Truyện ngắn "NHÀ QUÊ RA PHỐ" (11): Sổ nợ nhờ nhà thơ

Cuối ngày. Cuốn sổ nợ đã ghi dày chi chít gần 10 trang, toàn người quen trong làng.

Bàn số 13 gọi thanh toán. Tiếp viên cầm giấy tính tiền ra thì các cụ bảo ghi sổ nợ, trả sau. Một cụ dáng vẻ cao niên nhất, bảo:

- Cô gọi thằng Tễu ra đây. Nó là cháu chúng tôi. Chúng tôi không quỵt đâu mà sợ, chẳng qua hôm nay không ai mang theo tiền.

Cô tiếp viên ghi tên, ghi địa chỉ, xin các cụ ký vào nhưng không ai ký.

- Cô yên tâm đi, không cần ký tá làm gì cho mệt. Hôm nào có tiền chúng tôi trả ngay. Chiều mai nhà tôi bán đàn chó con, đầy tiền.

Bàn số 15 toàn thanh niên choai choai, mặt đỏ phừng phừng cũng xin ghi sổ nợ. Riêng bia chúng đã uống hết gần 2 triệu đồng, không kể thịt chó, xôi dừa.

Cuối ngày. Cuốn sổ nợ đã ghi dày chi chít gần 10 trang, toàn người quen trong làng. Thị Nở làm quyết toán báo cáo cho sếp Tễu biết. Tình hình có vẻ cấp bách rồi đây. Thật là quá khó xử. Sếp Tễu thở than:

- Trong thôn này đã có không biết bao nhiêu người phá sản vì sổ nợ chết tiệt này rồi. Làm sao bây giờ. Mới có mấy ngày thôi mà tiền nợ đã lên gần 10 triệu đồng. Dấu hiệu của sự đổ vỡ.

Làm sao bây giờ nhỉ? Câu hỏi rất khó trả lời. Tễu triệu tập cuộc họp gấp với các cô tiếp viên bàn mưu tính kế nhằm chấm dứt tình trạng ghi sổ nợ. Ở cái làng này thì Tễu còn lạ gì chứ, nhiều khi có tiền nhưng dân vẫn cứ nợ, vui thật. Tiếp viên Hồng phát kiến:

- Nếu anh Tễu làm giám đốc thì rất khó, toàn người quen, người làng, thậm chí anh em trong họ thì làm sao từ chối được chứ.

Cuộc họp kéo dài tới tận sáng nhưng vẫn không đưa ra được giải pháp gì. Nếu Tễu không làm giám đốc nữa thì cũng nguy, người làng sẽ phá phách, không ủng hộ, đám thanh niên sẵn sàng bắt nạt người lạ, cũng chết. Mọi sáng kiến đều bế tắc. Thôi thì đành chịu trận thêm một thời gian nữa vậy. Trước đây bà con mua chịu, ăn chịu tới mùa thì bán thóc đi trả nợ. Bây giờ mất hết ruộng rồi, chưa ai tìm được việc làm thì lấy gì trả nợ chứ! Càng suy nghĩ Tễu càng thấy đau đầu.

Kế thúc cuộc họp, Tễu có vài lời chia sẻ với các cô tiếp viên:

- Tôi thấy cô nào cũng quý tôi, xin cám ơi các em nhiều lắm. Tuy nhiên tôi xin thống báo với mọi người, mẹ tôi đã tìm vợ cho tôi rồi, tháng sau sẽ cưới. Trong làm ăn nếu Sếp mà dây dưa tình ái với nhân viên thì sập tiệm ngay, kinh nghiệm này tôi đã học được trên thành phố. Vậy nên, kể từ nay tôi đề nghị không cô nào có ý định yêu đương gì với tôi nữa, nhất trí không?

Các cô cười ré lên. Có lẽ thông báo của Tễu nghe lạ tai thì phải. Cô Nhài phản ứng lại:

- Em không đồng ý thế đâu. Yêu đương là chuyện riêng tư, thích thì cứ nói, không phải giữ gìn làm gì cho khổ thân. Gì thì gì chứ em là em cứ yêu sếp Tễu. Em xin tuyên bố sẽ yêu bằng được sếp Tễu mới thôi. Em đi xem thầy bói rồi, số em là phải lấy sếp Tễu làm chồng. Kẻ nào cướp mấy Sếp của em thì em tạt chết.

Cô Nhài nói xong liền đứng dậy, tiến lên ôm hôn sếp Tễu hôn chút chít trước mặt mọi người. Cả đám tiếp viên được mẻ cười như chợ vỡ. Cô Nhài kể từ sau vụ bị khách hàng bóp nắn thì mạnh bạo hẳn lên, thấy con trai là sán vào như thể nghênh chiến. Thời kỳ đổi mới, cọc đi tìm trâu.

Thị Nở thông báo với sếp Tễu:

- Chiều nay có mấy thằng thanh niên choai choai đi đi lại lại trước nhà hàng, trông mặt chúng nghi lắm. Em đoán chúng đang có âm mưu gì đen tối…

Tễu thấy buồn. Đứng ngoài cuộc thấy đơn giản quá, bắt tay vào làm rồi mới thấu “thị trường là chiến trường”. Câu chuyện của Thị Nở không thể bỏ qua. Rất có thể chính bọn chúng đã ném bọc cứt trâu vào sân nhà hàng. Đã có chuyện gì xảy ra nhỉ? Tễu thấy đuối sức ngay trong suy nghĩ. Đầu óc nông dân của Tễu còn tăm tối lắm, cần tìm một người có đủ trí tuệ giúp đỡ mới xong. Tễu nghĩ tới Nhà Thơ. Đúng, chỉ có thơ mới giúp được anh vượt qua những cửa ải chông gai cuộc đời.

Trời đổ hoàng hôn. Tễu đi lang thang ra bờ sông vắng. Nhài bí mật đi theo, một lúc sau cô bất ngờ xông lên ôm thắt lưng Tễu. Sự va chạm với phụ nữ không làm cho Tễu hưng phấn lên. Tình yêu ư, là cái quái gì thế nhỉ?

Lê Tự

Sự việc tiếp theo diễn ra thế nào, xin mời các bạn đón đọc phần 12 của Truyện ngắn Nhà quê ra phố trên mục Cười lúc 8h sáng thứ 2 (14/7/2014).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Truyện ngắn NHÀ QUÊ RA PHỐ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN