Khi mạng xã hội không còn ảo

Sự kiện: Đàn ông 8

Chưa bao giờ chúng ta dùng mạng xã hội một cách nghiêm túc đến vậy: Giờ đây, nó có thể thay mặt cho các mối quan hệ thật, những hành vi xã hội tập thể và tạo ra giá trị gia tăng.

Xã hội diễn cảnh và mạng xã hội

Có một mâu thuẫn nổi tiếng trong cách mà nhiều người trong chúng ta hành xử trực tuyến: Chúng ta biết rằng mình luôn bị theo dõi và có thể phải trả giá đắt trước các công cụ giám sát của Google và Facebook, tuy nhiên, giới hạn của những gì được coi là quá cá nhân, hở hang hoặc tầm thường được chia sẻ lên mạng xã hội sẽ giảm đi từng ngày. Khi đối mặt với vô số những công cụ kỹ thuật số cung cấp sự kết nối và tiện lợi, nhiều người trong chúng ta không thể chống chọi nổi suy nghĩ "cảm xúc cho rằng sự riêng tư là một điều gì đó thật ngu ngốc", như ký giả Gary Shteyngart viết trên The New Yorker vào năm 2013.

Mạng xã hội nói riêng và các nền tảng kỹ thuật số nói chung đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm của chúng ta về sự thân mật hay xấu hổ và chúng đã làm như vậy theo những cách khó đoán, tinh tế.

Giờ đây, các nền tảng mạng xã hội là những thế giới có quyền lực thực sự. Ảnh: Medium

Giờ đây, các nền tảng mạng xã hội là những thế giới có quyền lực thực sự. Ảnh: Medium

Ví dụ, bạn có thể than vãn vì sự thiếu riêng tư, nhưng cũng có thể thường xuyên đánh đổi chúng để đổi lấy sự thuận tiện. Tôi không cần bị buộc phải ghi nhớ xem nhà hàng nào ngon nhất quanh đây nữa: Google Maps đã làm thay điều này, với vị trí chính xác và điểm số đánh giá của nhiều người từng đến địa điểm đó dùng bữa.

Tôi không cần nhớ ngày sinh nhật, hay các kỷ niệm nữa, Facebook sẽ nhắc nhở cho tôi điều đó và luôn dụ tôi đăng một cập nhật để nhắc nhở mọi người rằng mình vẫn tồn tại. Để tận dụng tất cả các ứng dụng này, tất cả những gì tôi phải làm là minh bạch hóa vị trí, thói quen, cảm xúc và niềm tin với máy chủ của một công ty công nghệ bất cứ khi nào họ cần người dùng "khai báo". Tôi chấp nhận một cái giá không nhỏ để "trình diễn" cái tôi trước mọi người.

Trong tác phẩm triết học kinh điển “Xã hội diễn cảnh” (xuất bản năm 1967), triết gia người Pháp Guy Debord đã nói về hiện tượng này, rằng toàn bộ xã hội đã biến thành một diễn cảnh hào nhoáng đúng nghĩa, khi mà xã hội đang dịch chuyển từ "hiện có sang hiện diễn" (having to appearing): Tất cả những gì bạn có sẽ là vô giá trị nếu không phát ra uy tín tức thời ngay từ vẻ bề ngoài và "thực tại cá nhân đều có tính xã hội". Debord nhận ra rằng các cá nhân ngày càng bị bao vây bởi các thế lực xã hội, một nhận xét có tính chất tiên đoán về sự phát triển của mạng xã hội sau này.

Ngày nay, mạng xã hội đã bẻ cong nhiều mô hình trong thế giới thực một cách ngoạn mục. Khoảng cách giữa hiện có và hiện diễn có khả năng là rất lớn: Chỉ với một vài thao tác vuốt màn hình, chúng ta có thể thay đổi diện mạo của mình một cách đáng kể, hoặc chụp đi chụp lại 20 lần một kiểu ảnh cho đến khi nó thực sự đúng với ý chúng ta muốn mọi người nhìn thấy mình. Tất cả những diễn cảnh này đều đang trở thành một thực tại mà chúng ta dần chấp nhận, thậm chí coi nó như điều không thể thiếu trong cuộc sống.

"Bản thân bức ảnh, thậm chí là một bức ảnh được chụp rất nghệ thuật, đã trở nên rẻ tiền và phổ biến (trên mạng xã hội) đến mức không còn giá trị nữa. Nhưng, trải nghiệm được chia sẻ nó thì có và đó là điều mà Facebook khuyến khích chúng ta làm" - cây viết phê bình nghệ thuật Karen Rosenberg viết trên tờ The New York Times vào năm 2012. Mong muốn kết nối và chia sẻ những kỷ niệm của chúng ta chính là điều thúc đẩy các mạng xã hội phát triển.

Tương tác trên mạng xã hội chính là tương tác thật

Một nhân viên truyền thông của một ngân hàng lớn từng kể với tôi câu chuyện về việc mạng xã hội đang trở nên "thật" đến mức nào: Có một hôm cô cần liên lạc với một khách hàng thân thiết của tập đoàn trên Facebook nhưng không thể tìm thấy trong danh sách bạn bè. Cô gọi điện cho anh hỏi và nhận được câu trả lời ngắn gọn: "Có bao giờ tương tác đâu mà bạn bè làm gì".

Trên Facebook, có lẽ bạn không lạ gì chuyện này: Một ngày có một nick nhiều follow tuyên bố "lọc tương tác" những ai trong danh sách bạn bè nhưng không like (thích) hay comment (bình luận); một tài khoản tự dưng chia sẻ rằng mình sẽ chặn (block) hoặc hủy kết bạn (unfriend) với bất kỳ ai ủng hộ/phản đối một ý kiến nhất định; hay một ai đó đổi hình đại diện (avatar) sang màu đen và tất cả mọi người sẽ bình luận chia buồn, như thể có một đám tang thật đang diễn ra và mỗi người mang theo bình luận của mình như một vòng hoa chia buồn thật sự.

Các hành vi trên mạng xã hội cũng có thể tạo ra những sang chấn tâm lý như đời thực. Ảnh: Health Hub

Các hành vi trên mạng xã hội cũng có thể tạo ra những sang chấn tâm lý như đời thực. Ảnh: Health Hub

Các trải nghiệm trên không gian số cũng đang gia tăng nhanh chóng: Một báo cáo vào năm 2019 cho thấy thanh thiếu niên ở Mỹ dành hơn 7 giờ mỗi ngày để nhìn vào màn hình. Chính không gian hay bị coi là ảo này đã tái cơ cấu các thói quen của chúng ta: Hành động đầu tiên sau khi thức dậy của bạn thường là với lấy chiếc điện thoại, không bao giờ rời khỏi nhà mà không mang theo chúng và thường xuyên lướt chúng ngay cả khi đang ở cùng bạn bè, người thân.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, vấn đề mạng xã hội làm nóng nghị trường: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố rằng mạng xã hội có thể là giải pháp dữ liệu cho Việt Nam.

Một nền kinh tế lớn đang được hình thành mạnh mẽ dựa vào tương tác trên mạng: Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 đã tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Hiện, chúng ta có 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến và hành vi mua hàng thường được kích thích bởi những tương tác qua mạng xã hội.

Chưa bao giờ chúng ta quan tâm tới mạng xã hội đến vậy: Giờ đây, nó có thể thay mặt cho các mối quan hệ thật, những hành vi xã hội tập thể và tạo ra giá trị gia tăng. Trên không gian số, một người có thể duy trì các mối quan hệ mà không cần gặp ai cả, thông qua việc thích (like), thả tim và bình luận; bày tỏ ý kiến và tự xuất bản cái tôi cá nhân chỉ bằng nút đăng bài, tạo ra một sự nghiệp đáng kể chỉ bằng việc sáng tạo một danh tính đủ hấp dẫn trên mạng xã hội (một nghề mà giờ chúng ta hay gọi là KOL - Key Opinion Leader). Hãy nhớ lại vụ lừa đảo khó tin của "Anna Bắc Giang": Cô ta đã bắt đầu mồi lửa cho các mối quan hệ chỉ đơn thuần bằng các tương tác trên mạng.

Tất nhiên, bạn có quyền tiếp tục khăng khăng cho rằng những gì đang diễn ra trước mắt như thế chỉ là một phần của "thế giới ảo", nhưng nó vẫn đang tiếp tục xâm lấn hiện thực, mà không quan tâm tới ý kiến chủ quan của bạn. Một đánh giá toàn diện vào năm 2015 cho thấy khoảng 10% người dùng mạng xã hội có triệu chứng nghiện tương đương như chứng nghiện rượu. Họ không thể chịu nổi nếu không thấy mình hiện diện trên môi trường số, và ưu tiên tương tác số nhiều hơn cả đời thực. Các hành vi trên mạng xã hội cũng có thể tạo ra những sang chấn tâm lý như đời thực, bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu, hoặc hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) từ những đợt tấn công, bắt nạt, hay những chiến dịch truyền thông trên mạng.

Đấy có thể là một viễn cảnh không dễ chịu, nhưng bạn cũng có thể xem như một gợi ý nghiêm túc: Giờ đây, cuộc sống số của chúng ta cần được quan tâm không kém gì cuộc đời thật, với những tương tác và hành vi được cân nhắc, suy nghĩ kỹ càng. Một cuộc đời khác mà ta cần phải chăm chút cho các chi tiết đang ngày một thật hơn của nó.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ban Cầm ([Tên nguồn])
Đàn ông 8 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN