Truyện ngắn "NHÀ QUÊ RA PHỐ" (19): Uống bia để nghe thơ

Sau chuyến ra phố nhớn, Tễu quyết định chăng thông báo “Không bán chịu” trên tường. Nhân đạo là tự sát, điều mà Tễu thấu nhất kể từ khi mở quán tới nay.

Hóa ra không phải vì “cấm nợ” mà vắng khách. Những gương mặt nông dân trong làng vẫn ra quán, những bàn tay lóng ngóng cầm cốc bia lạnh thay cho chén rượu quốc lủi truyền thống, một hình ảnh đổi mới khá là đẹp. Mỗi bàn dăm bác, vài cốc bia, đĩa lạc luộc, tiêu phí hết một buổi chiều. Thời gian ở cái làng này bây giờ nhiều vô kể, những người vô công rỗi nghề ngồi uống bia và nói chuyện tào lao với nhau vẫn hơn những hành vi bất thiện.

Tễu cầm cốc bia giao lưu với khách, bàn nào cũng gọi, toàn là người quen, mọi người thi nhau nhận anh là họ là hàng, ít ra cũng là bạn học với con mình hồi cấp 1. Kể cũng vui, dân ta có tật thấy người sang bắt quàng làm họ, Tễu thì đã có gì sang? Chuyện ở đời là thế. Ông Hòa người xóm Đông xởi lởi:

- Con gái tôi mới tìm được việc làm trên phố nhớn các ông ạ, hình như nó làm thơ ký giám đốc, mỗi tháng 5 triệu, cơm nuôi cả ngày… Nào xin mời uống trăm phần trăm. Hôm nay tôi mời mọi người… Vui quá các ông ơi. Mẹ kiếp, cứ bám mấy sào ruộng thì tướp xơ mướp suốt đời.

- Mời thì uống, mừng cho ông. Mà sao tôi thấy ngờ lắm các ông ạ. Con ông Hòa xinh thì có xinh, nhưng mới học hết lớp 5 mà làm thơ ký giám đốc sao được. Trên thành phố tiến sĩ còn ế dài ế rạc ra kia?

- Nghe nói thằng Thành Béo lên thành phố mát xa mát gần gì đó đã gặp mấy đứa con gái làng mình làm ở trong đó rồi. Đứa nào cũng bảo lên đó làm thơ ký giám đốc cho oai thôi…

Nhà Thơ tới quán. Nhà Thơ cầm cốc bia hơi đi quanh các bàn:

- Nào uống đi anh em nông dân chân đất của tôi ơi. Cái cốc nước đái bò này là sự văn minh đấy, nó được phát minh tận bên Tây cơ mà. Uống đi! Bao nhiêu đời nay, người dân cái làng này chỉ cắm cổ vào chai quốc lủi độc hại, làm sao văn minh lên được chứ. Bia hơi nhắm với chó chặt, một sự kết hợp truyền thống với hiện đại đấy các cụ ạ, Hay nhỉ, càng nghĩ càng thấy hay. Thịt chó là một thứ ma mị, nó làm cho con người lâng lâng như sắp được siêu thoát, ha ha… Hoan hô thịt chó, hoan hô bia hơi, hoan hô gái đẹp, hoan hô chân dài.

Nhà Thơ đọc: “Vì yêu tha thiết con người / Cho nên mới lánh về nơi không người / Quạnh hiu ngay giữa đất trời / Con hơn hiu quạnh giữa người thân thương”.

Nhà Thơ ở đâu về đây ở ẩn, không ai biết. Người làng chỉ biết có một gã đàn ông ẩm ương, chập mạch làm lều giữa cánh đồng và trú ngụ ở đó. Chưa ai trong làng nhìn thấy nhà thơ chứ chưa nói gì được gặp. Tại quán bia này bà con được uống với Nhà Thơ, một thứ xa xỉ quá đáng. Mỗi khi Nhà Thơ đọc thơ, không gian như im lắng, thời gian ngừng trôi. Lỗ tai bao người chỉ quen nghe những câu tầm thường đất cát, phân do, chuột bọ… những câu chửi nhau. Họ coi Nhà Thơ là thần tượng, là siêu nhân. Điều này báo hiệu một sự thay đổi. Mừng cho dân làng.

Nhà Thơ kéo tiếp viên Nhài ra, ôm vai trần của nàng, đọc một câu thơ: “Nhân loại tiến đã bao xa / Hôn nhau vẫn cũ như là ngày xưa”. Tiếng vỗ tay rầm rập. Đám thanh niên hô: “Hôn đi nhà thơ ơi”. Tiếp viên Nhài nháy mắt bật đèn xanh, Nhà Thơ cúi xuống hôn vào môi cô Nhài, nụ hôn của tình yêu và hy vọng. Mọi người trong bàn hô nhau nâng cốc, uống cạn 100%. Những vại bia lạnh được bưng ra tới tấp. Bia nào, thịt chó nào, hôn nhau đi…

Lê Tự

Sự việc tiếp theo diễn ra thế nào, xin mời các bạn đón đọc phần 20 của Truyện ngắn Nhà quê ra phố trên mục Cười và Tiểu phẩn của 24H lúc 8h sáng thứ 6 (1/8/2014).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Truyện ngắn NHÀ QUÊ RA PHỐ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN