạng này, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Trong năm 2024, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã được thực hiện xuyên suốt, nhằm tạo thói quen "đã uống rượu bia thì không lái xe" trong cộng đồng. Mặc dù đã có những nỗ lực trong việc giảm thiểu TNGT liên quan đến rượu bia, nhưng số liệu trên cho thấy vấn đề này vẫn còn phức tạp và cần có các tác động mạnh mẽ hơn trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.
Trong bối cảnh đó, từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2024, chương trình đào tạo quốc tế Autosobriety Training Program đã được triển khai tại Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy hành vi giao thông an toàn hơn.
Nâng cao nhận thức qua chương trình đào tạo
Autosobriety 2024 tập trung vào đào tạo trực tiếp và các công cụ học tập hiện đại để truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả. Tại Trường Đại học Giao thông Vận tải, hơn 4.500 sinh viên đã tham gia các buổi đào tạo của chương trình. Thông qua các buổi học trực tiếp, người tham gia được trang bị kiến thức khoa học về tác động của rượu bia đến phản xạ và khả năng điều khiển phương tiện.
Dựa trên các bài kiểm tra trước và sau khóa học, 100% sinh viên cho biết nhận thức của họ về vấn đề này đã thay đổi tích cực, trong khi 95% cam kết sẽ không lái xe sau khi uống rượu bia.
Sinh viên tham gia buổi đào tạo về tác hại của việc sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông tại Đại học Giao thông vận tải
Lan tỏa thông điệp mạnh mẽ bằng những hình thức truyền thông sáng tạo
Không dừng lại ở đào tạo trực tiếp trên giảng đường, chương trình còn thực hiện các chiến dịch truyền thông sáng tạo, mang thông điệp "Don’t Drink & Drive - Đã cầm chai, không cầm lái" lan tỏa mạnh mẽ qua các nền tảng mạng xã hội.
Để truyền tải một cách hấp dẫn tinh thần “uống có trách nhiệm” đến người trẻ, chương trình đã sáng tác ca khúc chủ đề “Don’t Drink & Drive”, với giai điệu trẻ trung, sôi động và đầy cảm hứng. Cùng với đó là vũ điệu D-D-D (Don’t Drink & Drive) - những điệu nhảy lấy cảm hứng từ ngôn ngữ ký hiệu, giúp nhấn mạnh thông điệp một cách trực quan và sinh động. Các sản phẩm truyền thông sáng tạo này nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, khi hàng trăm sinh viên và người tham gia giao thông đã tham gia Cover vũ điệu D-D-D (Don’t Drink & Drive) , gửi thông điệp nhắc nhở cộng đồng về việc không uống rượu bia khi lái xe và cùng lan tỏa chiến dịch đến hàng triệu người.
Các hoạt động này thu hút hơn 1,2 triệu lượt tiếp cận trên các mạng xã hội, hàng trăm người tham gia, theo dõi với hơn 50 video hợp lệ gửi về chương trình.
Các bạn trẻ tham gia thử thách Dance Cover trên nền nhạc ‘Don’t Drink & Drive”
Hội thảo quốc tế: nỗ lực kết nối vì tác động bền vững
Trong khuôn khổ dự án, ngày 22/11/2024, chương trình đã tổ chức hội thảo trực tuyến cấp khu vực với sự tham gia của các chuyên gia từ Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Hàn Quốc, Lào… Tại hội thảo, đại diện chương trình đào tạo Autosobriety Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm và những thành công bước đầu, đồng thời học hỏi các mô hình đào tạo hiệu quả từ các quốc gia khác. Hội thảo đã khẳng định vai trò và mức độ thành công của Autosobriety tại Việt Nam, đồng thời mở ra hướng hợp tác khu vực để lan tỏa văn hóa giao thông an toàn trên diện rộng.
Autosobriety Training Program tại Việt Nam là một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu bia. Dù còn nhiều thách thức, nhưng với những kết quả đạt được trong năm 2024, chương trình đã cho thấy hiệu quả của sự kết hợp giữa đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế. Thông qua những con số ấn tượng và những phản hồi tích cực từ cộng đồng, chương trình đã khẳng định vai trò của mình trong nỗ lực chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu bia, góp phần xây dựng một cộng đồng an toàn hơn.
Hãy cùng lan tỏa thông điệp “Đã cầm chai, không cầm lái” để mỗi hành trình đều an toàn!
Nguồn: [Link nguồn]
-14/01/2025 17:30 PM (GMT+7)