Vào đầu năm mới, đàn ông Mông Cổ luôn làm hành động này để may mắn đầy nhà
Người dân Mông Cổ có nhiều phong tục đón Tết thú vị, thể hiện nét văn hóa đặc sắc, độc đáo.
Cũng giống như một số nước châu Á, người dân Mông Cổ sẽ đón Tết Âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. Tết của người Mông Cổ có tên gọi là Tsagaan Sar (nghĩa là Bạch Nguyệt).
Sửa soạn trước Tết
Theo phong tục, trước khi đón Tết, người Mông Cổ sẽ "gột rửa" cả thân thể lẫn tâm hồn để đón chào sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn. Tsagaan Sar kéo dài trong ba ngày và đôi khi là diễn ra lâu hơn để các thành viên trong gia đình cùng nhau sum vầy. Đây là một dịp lễ truyền thống có từ hàng thế kỷ của Mông Cổ mà người dân nước này vô cùng trân trọng.
Mọi người sửa soạn cho Tsagaan Sar từ nhiều tuần trước khi bắt đầu tổ chức các lễ hội. Các thành viên trong gia đình sẽ đi sắm sửa quần áo đẹp để mặc đi chơi Tết, còn dân du cư thì chuẩn bị những con ngựa tốt để di chuyển nhiều ngày trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Người dân nơi đây cũng chuẩn bị rất nhiều món ăn truyền thống để tiếp đón các vị khách trong dịp Tết.
Trong ngày Tết truyền thống, người Mông Cổ sắm sửa quần áo mới và chuẩn bị nhiều món ăn.
Thời khắc giao thừa được người dân Mông Cổ gọi là Bituun, có nghĩa "tối thui" bởi trong đêm này, bầu trời hoàn toàn không có ánh trăng hay sao. Đặc biệt, người Mông Cổ sẽ đặt ba viên đá lạnh bên ngoài cửa nhà để “thần ngựa” Palden Lhamo uống khi tới thăm.
Trong ngày cuối cùng của năm, người dân sẽ ăn uống thật no say vì họ tin rằng nếu không làm vậy thì suốt cả năm mới sẽ bị đói. Thông thường, người dân sẽ giải quyết mọi vấn đề và trả hết nợ năm cũ trong ngày này.
Phong tục ngày đầu năm mới
Trong ngày đầu tiên của năm mới, mọi người đều dậy thật sớm trước khi mặt trời mọc. Họ mặc quần áo mới chỉnh tề và nhóm lửa. Tất cả nam giới sẽ tới đỉnh ngọn đồi hoặc núi gần đó, mang theo thực phẩm và cầu nguyện. Điều này nhằm mục đích cầu mong may mắn và sự thịnh vượng đến cho bản thân và gia đình trong năm mới.
Tiếp theo, mọi người bắt đầu đi chúc năm mới lẫn nhau, họ đứng trước nhà mình và thực hiện một số nghi lễ truyền thống. Nơi đầu tiên họ tới luôn là nhà của người già nhất trong họ.
Đàn ông Mông Cổ trong năm mới sẽ leo lên núi để cầu chúc may mắn.
Khi gặp người già, người Mông Cổ thường chào kiểu zolgokh, nắm lấy khuỷu tay họ để thể hiện sự đỡ đần, tôn trọng. Trong lễ chào, người trong gia đình sẽ cầm một chiếc khăn lụa màu xanh được gọi là khadag.
Người dân cũng chào nhau với câu nói đặc biệt: “Amar baina uu?” (Bạn có đang sống bình an?). Sau đó, họ sẽ cùng thưởng thức các món ăn truyền thống như đuôi cừu, thịt cừu, cơm, các sản phẩm từ sữa, bánh buuz và món tráng miệng bằng sữa chua airag.
Mỗi vùng đất khác nhau ở Mông Cổ lại có các món ăn mang đặc trưng riêng dành cho dịp lễ trọng đại này. Trong đó, các gia đình thường có một đĩa bánh quy lớn xếp hình kim tự tháp tượng trưng cho núi Sumeru, thịt ngựa và bánh nhân thịt cừu, thịt bò...
Người dân sẽ đến chào hỏi nhà người cao tuổi nhất trong họ.
Nhiều đồ ăn truyền thống của Mông Cổ sẽ được làm trong dịp Tết.
Với người Mông Cổ, cừu là loài vật quan trọng nhất vì đây là nguồn lương thực chính của họ. Do đó, vào những ngày này mọi người cũng thường sẽ chúc nhau câu: "Chúc đàn cừu nhà anh ngày càng to béo".
Ngoài ra, vào những ngày tiếp theo của Tsagaan Sar, người Mông Cổ tổ chức nhiều lễ hội gắn liền với các hoạt động trong cuộc sống thường ngày như đua ngựa, bắn cung...
Nguồn: [Link nguồn]
Ở đất nước Saudi Arabia có nhiều nơi đàn ông vẫn giữ truyền thống đội vòng hoa sặc sỡ trên đầu với nhiều ý nghĩa khác nhau.