Nhà 99 năm tuổi của 'ông hoàng ăn chơi xứ Nam kỳ'
Căn nhà kiến trúc Pháp cổ kính, sang trọng vang danh ở TP Mỹ Tho là dấu tích của Bạch công tử Lê Công Phước, người chồng giàu có của NSND Phùng Há.
Trên con đường Đinh Bộ Lĩnh, Mỹ Tho tấp nập người xe qua lại mỗi ngày, căn nhà nổi bật với mặt tiền rộng, cổng sắt lớn gắn tấm bảng 'Nhà cổ Bạch công tử' dẫn vào khuôn viên rợp bóng cây xanh. Dinh thự cổ được công nhận là Di tích cấp tỉnh, thành phố; là điểm tham quan được gợi ý cho du khách khi ghé thăm tỉnh Tiền Giang.
Căn nhà vốn thuộc về ông Lê Công Phước (1895-1950), con trai thứ tư của đốc phủ Lê Công Sủng, người làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Sinh thời, ông Phước sống dư dả, thỏa sức vung tiền ăn chơi, được mệnh danh Bạch công tử để phân biệt với Hắc công tử (công tử Bạc Liêu).
Xưa kia, ông Phước sở hữu hơn 4.000 m2 đất (tương đương bốn công đất theo cách gọi của người dân miền Tây). 322 m2 được xây làm nhà ở của vợ chồng ông phía trước cùng nơi sinh hoạt cho người làm, nhà bếp phía sau và vườn cây ăn trái. Phần còn lại được xây dựng là rạp hát Huỳnh Kỳ.
Sau này sa cơ vì 'đốt' tiền vào các cuộc ăn chơi, Bạch công tử phải bán nhiều đất đai. Rạp hát Huỳnh Kỳ vài lần sang tên đổi chủ rồi trở thành hiệu sách và hiện là một rạp chiếu phim. Một phần vườn tược nay trở thành ngân hàng và nhà dân. Khoảnh đất còn lại đang được bảo tồn làm di tích.
Được xây dựng trong giai đoạn 1925-1926, biệt thự của Bạch công tử trở thành điểm nhấn giữa vùng đất cỏ cây um tùm, cảnh sắc hoang sơ. Bậc thềm trước nhà nguyên bản cao 40 cm. Sau này, sân vườn được nâng lên khiến độ cao của bậc thềm giảm khoảng một nửa.
Đi qua chiến tranh, căn nhà của ông Lê Công Phước chỉ còn giữ được khung nhà chính, toàn bộ cảnh quan bên ngoài và nội thất đều được cải tạo. Hồ nước ngọt không còn nữa. Cây hoa sứ trước nhà nay được thay bằng hồ sen nhỏ. Cây cối xung quanh cũng được trồng lại.
Phần đất sau nhà được trưng dụng làm văn phòng của Phòng Văn hóa - Thể thao Mỹ Tho và Trung tâm Văn hóa Mỹ Tho, cùng hội trường đa năng của thành phố. Một góc vườn sát cổng lớn nay là quán giải khát.
Từng du học Pháp, ông Lê Công Phước chọn xây nhà theo lối kiến trúc châu Âu cổ điển sang trọng, sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống với gạch đinh, gỗ, đá... Bốn cột vuông ở cửa nhà cao năm mét, đầu cột ốp hoa văn đắp nổi. Hệ thống nhiều cửa sổ giúp đón sáng hài hòa. Hai cửa vòm ở trước và sau nhà giúp nhà thoáng mát.
Dù chỉ có một tầng, căn nhà dùng gạch 20 cm (hai lớp gạch), nhờ vậy vững chắc và kiên cố. Trong ảnh, phần màu ghi xám là lớp sơn nguyên bản mịn màng cách đây gần một thế kỷ, phần trắng ngà là lớp sơn được cải tạo cách đây gần 10 năm.
Toàn bộ nội thất trong nhà đều là đồ cổ đầu thế kỷ 20, nhưng là sản phẩm sưu tầm mang tính phục dựng di tích, không phải đồ dùng nguyên bản của gia đình ông Lê Công Phước. Trên bức tường chính giữa nhà là tấm ảnh chân dung của Bạch công tử.
Hai bên tường nhà, bốn bức tranh đối xứng được các chuyên gia của Đại học Kiến trúc TP HCM chỉnh sửa trên nền tranh cũ.
Căn nhà gồm hai gian trước và sau cùng bốn phòng sinh hoạt ở bốn góc. Dự án phục dựng nhà cổ Bạch công tử được khởi động năm 2016, hiện hoàn thành giai đoạn một. Theo kế hoạch, Ban quản lý di tích tỉnh Tiền Giang mong muốn tái hiện những đóng góp của ông Lê Công Phước dành cho nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương Nam Bộ. Quá trình này có nhiều thử thách do ông không có con cái, tư liệu về cuộc đời ông cũng khan hiếm.
Ảnh chân dung NSND Phùng Há được treo trong một căn phòng. Ông Lê Công Phước là người chồng thứ hai của bà.
Thời trẻ yêu thích nghệ thuật cải lương, Bạch công tử đem lòng si mê cô đào Phùng Há. Sau ngày cưới, hai người sinh sống ở căn nhà này. Ông thành lập đoàn hát Huỳnh Kỳ năm 1926 và mở rạp hát cùng tên hai năm sau đó, cho vợ làm bầu gánh. Nhưng tổ ấm của họ chỉ gìn giữ được 7 năm. Sau này ngã bệnh, ông Lê Công Phước được một người quen ở vùng Chợ Gạo, Tiền Giang đón về chăm nom. Ông qua đời năm 1950.
Một căn phòng lưu giữ hình ảnh của gánh hát Huỳnh Kỳ nổi tiếng một thời.
Một gian phòng trưng bày nhạc cụ của đờn ca tài tử và cải lương, gợi nhắc tình yêu của Bạch công tử dành cho môn nghệ thuật này.
Nhà cổ Bạch công tử mở cửa quanh năm, không thu vé tham quan. Riêng dịp Tết Nguyên đán, nơi đây được trang trí tiểu cảnh, là điểm du xuân được lòng bà con địa phương.
Nguồn: [Link nguồn]
Trở về thăm nhà cũ từng được Xuân Bắc, Vân Dung gọi là "Chí Trung gia trang", nam NSƯT không khỏi bất ngờ, xót xa trước khung cảnh hiện tại.