Hà Nội không vội thật ư?

Sự kiện: Sành - Ăn - Chơi

Mùa thu, tháng Mười, thực sự là quá lý tưởng khi được cơ quan cho "hành hương" trở về xứ Bắc, về Hà Nội. Sau hai đêm tưng bừng say men với đồng nghiệp, ngày cuối cùng ở Hà Nội đúng nghĩa phải là ngày để… ăn vặt.

Và bỏ qua mọi gợi ý của nhiều "đồng đội" trong nhóm facebook có tên "Giai nhân" (tức "Dân nhai"), tôi vẫn lọ mọ quanh phố cổ, với những quán ăn cũ, từ thuở tôi còn niên thiếu. Nó không còn là nhu cầu ăn ngon nữa mà là một nhu cầu khác, như chính một tạp bút tôi từng viết và sau này là tên một cuốn sách của tôi: Ăn nỗi nhớ. Đúng, tôi muốn nhấm nháp lại ký ức ấu thơ, niên thiếu, thanh xuân khi cảm nhận mình thực sự đã già.

Từ khách sạn ở Lý Thái Tổ, tôi thả bộ đi dọc phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng tìm về Đinh Liệt. Đúng hôm cuối tuần, thứ Bảy, phố đi bộ rộn ràng. Đinh Liệt, nơi có hàng mì vằn thắn của bao nhiêu năm trước. Từ khi chưa lên máy bay ở TP Hồ Chí Minh tôi đã nghĩ đến chuyện phải ăn mì vằn thắn ở đây. Mì hoành thánh xá xíu thì ở Sài thành đầy rẫy ra, và lại còn ngon nữa. Nào là Hưng ký mì gia, Lương ký mì gia, Thiêm Huy, Nguyên Lợi, Thiên Thiên…, ở Sài thành muốn ăn mì hoành thánh xá xíu có khi còn dễ hơn muốn ăn phở ở Hà Nội. Nhưng chưa bao giờ tôi ăn được tô mì nào mang cái thần thái, phong vị của tiệm mì ở đường Đinh Liệt.

Hà Nội không vội thật ư? - 1

Nhớ những sáng chủ nhật ngày còn học cấp 3, nhất là những hôm mùa đông, tôi thường dậy sớm chạy lên Đinh Liệt ăn tô mì, rồi sau đó ghé Hàng Bông hoặc Nguyễn Hữu Huân nhâm nhi cà phê hút thuốc trộm. Cái vị ấy ăn sâu vào tiềm thức đến mức bước chân vào Nam vẫn không cách nào phai nhạt nổi dẫu cho mì, hủ tíu ở xứ này chẳng thể thay thế nổi. Không ít lần tự hỏi, cũng là một món ăn người Tàu mang qua, tại sao mì vằn thắn Hà Nội lại khác mì hoành thánh trong Nam? Hay là người Tàu ở miền Bắc có khác người Tàu ở trong này?

Nhẩn nha nghĩ chân cũng đã dừng trước tiệm mì cũ. Quán đông chật người, không còn một ghế trống. Thấy hai ba khách cũng đứng đợi như mình, mà vỉa hè thì lại chật chội, tôi tần ngần một lúc rồi cũng quyết định rảo bước đi. Thôi thì hoặc là tối quay lại sau, hoặc coi như lần nữa lỡ hẹn. "Hà Nội không vội được đâu" mà. Tại sao mình phải vội. Đứng nắng xếp hàng chờ một tô mì, hỏng hết cả mùa thu.

Tôi xuôi Hàng Gai đi về phía Lý Quốc Sư. Nhớ đến hàng bún gà lề đường Chân Cầm, tôi  bỏ lại ký ức mì vằn thắn sau lưng. Tiệm bún gà ấy tôi vẫn ăn mỗi lần về lại Hà Nội. Và lần về này, tôi vẫn chưa ghé lại. Âu là ghé lại lúc này cũng hợp cảnh, hợp tình.

Quán đông, nhưng còn chỗ ngồi. Tôi lựa một góc nhỏ kêu một tô đầy đủ. Bên cạnh, một cô gái điệu đà cũng vừa ngồi xuống. Nàng gọi "mọc, đùi, trứng non" bằng chất giọng thỏ thẻ mềm mại của người Hà Nội. Chủ quán đông khách nên làm luôn tay. Và đúng như tôi hình dung trước, cả tôi và nàng đã bị bỏ quên vì cái đông đúc, bận rộn ấy. Nhưng điều đó thì có hề hấn gì. Hà Nội không vội được mà. Kiểu gì bà ấy lại chẳng phải quay ra hỏi lại lần nữa. Y như rằng. "Cô cậu ăn gì gọi đi", giọng bà phục vụ lanh lảnh. Gọi lại từ đầu, một đầy đủ, một "mọc, đùi, trứng non". Một nốt nhạc tô bún nóng hổi đã xuất hiện trước mặt.   Ngon, vẫn cái ngon cũ. Ngọt và thơm.

"Cô ơi, miếng này chưa chín nhé", cô gái bên cạnh gắp một miếng mọc cắn dở bỏ ra miếng khăn giấy nói nhẹ nhàng với bà chủ. "Cô rút kinh nghiệm. Không sao đâu", cô gái nói thêm và vẫn tiếp tục thi công nốt tô bún của mình. Tôi cũng kết thúc tô bún, tính tiền, đứng dậy bước đi và nghĩ vẩn vơ. Bao năm nay mình ăn ở đây, chưa bao giờ thấy tiệm mắc lỗi này. Hay bởi giờ ngày càng đông khách, nên chủ quán vội vàng mà sơ sểnh chăng?

Hà Nội không vội thật ư? - 2

Chưa đủ no, tôi rảo bước ra Hàng Mành, quyết ăn thêm phần bún chả. Bún chả ở Hà Nội bây giờ nhiều tiệm ngon, Hàng Mành thật ra chỉ còn được cái tiếng, và phục vụ khách du lịch là chính. Ở đó có 2 tiệm bún chả, tên khác nhau nhưng đều dương danh "số 1 Hàng Mành". Điều đó khiến tôi bật cười. "Số 1 mà không phải là số 1" đúng là điều đủ để nhận xét về hai tiệm bún chả này. Họ có phải là số 1 hay không? Ở Hà Nội, họ chắc chắn không phải là số 1 rồi. Và nếu họ là số 1 thì phi lý quá bởi không lẽ lại có hai số 1 cùng tồn tại, giống như kiểu nhiều người vẫn lỡ mồm nói "chỉ có 3 cái duy nhất" vậy. Và hơn hết, hai tiệm ấy chỉ có đúng 1 tiệm ở căn nhà số 1 thôi, nên nói số 1 mà không phải số 1 là vậy. Lằng nhằng thật.

Đường Hàng Mành nhỏ, Hàng Nón cắt ngang cũng nhỏ. Và ngồi ăn bún chả ở đây, tôi đã được chứng kiến đúng cái gọi là đặc sản Hà Nội hiện đại: tắc đường. Xe cộ dồn vào, len kín con phố, người cầm lái sốt  ruột bấm còi inh ỏi. Ăn được suất bún chắc váng hết cả óc mất thôi.

Rồi sực nhớ lại những lần kẹt xe mới trải qua hai hôm rồi ở Hà Nội, tôi càng hoảng. Hà Nội còn là nơi đáng sống không khi mà kẹt xe đã trở thành thường xuyên, không cần ngày thường và giờ tan tầm mà kể cả cuối tuần thảnh thơi cũng vẫn kẹt. Và tôi nhớ tới câu chuyện với cậu bạn cũ cách đây chưa lâu. Chả là con trai nó mới vào đại học, bố mẹ thưởng cho cái xe hơi đi học cho đỡ mưa nắng. Con nhà giàu có khác. Nhưng tôi thấy thực sự là hơi quá đà. Tôi thắc mắc đại ý nhà 3 người mà có 3 xe hơi thì phí phạm quá. Cậu bạn thản nhiên trả lời, "Xe cho thằng cu là vì hứa với nó rồi nên giữ lời. Còn vợ chồng tao mỗi đứa một xe, đỡ phụ thuộc, tao đi đâu việc của tao, vợ không phải thắc mắc".

Tất nhiên, Hà Nội không có mấy gia đình cả nhà mỗi người mỗi xe hơi như bạn tôi, nhưng kiểu gia đình hai vợ chồng mỗi người một xe chắc cũng không ít. Rồi cả đội ngũ xe gắn máy, xe đạp điện hùng hậu nữa. Dân lại ngày một đông hơn, bảo sao không kẹt xe. Nhưng cái lạ là cách đi xe ở Hà Nội thì rất khác. Chen, lấn, cắt đầu, lách, vượt đèn, leo lề, ngược chiều… đủ cả. Nhìn cách họ đi xe, có cảm giác người Hà Nội tất bật lắm, nhiều công chuyện phải làm lắm. Ấy thế mà cứ động tới việc, nhất là việc công, y như rằng họ rất  lề mề. Nếu có thắc mắc, họ tất sẽ đáp, "Hà Nội không vội được đâu" một cách ráo hoảnh.

Hà Nội không vội thật ư? - 3

Suất bún chả của tôi thật ra cũng vội. Nó gần như được ném lên bàn chứ không phải được đặt một cách nghiêm cẩn sợ nước mắm sẽ sánh ra ngoài. Đĩa rau nhìn cũng ẩu, với những vết rau đen đen do dính bẩn vẫn còn. Ừ thì đồng ý là cơm đường cháo chợ nó thế nhưng đã dương danh số 1 và lại còn tiếp nhiều du khách mà còn vội đến thế thì cũng xin vái cả nón. Tiện ở phố Hàng Nón mà, vái cả nón là đúng rồi.

Chiều hay tối có nên quay lại Đinh Liệt ăn mì vằn thắn không nhỉ? Tôi sợ cái vội nào đó của người Hà Nội hôm nay sẽ làm tổn thương chút ký ức ẩm thực cuối cùng của mình. Tôi nhớ nao lòng cái cảnh những ngày xưa, quán ăn ở Hà Nội không quá đông đúc và ồn ào, người Hà Nội đúng nghĩa đủng đỉnh cho một phần quà sáng hay bữa xế ban chiều. Cái đủng đỉnh ấy mới giúp họ có thời gian nhấm nháp, và thưởng lãm kỳ vị của xứ kinh kỳ.

Hà Nội không vội được đâu hay là Hà Nội không vội thật ư? Chậm lại một chút được không, những người Hà Nội mới???

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Quang Minh ([Tên nguồn])
Sành - Ăn - Chơi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN