Thông Tấn Thôn ngày mở cửa Hội chữ Xuân Ất Mùi 2015

Sự kiện: Phim hài tết

"Phóng viên" Thông Tấn Thôn đã có mặt trong ngày đầu tiên của hội mà những năm trước gọi là "Phố Ông Đồ".

Sau đợt thi sát hạch các Ông Đồ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa qua với phần lớn các Ông Đồ bị loại do viết sai, thậm chí có ông còn không biết chữ, không biết cách cầm bút...v.v... "Phóng viên" Cử Tạ của Thông Tấn Thôn có mặt tại hiện trường đã ghi nhận được không ít ý kiến trái chiều cả của người xem lẫn một số Ông Đồ bị đánh trượt. Sau đây là tổng hợp một số ý kiến chủ đạo, xin gửi tới các bạn yêu thích mục... Tin vịt:

Thông Tấn Thôn ngày mở cửa Hội chữ Xuân Ất Mùi 2015 - 1

Toàn cảnh Hồ Văn sáng nay, 8/2/2015.

Thông Tấn Thôn ngày mở cửa Hội chữ Xuân Ất Mùi 2015 - 2
Thông Tấn Thôn ngày mở cửa Hội chữ Xuân Ất Mùi 2015 - 3

Lều của Ban tổ chức Hội chữ năm nay.

 Một Ông Đồ râu dài và vuốt chóp như một chiếc bút lông phàn nàn rằng: “Rõ là rách việc, sát hạch làm quái gì cơ chứ! Chúng tôi là những “Ông Đồ” chứ có phải “Thầy Đồ” đâu mà phải có tới một bụng chữ. Chữ treo trong nhà thì cũng đâu có nhiều, giờ người ta cũng chỉ mua chữ theo phong trào, loanh quanh vài chữ “Nhẫn, Tâm, Trí, Tín, Nghĩa, Lễ, Đức, Dục, Phúc, Lộc, Thọ, Tài...” làm sao mà không viết được. Nếu khách yêu cầu chữ lạ thì xin lỗi... cứ ngoáy đại đi, người đi xin chữ cũng đâu có biết chữ, vẽ cái gì mà chẳng được, nếu biết chữ thì họ đã tự viết hoặc đi làm Ông Đồ hết ráo”!

Cũng một Ông Đồ khác đến từ Bắc Ninh có bộ râu “canh Hẹ” và mái tóc đại diện cho phong trào “phản đối hóa mỹ phẩm” thì lập luận rằng: “Việc ban tổ chức cho rằng Ông Đồ nào đó viết xấu, hay viết chữ nọ thành chữ kia, không ai hiểu nổi là chữ gì đồng nghĩa với việc Ông Đồ đó không biết chữ, có trình độ thấp là không công bằng. Tôi cực lực phản đối điều này. Lấy ví dụ trong ngành Y, đại đa số chữ các bác sỹ cực xấu và không ai đọc nổi (trừ các đại lý bán thuốc quen biết được bác sỹ chỉ định) mà có ai dám nhận xét bác sỹ “trình” kém đâu, thậm chí họ còn rất giỏi là đằng khác”.

Nhà báo Tuệ Trương của trang “Tân Xuân Thư Họa Trừu Tượng” khi được trả lời phỏng vấn đã nói: “Theo tôi, không nên cố gắng đọc chữ trên tác phẩm thư pháp của các Ông Đồ làm gì mà phải cảm nhận nó dưới nhiều góc độ, thậm chí có thể quay ngược 180 độ để tưởng tượng như vậy mới thấy thú vị. Nhớ xưa kia, Trạng Quỳnh dùng nghệ thuật thư pháp “múa bút” chỉ trong chớp mắt, cùng một lúc vẽ tận 10 con rồng (dân “gian” còn cho là 11 con?!?) khiến đến các học giả uyên thâm Hán học của Tàu còn lè lưỡi thán phục mặc dù chẳng luận ra chữ gì và phải nhanh chóng chấm cho Trạng Quỳnh giải nhất. Thư pháp là vậy, mỗi người cảm thụ nó theo một cách, viết mà ai cũng đọc được thì hoàn toàn mất đi tính “uyên bác” của loại hình nghệ thuật này.”

 Thông Tấn Thôn ngày mở cửa Hội chữ Xuân Ất Mùi 2015 - 4

Một cụ già đứng ngơ ngẩn sau khi vượt quãng đường dài đến xem... cảnh vắng.

Một phóng viên nước ngoài đến từ nhật báo “Nhân Văn” của Nepal nêu ý kiến rằng, việc tổ chức thi sát hạch để tìm ra các Ông Đồ biết chữ thật là điều hơi nhẫn tâm, khiến một số Ông Đồ “chuyên tâm bán chữ” có thể mất đi chiếc cần câu cơm ngày Tết, thậm chí bị mất đi sự trọng vọng của xã hội. Do đó vẫn nên bố trí cho các Ông Đồ thi trượt vẫn được ngồi viết thuê ở vòng ngoài, tất nhiên là giá cả nên rẻ hơn, vì khách hàng cũng có nhiều loại, người sang mua chữ xịn, người nghèo mua chữ giản đơn hoặc chữ in sẵn. Người bán chữ cũng thế, phải có người nọ người kia, không nên làm mất đi sự “đa dạng tự nhiên” của thế giới các Ông Đồ.

Cũng nhân cuộc thi sát hạch các Ông Đồ ở Văn Miếu, một bác về hưu nhà ở phố Nguyễn Khuyến gần đó thì chia sẻ với chúng tôi: Việc một thành viên ban giám khảo đưa ra ý kiến rằng chỉ nên gọi những người tham dự cuộc thi là “cây viết” chứ đừng nên gọi là “Ông Đồ” vì họ không đủ khả năng. Hoặc là: “Cuộc sát hạch cho thấy 70% là kết quả của những Ông Đồ viết chữ Quốc ngữ bị trượt còn những Ông Đồ viết chữ Hán chỉ thi đỗ 11%. Con số này vẫn trên tinh thần “cố vớt” bởi cứ đánh trượt hết lấy ai ra “làm quan”. Trong số 31 ông đồ tham gia thi viết chữ Hán, chỉ có 3 người đỗ, 1 người đỗ vớt. Nhiều người viết sai, viết chữ bẩn, chữ xấu ngoáy như ngoáy cám...v.v...” đã khiến nhiều người như chúng tôi khá buồn, có người còn tỏ ra rất ngượng vì không biết ở nhà mình đã treo những chữ gì, không biết viết có đúng không, bởi mọi năm họ cũng từng mua chữ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Việc báo chí đồng loạt làm mất mặt nhiều Ông Đồ cùng lúc như thế đồng nghĩa với việc không ít những người thích “Chơi Chữ” mất đi một thú vui tao nhã và không kém phần... sang trọng của mình mỗi dịp xuân về. Chỉ mong rằng các “cây viết” có ước mơ làm Ông Đồ cần phải nghiêm túc với nghề hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cử Tạ ([Tên nguồn])
Phim hài tết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN