Hồng Sơn kể chuyện đi buôn quần áo khi thi đấu nước ngoài
Cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn nhiều lần đi buôn khi cùng CLB, đội tuyển quốc gia sang nước ngoài tập huấn, thi đấu, trong đó không ít lần 'lỗ chổng vó'.
Cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn thời trai trẻ.
Hồng Sơn tiết lộ chuyện đi buôn trong cuốn hồi ký Hồng Sơn công chúa - Quái kiệt sân cỏ trong màu áo lính. Anh cho biết đi buôn từ năm 1992 khi được triệu tập vào đội tuyển miền Bắc đi thi đấu ở Ấn Độ. Cựu tiền vệ Thể Công được sát cánh cùng các tên tuổi thuộc hàng "cây đa cây đề" của bóng đá Việt Nam lúc bấy giờ như Lê Khắc Chính (Đường sắt Việt Nam), Nguyễn Văn Dũng (Nam Định), Phan Công Thìn, Phan Thanh Hùng (Đà Nẵng), Chu Văn Mùi (Hải Phòng) hay Nguyễn Tiến Quang (Sông Lam Nghệ An).
Hồng Sơn không khỏi thắc mắc khi mỗi lần xuống máy bay trong các chuyến sang nước ngoài, những người đàn anh lại nhanh chóng "biến mất". Sau một thời gian quan sát, hỏi han, anh mới biết họ đi mua với các mặt hàng hot thời đó như áo pilot, áo Nato, áo Jacket của Mỹ, quần lót nam 7 màu Thái Lan, áo lót nữ... để mang về Việt Nam bán lại.
Các món hàng này được hội cầu thủ đóng vào những vỏ thùng tivi 15-20 inch và đem bán cho cửa hiệu buôn ở Hàng Ngang, Hàng Đào, lãi khoảng 100-150 USD. Số tiền đó bây giờ không lớn nhưng lúc đó lại rất giá trị, có thể giúp một gia đình cải thiện đời sống.
Thời điểm đó, đội bóng đi nước ngoài được cấp phép hải quan dành cho đoàn công tác. Tiêu chuẩn mỗi cán bộ được mua một cái xe máy đóng thùng mang về. Nếu không mua, họ có thể bán lại giấy hải quan cho người cần mua, ít nhất cũng được 150-300 USD. Cầu thủ nào có vốn mua một chiếc Dream hay Win về bán lại là lãi to.
Dù được các đàn anh đi trước truyền đạt kinh nghiệm, Hồng Sơn không ít lần "lỗ chổng vó" trong những chuyến lần buôn đồ nước ngoài. Một lần sang Thái Lan, thấy loại quần lót đàn ông bảy màu được dân Việt Nam rất ưa chuộng, Hồng Sơn vội vàng vào chợ "vơ lấy vơ để" mang về. Tuy nhiên, khi về nước, anh mới phát hiện đây không phải là hàng nguyên mẫu nên phải bán tháo với giá "như đổ đi".
Hồng Sơn (thứ 4 từ trái qua, hàng đứng) cùng đồng đội trong chuyến tập huấn Trung Quốc năm 1996. Ảnh: Hồi ký Hồng Sơn
Lần thứ hai Hồng Sơn "đánh quả" bị lỗ là chuyến đi thi đấu tại Lào năm 1993 cùng CLB Quân đội. Thấy nhiều người nói rằng bên đó có loại đèn nhấp nháy, đèn xi nhan, phụ tùng xe máy vừa tốt, vừa rẻ, cứ đem về là lãi nên anh quyết gom tiền tiết kiệm và xin thêm mẹ để "đánh quả lớn". Trước khi đi, Hồng Sơn còn đi dò la tin tức ở chợ Trời trên phố Huế và được biết mặt hàng đèn xi nhan đang khan hiếm nên chắc mẩm chuyến này sẽ "thắng to". Sang đến nơi, anh cấp tập đánh hai thùng hàng đầy ắp bóng đèn về. Tuy nhiên, loại đèn Hồng Sơn đem về không đúng chủng loại nên dân buôn ở phố Huế đều lắc đầu khi anh đến chào hàng.
"Đêm đó, tôi thấm thía một điều mà người ta hay nói: kinh nghiệm và sự hiểu biết là thứ phải mua bằng tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Chúng tôi hệt như những thanh niên mới lớn, hùng hổ lao vào thương trường như kiểu binh nhất phóng mình ra chiến trường đầy rẫy bom đạn, súng cối nhưng lại chỉ có dao găm. 'Chết' là hợp lô-gíc lắm", Hồng Sơn nói về chuyến đánh hàng thất bại ở Lào.
Dù vậy, Hồng Sơn vẫn không nguôi ý định làm giàu từ việc đi buôn. Năm 1993, CLB Quân đội có chuyến giao đấu ở Lạng Sơn, vùng cửa khẩu biên giới rất sầm uất thời bấy giờ. Thấy đàn anh Đoàn Tuấn mua 4-5 bao tải bia quả táo, loại đồ uống được dân Hà Nội rất ưa chuộng, Hồng Sơn năn nỉ xin được chung vốn và được miễn cưỡng chấp thuận. Dọc đường về, do đường ghập ghènh, các bao tải bia để chồng lên nhau ở cuối xe, nhiều chai bị vỡ, một số bật lắp khiến Hồng Sơn và đồng đội phải vội vàng lấy ra uống cho đỡ phí.
"Sau những lần như thế tôi cũng khôn ra, không phải ai nói gì cũng buôn, ai nói gì cũng nghĩ dễ rồi lao vào như thiêu thân làm tù mù. Cái chính là tôi phải chuyên tâm vào tập luyện, thi đấu thật tốt để còn tích tiền đi buôn", Hồng Sơn kết lại câu chuyện về việc đi buôn trong cuốn hồi ký Hồng Sơn công chúa - Quái kiệt sân cỏ trong màu áo lính.
Cựu danh thủ Hồng Sơn: “Người giỏi là người biết điều chỉnh, uốn nắn dù là ngôi sao hay thế hệ trẻ vào tập thể”
Nguồn: [Link nguồn]