“Lùa gà”

Sự kiện: Đàn ông 8

“Lùa gà” là một thuật ngữ vỉa hè được sử dụng từ mấy thập niên trước, khi đất nước trong thời gian khó. Gà là chỉ người dân  ở quê ra phố, ngơ ngác, lạ nước lạ cái. Càng thật thà tin người lạ thì càng gọi là “gà béo”.

Phường lừa đảo thường thăm hỏi nhau làm ăn thế nào, đã lùa được con gà béo nào chưa? Thời kinh tế thị trường, việc “lùa gà” thể hiện đa dạng, có thể thô bạo như nạn “cơm tù”, tín dụng “đen” và khá mơ hồ, tinh vi trong các sự kiện bán hàng đa cấp hoặc môi trường đầu tư chứng khoán.

Sau một thời gian tạm ngừng vì đại dịch thì hoạt động du lịch đã bắt đầu nhúc nhích trở lại. Du khách cần thông thái, tỉnh táo nếu không muốn bị biến thành “gà béo”.

Trước đây đã từng có tài xế taxi ép khách ngoại quốc trả 980 nghìn đồng dù đồng hồ cước chỉ hiển thị 98 nghìn đồng. Lại có du khách Nhật đi xích lô 1 km phải trả 2,9 triệu đồng. Những thông tin tương tự “thượng đế” bị bắt nạt trên báo là nhiều và kể lại cũng là thừa.

Đọc báo thì thấy các thí dụ chèo kéo, bắt chẹt khách nhan nhản. Nhưng nếu có trải nghiệm trực tiếp thì sẽ đỡ phải mượn thí dụ xa xôi. Có lần chính tác giả bài viết đi xuyên Việt cùng gia đình. Hầu hết các vùng đất đi qua đều cảm nhận được những tình cảm đẹp, chào đón nồng hậu, nhưng cũng có vài cảm giác gợn vặt muốn kể lại.

Khi tới một vùng sơn thủy như mộng thì lại gặp những dịch vụ kiểu chơi khăm. Thí dụ, mua vài hộp dâu tây căng  mọng. Ăn hết lớp chín mọng bên trên thì phát lộ lớp dưới toàn quả méo mó quắt queo “suy dinh dưỡng”. Các hộp tiếp theo cũng được sắp xếp “đội hình” giống hệt hộp đầu tiên. Hóm hỉnh thế chứ lỵ. Câu hỏi đặt ra là tại sao bán hàng cứ phải khôn vặt kiểu này?

Tại một thác nước có một chú ngựa ve vẩy đuôi chờ “thượng đế”. Bên cạnh có kỵ sĩ đội mũ cao bồi tươi cười nghênh tiếp. Người viết bài này muốn cho cháu bé ngồi trên ngựa để chụp ảnh? Kỵ sĩ đồng ý nói 10.000 đồng. Giá thật thân thương. Kỵ sĩ bày tỏ muốn chụp giúp rồi cầm máy ảnh của thượng đế, hào hiệp bấm như súng liên thanh tà roạch toạch toạch… phải can mới chịu dừng. Sau khi chụp xong thì kỵ sĩ xem lại các kiểu ảnh một cách khoái trá như nhiếp ảnh gia rồi báo giá 220.000. Sao thế nhỉ? Kỵ sĩ giải toán. Đó là tiền công chụp ảnh. Kỵ sĩ bấm 22 kiểu thì 10.000 đồng/1 kiểu. Chà! Tính toán như thần. Bây giờ thì “thượng đế” đã biết mình đã biến thành “gà béo”. Sau vài câu thắc mắc qua lại thì thấy các bạn của kỵ sĩ cũng xúm lại trợ oai chứng minh giá đó hợp lý. “Gà béo” biết lôi thôi là hỏng chuyến du xuân bèn trả nhanh để lên đường. Thật là tráng sĩ một đi không trở lại. Số tiền kiểu này không lớn nhưng tạo ra cái gợn vặt khiến cảm xúc rơi tõm xuống suối. Mỗi điểm du lịch có một vài người “khôn” thế này thì làm sao cho khách quay trở lại?

Một người bạn kể rằng cùng người thân đã ăn một bữa tối giá cao trợn mắt tại khu du lịch. Khi hỏi nhà hàng sao các món đều đắt gấp mấy lần giá thông thường thì thanh niên tính tiền hỏi: Tóm lại là có trả tiền không? Khách khảng khái: Không thể chặt chém thế được. Thanh niên nhà hàng nói thẳng không lòng vòng rằng bọn em sống ở đất này được nhờ chặt chém mà anh. Anh thanh toán không thì cứ nói một câu? Các thanh niên nhà hàng xúm quanh yểm trợ. Khách biết mình đã trở thành “gà béo” nhưng vẫn nói cứng rằng tôi vừa làm việc với lãnh đạo ở đây. Nhà hàng khuyên rằng anh nên biết điều. Người của anh đến thì đã muộn rồi. Đàm phán cũng phải có điểm dừng. Cuối cùng thì “gà béo” xác định thân cô thế cô, đành trả đầy đủ và lẩm bẩm sẽ một đi không trở lại. Sống trong môi trường nhiều người “khôn” thì chỉ có nước bỏ của chạy lấy người.

So với nhiều quốc gia thì Việt Nam sở hữu rất nhiều bãi biển rực nắng, tươi đẹp hàng đầu thế giới. Địa hình xứ ta sơn thủy hữu tình, văn hóa xứ mình đa dạng và con người thì nồng hậu. Tiềm năng du lịch đáng để nhiều nước ghen tỵ. Thế nhưng mỗi địa chỉ du lịch chỉ cần vài “con sâu khôn” thì du khách sẽ cạch mặt, thiệt hại chung không thể đo đếm. Giải pháp “trừ sâu” của nhiều nước là dùng cảnh sát du lịch. Gần chúng ta như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… xa hơn như Hàn Quốc, Nepal đều có cảnh sát du lịch và nhiều quốc gia khác đều thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết mọi rắc rối, giúp cho “thượng đế” an tâm không bị bắt nạt.

Với thế mạnh toàn dân bảo vệ an ninh thì mỗi khu du lịch của chúng ta đều có thể duy trì đội ngũ bảo vệ dành riêng cho du khách. Nhân sự dựa vào nguồn tình nguyện từ chính nhân dân địa phương là rất khả thi.

Cần bỏ tật xấu “lùa gà” ngay và luôn. Khôn vặt thì lợi nhỏ hại to. Khôn vừa thôi! Thân thiện thêm tý xem nào!

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Tâm ([Tên nguồn])
Đàn ông 8 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN