Ai đúc ngai vàng cho Đàm Vĩnh Hưng?
Việc Đàm Vĩnh Hưng tuyên bố làm phim về cuộc đời tạo được hiệu ứng truyền thông nhất định. Nhưng gây tranh cãi nhất chính là danh xưng “The King” mà anh luôn tự đặt.
Sau thời gian dài im ắng, Đàm Vĩnh Hưng bất ngờ gây chú ý khi tuyên bố thực hiện phim điện ảnh về cuộc đời mình mang tên Hào quang rực rỡ - The King. Theo nam ca sĩ, đây không phải phim tiểu sử (biographical) thông thường mà sẽ được “thêm mắm dặm muối” để tạo thành một câu chuyện kịch tính, thu hút khán giả.
Chưa bàn đến nội dung ra sao, dự án lập tức gây ồn ào vì những lùm xùm bên lề, điển hình chuyện Hương Giang chen ngang thảm đỏ, chuyện Lệ Quyên và tình trẻ, hay Trấn Thành khóc trên sân khấu.
Không những vậy, nhan đề phim cũng khá khiêu khích. Ngoài cụm từ "hào quang rực rỡ", danh xưng "The King" (Ông hoàng) là điều khiến nhiều khán giả thắc mắc, tự hỏi Đàm Vĩnh Hưng đã cống hiến được những gì để được tôn lên hàng “vua chúa”?
Khi tuyên bố ra mắt phim, Đàm Vĩnh Hưng lại tiếp tục gây ồn ào. Làm phim ăn theo trào lưu?
Làm phim tiểu sử (biographical) không phải là chuyện lạ trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, các dự án thuộc thể loại này chỉ bắt đầu nở rộ kể từ sau thành công của Em và Trịnh (2022). Kịch bản lấy cảm hứng từ cuộc đời cố nghệ Trịnh Công Sơn, nhưng không hoàn toàn đúng sự thật mà được biên kịch “xào nấu” thành 2 bộ phim: Em và Trịnh dài 136 phút và Trịnh Công Sơn dài 95 phút.
Kết quả, Trịnh Công Sơn nhanh chóng rút rạp vì ế ẩm còn Em và Trịnh đứng đầu danh sách phim Việt ăn khách nhất năm 2022 với hơn 97 tỷ đồng – theo số liệu từ Box Office Vietnam (đơn vị thống kê doanh thu phòng vé độc lập).
Sau khi Em và Trịnh tạo cơn sốt, giới làm phim cũng bắt đầu xôn xao với các dự án phim dựa trên nhân vật có thật.
Nổi bật gần nhất có Chị chị em em 2 (Vũ Ngọc Đãng đạo diễn) lấy cảm hứng từ 2 người đẹp thời xưa Ba Trà, Tư Nhị. Phim vừa ra mắt và thắng lớn dịp Tết 2023, thu hơn 100 tỷ đồng dù chất lượng không quá xuất sắc.
Sắp tới, điện ảnh Việt sẽ còn cho ra mắt một số các dự án khác. Điển hình là Công Tử Bạc Liêu (Lý Minh Thắng đạo diễn) kể về chuyện đời Trần Trinh Huy – thiếu gia giàu có nổi tiếng miền Nam những năm đầu thế kỷ 20. Hay Người đẹp Tây Đô kể về Bạch Cúc – nhân vật được lấy cảm hứng từ chiến sĩ tình báo Lâm Thị Phấn.
Do đó, việc Đàm Vĩnh Hưng quyết làm phim về cuộc đời mình là nước cờ có tính toán. Bởi lẽ đây đang là xu hướng của điện ảnh Việt, cũng là món ăn mới mẻ đang được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Hơn nữa, so với các dự án nêu trên Đàm Vĩnh Hưng còn có lợi thế là không phải hỏi ý kiến nhân vật chính. Trước đó dự án về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng gây lùm xùm về chuyện bóp méo hình ảnh Khánh Ly hay không xin phép giáo sư Michiko.
Dự án có tính toán vì chạy theo trào lưu và nắm bắt được tâm lý khán giả.
Rút kinh nghiệm từ Em và Trịnh, hẳn Đàm Vĩnh Hưng cũng đã có giải pháp riêng cho dự án. Trả lời tại họp báo, anh cho biết sẽ tuyển diễn viên trẻ để đóng vai những người nổi tiếng – như Mỹ Tâm, Hoài Linh, Dương Triệu Vũ, Vũ Hà - trong quá khứ. Đồng thời, với mối quan hệ sẵn có nam ca sĩ tin chắc sẽ mời được họ tham gia dự án.
Đàm Vĩnh Hưng đã làm được gì?
Sự tự tin và những toan tính không còn là điều lạ về Đàm Vĩnh Hưng. Trước nay, anh nổi tiếng là người “lắm chiêu nhiều trò” trong giới giải trí, luôn biết cách để làm nổi bật tên tuổi. Thế nhưng, việc tự xưng “ông hoàng” vẫn là một cách đánh bóng bản thân hơn quá mức.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Đàm Vĩnh Hưng không còn là một cái tên hot trên làng nhạc. Các sản phẩm anh tung ra đều ít được chú ý dù quảng bá rầm rộ, đầu tư tiền tỷ lẫn hợp tác với tên tuổi nổi tiếng.
Điển hình là MV Đừng gọi anh là anh trai (2021) với dàn khách mời toàn sao như Lý Nhã Kỳ, Nam Thư, Minh Tú, Ngọc Thanh Tâm, Lona… Song, sản phẩm không được khán giả đón nhận, chỉ thu hơn 1 triệu lượt xem. Sau đó, MV Anh lo cho em hết (2022) có thành tích khá hơn, nhưng cũng chỉ dừng ở mức 3,4 triệu lượt xem dù hợp tác rapper khá nổi tiếng Ricky Star.
Với sự trỗi dậy của hàng loạt tên tuổi mới và tính khốc liệt của thị trường âm nhạc, Đàm Vĩnh Hưng đã không còn giữ được vị thế như ngày xưa.
Từ MV, live show cho đến buổi livestream (phát trực tuyến) trên mạng dường như chỉ được làm dành cho người hâm mộ anh. Nhưng tất cả đều có lượt xem lẹt đẹt, kém nổi bật.
Tên tuổi và vị thế của Đàm Vĩnh Hưng không còn như trước.
Ngay cả ở thời kỳ đỉnh cao, Đàm Vĩnh Hưng cũng không phải là người tiên phong hay đột phá về âm nhạc. Sự nghiệp anh chủ yếu gắn liền với các ca khúc bolero – dòng nhạc vốn ổn định về số lượng khán giả, không đòi hỏi nhiều sáng tạo.
Tên tuổi giọng ca thường xuyên đi kèm với những tai tiếng. Anh liên tục gây xôn xao dư luận sau khi vô lễ với cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, hôn nhà sư hay chia sẻ việc mẹ ruột nợ nần chồng chất…
Gần nhất, Đàm Vĩnh Hưng lại xuất hiện trên mặt báo với những hình ảnh tình cảm, quấn quýt bên con trai. Đáng tiếc, tất cả đều không liên quan đến các sản phẩm nghệ thuật – điều làm nên danh tiếng của người nghệ sĩ.
Chuyện Đàm Vĩnh Hưng tự nhận mình là “The King” cũng tương tự chuyện ca sĩ Min gọi mình là “Queen Of V-pop” (Nữ hoàng nhạc Việt), hay chuyện Ngọc Sơn tự phong “Giáo sư âm nhạc”. Tất cả ít nhiều cho thấy sự ảo tưởng của một bộ phận nghệ sĩ, dù già hay trẻ. Đôi lúc họ cũng mất tỉnh táo, để rồi bị mờ mắt trước ánh hào quang quá rực rỡ của sự nổi tiếng.
Nhìn chung, Đàm Vĩnh Hưng không hề sai khi có ý định làm phim về cuộc đời chính mình. Anh có quyền tô vẽ, thậm chí bóp méo nó miễn là đừng biến bộ phim có tính tiểu sử trở thành khoa học viễn tưởng. Điều khiến mọi người lấn cấn hiện tại, vẫn là danh xưng “ông hoàng”, “The King” mà anh luôn tự đặt cho mình. Vấn đề là đã có ai đúc ngai vàng đâu mà anh cứ đòi ngồi vào?
Nguồn: [Link nguồn]