Bức ảnh chỉ ra thực trạng đáng lo ngại của đàn ông Nhật Bản, gây nhức nhối suốt thời gian dài
Ở Nhật Bản, sẽ không khó bắt gặp những người đàn ông tranh thủ ngủ mọi lúc mọi nơi từ tàu điện ngầm, trạm xe buýt thậm chí là trên vỉa hè. Đây là một hiện tượng xã hội đầy nhức nhối tồn tại từ lâu.
Một nam phóng viên 40 tuổi của hãng tin NHK đã tử vong vào tháng 10/2019 sau khi dẫn đầu một nhóm phóng viên đưa tin sự kiện quan trọng diễn ra ở Tokyo. Trước đó, một phóng viên tại hãng tin này cũng đã tử vong năm 2013 do làm việc quá sức.
Có một thực tế đáng buồn rằng đây không phải là những trường hợp hi hữu, Nhật Bản đang phải đối mặt với một căn bệnh xã hội có tên gọi là "karoshi" (làm việc kiệt sức đến chết), cho thấy mặt trái đằng sau một nền kinh tế phát triển.
Những con số biết nói
Hình ảnh những người đàn ông ngủ gục trên vỉa hè hay ở nơi công cộng vì mệt mỏi, kiệt sức đã trở nên quá quen thuộc ở xứ sở mặt trời mọc này. Báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy trong số hơn 8.900 công ty tăng ca nhiều từ tháng 4/2020 đến tháng 5/2021, có đến gần 3.000 công ty đã phá vỡ giới hạn làm thêm 80 giờ/tháng.
Hình ảnh người đàn ông Nhật Bản kiệt sức ngủ gục ở bất kỳ nơi đâu đã trở nên quá quen thuộc.
Nhật Bản chính thức áp dụng tuần làm việc 40 giờ từ năm 1987 và bất cứ điều gì vượt qua khoảng thời gian đó được tính là "làm việc thêm giờ". Hiện nay, nhiều công ty đã tăng gấp đôi số giờ làm này. Sức người luôn có hạn và khi bạn làm việc như một cái máy mà không được bảo dưỡng, nghỉ ngơi thì chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Nạn nhân của karoshi thường là những người đàn ông trung niên làm công việc văn phòng. Ngoài làm việc quá sức, người lao động Nhật Bản thường không nghỉ đủ thời gian. Số liệu thống kê chính thức của Bộ cho thấy người lao động Nhật Bản chỉ nghỉ trung bình 52,4% số ngày nghỉ được trả lương mà họ được hưởng trong năm 2018.
Nỗi đau người ở lại
Nhiều người lao động nhận thấy bản thân có vấn đề sức khỏe nhưng họ lại không chịu đi khám cụ thể vì nhiều lý do khác nhau dẫn đến những hậu quả đau lòng.
Một trong những nghề nghiệp thường xảy ra hiện tượng "karoshi" đó là làm giáo viên. Trong những dòng nhật ký cuối cùng, thầy giáo Yoshio Kudo bày tỏ sự mệt mỏi, chán chường khi phải bắt đầu làm việc từ rất sớm và có thể kéo dài đến tận nửa đêm. Sau đó, thầy giáo này tử vong vì làm việc quá sức.
Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2018, cho thấy giáo viên trung học Nhật Bản làm việc 56 giờ/tuần, trong khi mức trung bình ở hầu hết các nước phát triển là 38 giờ/tuần. Nhưng con số này chưa tính cả giờ làm thêm.
Làm việc quá sức ở Nhật Bản đã gây ra những hậu quả nặng nề.
Một cuộc thăm dò của một tổ chức liên kết với công đoàn cho thấy các giáo viên làm thêm trung bình 123 giờ mỗi tháng. Thầy giáo Yoshio Kudo đã qua đời vì xuất huyết não ở tuổi 40.
Trong tang lễ của người xấu số, người vợ đã bật khóc nức nở chia sẻ rằng: "Anh ấy rất thích công việc dạy học. Trong những ngày cuối đời, chồng tôi đã phải vật lộn với khối lượng công việc khổng lồ".
Nỗi đau đối với người ở lại là không thể đong đếm hay tìm cách vơi đi được.
Giải pháp nào mới hữu hiệu?
Scott North, giáo sư danh dự về xã hội học tại Đại học Osaka, người đã nghiên cứu về karoshi trong 30 năm, cho biết: "Trong mọi trường hợp karoshi, đa phần họ không được xác định số giờ làm thêm thực tế một cách chính xác. Việc trả tiền lương làm thêm giờ cũng bị hạn chế. Mỗi cá nhân phải nhận thức được rằng bạn đang chết chìm trong công việc. Hãy tự bảo vệ mình".
David Hudgins, đến từ Đại học Texas A&M cho rằng giải pháp hiện nay đến từ chính những nơi làm việc và các nhân viên chứ không phải các quy định hiện hành: "Công ty cần xem những người lao động là tài sản mà họ cần bảo vệ. Theo khía cạnh nào đó, karoshi hoàn toàn có thể tránh được".
Chính quyền Nhật Bản đã cố gắng hạn chế áp lực làm thêm giờ bằng các chính sách như yêu cầu người sử dụng lao động chỉ định ngày nghỉ cho những người không sử dụng ngày phép hoặc cho phép nhân viên rời công sở vào lúc 3h chiều vào mỗi thứ 6 cuối cùng của tháng.
Nguồn: [Link nguồn]
Nơi đây tồn tại một số quy tắc khác biệt so với xã hội hiện đại nên đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.