Điều kỳ dị sau dịch vụ đàn ông cho thuê chính mình nở rộ ở châu Á
Đây là dịch vụ đang ngày một phát triển mạnh mẽ ở châu Á, đáp ứng được nhu cầu bức thiết của xã hội hiện nay.
Đã bao giờ bạn nghĩ sẽ dùng bản thân mình để cho người khác thuê lại hay chưa? Trên thực tế, dịch vụ "đàn ông cho thuê chính mình" đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở một số nước châu Á, mang lại nhiều ý nghĩa.
"Rent a man" bắt nguồn từ Nhật Bản. Đây dịch vụ tính phí, nơi những người đàn ông lạ mặt sẵn sàng phục vụ các khách hàng để cùng nhau trò chuyện, tâm sự, đi hát hay chỉ đơn giản là ngồi lắng nghe và không làm bất cứ điều gì khác.
Theo SCMP, dịch vụ nghe có vẻ kỳ lạ này đang phát triển rộng rãi sang nhiều khu vực khác, trở nên phổ biến tại Hong Kong thời gian gần đây. Từ những chàng trai 20-30 tuổi cho đến đàn ông trung niên đã bắt đầu quảng bá về dịch vụ trên Internet nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng sau đại dịch Covid-19.
Nhiều người đàn ông tự cho thuê bản thân để giao lưu và tâm sự, giúp đỡ người lạ.
Dịch vụ có 1-0-2
Anh Fio (27 tuổi, Hong Kong), người tư vấn thực phẩm và đồ uống, đã thành lập một trang Facebook để tự cho thuê chính mình. Chỉ trong thời gian ngắn, anh đã nhận được 3 tin nhắn đến từ 3 khách hàng. Một người là nhân viên văn phòng vừa mới chia tay bạn trai yêu cầu anh đưa cô đi làm hàng ngày.
Một người khác là sinh viên thể thao muốn Fio quan sát buổi tập của cô ở trường đại học. Người còn lại là bà nội trợ rất cần người nhận xét về những món ăn cô dự định nấu cho lễ kỷ niệm ngày cưới của mình. Người đàn ông chia sẻ: "Tôi thực sự thích nghe những câu chuyện mà mọi người kể. Tôi rất hứng thú và muốn liên lạc với nhiều kiểu người khác nhau để biết xem họ đang nghĩ gì".
Lip (45 tuổi), một nhiếp ảnh gia tự do đã trải qua hai lần kết hôn, bắt đầu công việc cùng lúc với Fio. Trên mạng xã hội, anh tự gọi mình là "Hong Kong Ossan Rental", trong đó "ossan" là từ dùng để chỉ một người đàn ông lớn tuổi trong tiếng Nhật.
"Trong những giai đoạn khó khăn, nhất là hậu Covid-19, tôi nhận ra rằng mọi người cần sự đồng cảm, chia sẻ và động viên nhau để vượt qua và sống tiếp", Lip nói.
Nhiều người đang cảm thấy cô đơn và có nhu cầu cần người lắng nghe, tâm sự.
Ông bố 4 con từng chật vật để cứu vãn cuộc hôn nhân thứ hai, đã cởi mở khi nói về khó khăn tài chính và nỗi đau buồn sau sự ra đi của mẹ mình. Ba người phụ nữ gặp rắc rối với chồng hoặc bạn trai đã tìm đến Lip để trút bầu tâm sự và tìm kiếm lời khuyên nhằm giúp hóa giải những khúc mắc ở trong lòng. "Tôi nói với họ rằng mình không phải người tư vấn chuyên nghiệp, chỉ có thể dùng bữa chung và trò chuyện cùng với họ", người đàn ông cho hay.
Nhưng bằng câu chuyện và kinh nghiệm cá nhân đã trải qua, đặc biệt trong hôn nhân, nuôi dạy con cái, Lip có thể đồng cảm với khách hàng của mình. Người đàn ông chia sẻ: "Con cái thực sự là chìa khóa để hòa giải. Tôi không muốn các cặp vợ chồng ly hôn, nhất là khi họ đã có con".
Trở thành một xu hướng
Dịch vụ cho thuê đàn ông ở Nhật đã xuất hiện từ vài năm nay, trở thành chủ đề của các bộ phim truyền hình ăn khách. Những người đàn ông trong độ tuổi 30-50 tự cho thuê chính mình với mức giá 90 USD (2,1 triệu đồng)/buổi hoặc 10 USD (hơn 200.000 đồng)/giờ.
Một người đàn ông Nhật Bản chia sẻ với tờ SCMP rằng anh có khoảng 4.000 khách hàng, gồm cả nam và nữ, kể từ năm 2018 và đã nhận được hơn 10.000 yêu cầu trong suốt thời gian làm nghề. Xu hướng này hiện có thể tìm thấy tại các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia.
Fio và Lip được cho là những người đầu tiên cung cấp dịch vụ ở Hong Kong. Trong khi đó, những người trẻ hơn như Ryszard Yeung, Joseph Lui và Olivia Arakawa, tất cả đều ở độ tuổi 20, tin rằng lĩnh vực này có nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai. Họ thiết lập một cổng thông tin trực tuyến đặt tên là Puddy, để kết nối những người đàn ông cho thuê chính mình với khách hàng tại Hong Kong.
Dịch vụ này rất có tiềm năng phát triển trong thế giới mà con người đang quá phụ thuộc vào công nghệ điện tử, ít sự tương tác, giao lưu.
"Chúng tôi nhận thấy rằng ở Hong Kong, có rất nhiều người cần bạn đồng hành và một đôi tai biết lắng nghe. Nhiều người sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ này. Có cả thị trường lẫn nhà cung cấp, tại sao chúng ta không kết nối họ với nhau?", Yeung (24 tuổi) nói.
Yeung cho rằng ngày nay, những tương tác vật lý đang dần bị bỏ quên, ngay cả trong những mối quan hệ thân thiết, vì mọi người giao tiếp chủ yếu với nhau qua điện thoại thông minh. "Mạng xã hội không thể cung cấp một người thật ở bên chúng ta. Và đó mới là thứ thiết yếu trong tương tác giữa con người với nhau", anh nói.
Trong số những người đã đăng ký của Puddy hiện có huấn luyện viên sức khỏe và diễn viên hài Kinder Lam (39 tuổi). Lam nói rằng anh hy vọng được chia sẻ những câu chuyện cười của mình và giúp khách hàng khuây khỏa nỗi buồn, cảm thấy hạnh phúc hơn. "Đôi khi bạn muốn nói chuyện với ai đó nhưng lại lo lắng rằng họ có thể kể với người khác. Vì vậy tâm sự với người lạ trở nên dễ dàng và thoải mái hơn", Lam nói.
Phó giáo sư Katrien Jacobs, thuộc khoa nghiên cứu văn hóa và tôn giáo của Đại học Trung Quốc, không ngạc nhiên khi dịch vụ thuê người người lạ phổ biến ở Hong Kong.
"Tôi nghĩ điều đó có nghĩa là mọi người đang rất cô đơn và có nhu cầu cần tìm bạn. Chúng ta đang phải trải qua thời kỳ khó khăn về mặt cảm xúc, nhưng có đủ phương tiện vật chất để thuê các dịch vụ chuyên biệt", bà nói.
Việc thuê những căn hộ không có phòng tắm để sinh sống đang là việc khá phổ biến ở Nhật Bản.
Nguồn: [Link nguồn]