9X Nghệ An "hồi sinh" xác động vật trăm triệu: Thu nhập có "khủng" như lời đồn?
Hoàng Anh quan điểm đây là nghệ thuật hồi sinh, giữ lại nét đẹp của con vật sau khi chết.
Trần Kim Hoàng Anh (sinh năm 1999, quê Nghệ An) theo học chuyên ngành bác sỹ thú y nhưng đam mê bộ môn tiêu bản nghệ thuật. Với khả năng làm "sống dậy" xác động vật một cách sống động, chân thực, gen Z được nhiều người tìm đến, sẵn sàng chi từ hàng triệu đến chục triệu đồng để được anh "hồi sinh" thú cưng. Với nhiều năm kinh nghiệm làm nghề, chàng trai 24 tuổi đang sở hữu nhiều tiêu bản các loài chim quý như: Chim công, thiên nga, đại bàng,… Và nhiều loại thú nuôi khác.
Tiêu bản đại bàng rừng châu Phi và Mèo Savannah
- Đâu là tiêu bản đắt tiền nhất mà anh đã từng hồi sinh?
Đó là chú đại bàng rừng châu Phi (Crow Eagle) được một vị đại gia Hà Thành nhập khẩu về trị giá 500 triệu và chú mèo Savannah nhập khẩu ở Nga trị giá 200 triệu.
- Bình thường, giá tiêu bản động vật của anh làm giao động khoảng bao nhiêu?
Giá thành của mỗi tiêu bản được tính theo kích thước, độ tỉ mỉ và độ khó của từng loài khi làm. Khi nhìn vào, nhiều người sẽ nghĩ đơn giản là lột ra rồi nhồi bông vào, vẽ thêm chi tiết là xong nhưng thực tế phải làm tận 20-30 bước mới xong một sản phẩm. Ví dụ như khi lột da thì phải loại bỏ hết sạch mỡ để không bị bết lông, tẩy sạch mỡ dính trên lông, xả mượt lông,... Khi tạo các bộ phận trên cơ thể như mắt, chân,... thì phải đúng với kích thước ban đầu của con vật.
Giá làm chim nhỏ như hút mật, vành khuyên, chào mào trung bình từ 1-1,5 triệu đồng. Kích thước lớn hơn thì giá thành sẽ cao hơn, lên đến hàng chục triệu đồng cũng có.
Hoàng Anh sở hữu tiêu bản của nhiều loài động vật khác nhau
- Nhiều người khi nghe anh tiết lộ giá tiền cho mỗi tiêu bản lên đến hàng chục triệu đồng sẽ nghĩ nghề này “dễ kiếm tiền”. Điều này có đúng không?
Theo tôi, đó chỉ là suy nghĩ của người ngoài cuộc khi nhìn thấy những thành quả mà tôi chia sẻ chứ thực tế nghề này không dễ kiếm tiền đâu. Thứ nhất, mình không chủ động được đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Vì tôi làm 100% là từ các con vật đã chết. Nếu có động vật chết thì phải là những gia đình thực sự yêu thương thú cưng, và cũng phải khá giả một chút thì mới gửi gắm cho tôi để được tiếp tục sờ ngắm con vật của mình dù nó đã qua đời.
Hơn nữa, ngoài kiến thức về tiêu bản (trên sách báo, tự tìm hiểu) thì tôi còn phải tìm hiểu và nắm rõ các cấu trúc cơ thể của tất cả các loài, để khi tạo dáng, làm lại thì mới đúng với kích thước và cấu trúc xương của con vật như lúc nó còn sống. Còn như loài chim thì cần phải biết được thứ tự từng sợi lông để sắp xếp thật ngăn nắp và đúng chỗ. Thế nên, nói tôi làm nghề này vì đam mê thì đúng hơn. Không mê không làm nổi đâu (cười).
- Đam mê này mang lại cho anh thu nhập 1 tháng khoảng bao nhiêu tiền?
Thu nhập nghề này cũng bấp bênh lắm, vì nó còn phụ thuộc vào nguồn hàng, nhu cầu của khách hàng chứ tôi không thể chủ động như các ngành khác được. Hiện tại, có tháng thu nhập của tôi giao động khoảng 10-30 triệu đồng nhưng cũng có tháng tôi chỉ kiếm được 5 triệu đồng.
Không những có tay nghề cao, Hoàng Anh còn nhận được sự đánh giá cao ở khách hàng nhở sự tỉ mỉ, tâm huyết dành cho từng sản phẩm
- Theo anh, đâu là yếu tố đánh giá một tiêu bản được hồi sinh đúng nghĩa?
Tiêu bản được hồi sinh đúng nghĩa là làm trên chính những con vật bị bệnh, ốm yếu qua đời. Nhiều người cứ nghĩ mình sát sinh mới có được nhiều hàng để làm đến vậy nhưng họ không biết mình liên hệ các trang trại, các tiệm chim cảnh trên khắp cả nước để thu mua lại những con vật bệnh tật qua đời, họ bỏ đi thì rất tội và lãng phí. Từ Bắc Giang vào tận Bến Tre thậm chí có vị khách từ Cà Mau đều gửi cho mình nhờ hồi sinh.
- Anh có đặt ra quy tắc nào khi nhận làm tiêu bản động vật từ khách hàng?
Tôi có hai quy tắc. Thứ nhất, tiêu bản của tôi phải được làm từ những con vật đã qua đời. Thứ hai là con vật đó hoàn toàn không nằm trong sách đỏ, danh mục cấm hoặc có giấy tờ đầy đủ.
- Có kỷ niệm nào đặc biệt nào khi làm tiêu bản động vật mà anh muốn chia sẻ?
Khi gắn bó với công việc này, tôi có cơ hội chứng kiến nhiều câu chuyện đẹp về tình yêu thương giữa con người và loài vật. Trong đó, có 1 kỷ niệm khiến tôi nhớ nhất đó là có một bạn trẻ ở Hà Nội nuôi một bé cú mini, sau nó bị bệnh không qua khỏi. Bạn ấy đã liên hệ tôi nhờ làm tiêu bản chú cú đó. Tôi nhận với giá 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, lúc tôi làm xong, trả hàng cho bạn thì bạn mới nhắn xin tôi được trả góp trong vòng 1-2 năm, lúc nào trả đủ tiền bạn sẽ đón bé về. Khi tôi hỏi thêm thì mới biết bạn ấy còn là học sinh nên tôi đã không lấy tiền và quyết định kỷ niệm luôn cho bạn ấy.
Hoàng Anh cho biết rất đam mê nghề làm tiêu bản, luôn nỗ lực học tập, nâng cao tay nghề
- Trong tương lai, anh định hướng phát triển công việc này như thế nào?
Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi công việc này, cố gắng để làm các sản phẩm tốt hơn và mở một phòng trưng bày lớn giống như các bảo tàng thiên nhiên.
Tôi cũng hi vọng Việt Nam mình sẽ sớm đón nhận nghề này. Nghề làm tiêu bản động vật sẽ được mọi người biết đến nhiều hơn. Từ đó, được mở các triển lãm, cuộc thi như ở nước ngoài. Để những người có đam mê như tôi được thỏa mãn với nghề!
Nam diễn viên Lê Anh Tôn đã góp mặt trong 40 phim điện ảnh, truyền hình Hàn Quốc và hàng loạt chương trình giải trí khác.
Nguồn: [Link nguồn]