Phỏng vấn một cây thước nhân ngày 20-11 (p2)
Kiếm tiền chính đáng thì hoan nghênh, nhưng kiếm tiền tiêu cực thì đó là do bất cập của quản lý thôi.
>>> Phỏng vấn một cây thước nhân ngày 20-11 (p1)
Phóng viên (PV): - Em chào Thầy. Sau buổi phỏng vấn lần trước, em rất háo hức chờ đợi đến hôm nay để tiếp tục được nghe thầy chia sẻ những trăn trở về ngành mình. Thưa Thầy, cảm giác của Thầy thế nào khi ngày 20-11 sắp đến?
Cây thước (CT): - Câu hỏi và sự quan tâm của em khiến tôi chạnh lòng. Xưa nay người đời vân thường chỉ quen quan tâm đến những thứ ồn ào thôi, những dịp như thế này, kẻ thầm lặng như tôi có khi nào được nhắc đến đâu.
PV: - Dạ, em hiểu, những người âm thầm cống hiến như Thầy thì thường thua thiệt.
CT: - Cũng chẳng có gì to tát mà gọi là thua thiệt cả, tôi có cần gì đâu, chỉ cần người ta nhớ đến là vui rồi.
PV: - Vâng, thực tế thì rất nhiều thầy cô nghĩ như thầy, cả đời cống hiến, chỉ cần học trò nhớ đến là vui rồi chứ chẳng màng vật chất danh lợi.
CT: - Nhưng thật tiếc là bây giờ ngày Nhà giáo đã bị thương mại hóa rất nhiều. Nó không còn thuần túy là ngày để toàn dân thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, để thể hiện tình thầy trò, mà nó đã trở thành ngày phụ huynh đút lót thầy cô, là ngày thầy cô tăng thu nhập. Nhiều người bắt đầu cảm thấy sợ, thậm chí có người xuyên tạc gọi là ngày hai mươi tháng mười mệt. Có người còn hài hước xuyên tạc một câu nói nổi tiếng thành ra "Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa chín, thì người giáo viên vui sướng khi đến ngày 20-11".
PV: - Vâng, cái cách mà người ta ứng xử trong ngày Nhà giáo đã ít nhiều phản ánh thực trạng nền giáo dục.
CT: - Có nhắm mắt thì cũng có thể kể hàng loạt những bất cập trong ngành giáo dục của ta, như là chương trình quá tải, bệnh thành tích trầm trọng, tình trạng học thêm tràn lan, chất lượng giáo dục thấp, mua bán điểm, chạy trường chạy lớp, đạo đức học đường xuống cấp, vân vân..., rất nhiều bệnh, bệnh nào cũng nặng cả. Mà mục đích cuối cùng của tiêu cực là vì tiền thôi, cũng có một số trường hợp vì... tình.
PV:- Vâng, đó là một thực tế mà ai cũng biết và xã hội đang rất quan tâm, vậy theo thầy nguyên nhân do đâu?
CT: - Các nhà chức trách vẫn hội thảo tới lui và kể ra hàng tá nguyên nhân, nhưng theo tôi trong đó có rất nhiều nguyên nhân chỉ là hệ quả của một nguyên nhân khác. Chẳng hạn có người bảo nguyên nhân của tiêu cực trong thi cử là do “bệnh thành tích”, đó không phải thực sự là nguyên nhân mà chỉ là hệ quả của quản lý thôi. Chúng ta cần tìm ra nguyên nhân của nguyên nhân thì mới giải quyết được. Tôi cho rằng cái gốc của mọi yếu kém là do lỗi của thầy, của trò, và của nhà quản lý.
Pv: - Hì hì, thầy nói chung chung thế có phải là huề cả làng không ạ?
CT: - Khà khà, muốn cụ thể thì tôi lại phải vận dụng triết lý cây thước để nói cho mạch lạc. Này nhé, triết lý cây thước bảo rằng để giải quyết được vấn đề thì cần phải thẳng thắn nhìn nhận, vạch ra phương hướng rõ ràng, cân nhắc đến tính hai mặt, có tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá cụ thể và đặc biệt luôn phải có chế tài roi vọt rõ ràng.
PV: - Ồ! Áp dụng cụ thể với từng đối tượng kể trên thì như thế nào, thưa thầy?
CT: - Người thầy là khuôn là thước trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục, nên mọi giải pháp trước hết cần hướng tới người thầy. Có 3 thứ mà người thầy trực tiếp tác động lên học trò, đó là đạo đức, phương pháp và trình độ. Vậy thì ta cần phải xác định rõ nhứng yếu tố nào tác động đến 3 thứ ấy để mà giải quyết.
PV: - Theo thầy thì đó là những yếu tố nào ạ?
CT: - “Bản thân các nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”. Nhưng ở đây ta đang bàn đến giải pháp cho giáo dục nên cần xem xét những thứ trực tiếp nhất. Đời sống ảnh hưởng đến cái tâm, cái đạo đức của nhà giáo, mà đời sống cao hay thấp là do quản lý, phương pháp giảng dạy cũng từ chính sách quản lý giáo dục mà ra, còn lại trình độ của giáo viên thì lại là sản phẩm của giáo dục, không có nguyên nhân trực tiếp. Tóm lại cái gốc của vấn đề là do quản lý. Lương giáo viên thấp không đủ sống thì hoặc là người ta sẽ bất mãn, không chuyên tâm dạy, hoặc là người ta vẽ ra dạy thêm, hành học sinh để kiếm tiền, bán điểm kiếm tiền, rồi sinh ra chạy trường chạy lớp...
PV:- Nhưng thưa thầy, nhiều giáo viên bây giờ thu nhập rất cao nhưng vẫn hăng say kiếm tiền, đó không phải là lỗi do lương thấp?
CT:- Kiếm tiền chính đáng thì hoan nghênh, nhưng kiếm tiền tiêu cực thì đó là do bất cập của quản lý thôi. Anh không kiểm tra giám sát tốt thì sinh ra giáo viên dạy chui, bán điểm... Anh không đưa ra hệt thống tiêu chuẩn đánh giá khoa học thì sinh ra bệnh thành tích, sinh ra quá tải.. Anh độc quyền sách giáo khoa thì sinh ra chuyện năm nào cũng chỉnh lý để bán sách... Không có chế tài tốt thì sinh ra làm liều, không quy trách nhiệm cá nhân thì chả ai chịu dốc tâm huyết... Chúng ta không hi vọng vào một xã hội hay một ngành mà có toàn người tốt, cho dù có nhận thức đầy đủ nhưng không có chế tài, không có đòn roi thì sớm hay muộn người ta cũng bị những điều tạp nham của cuộc sống hạ gục. Trong thời buổi kinh tế thị trường có nhiều mặt trái như hiện nay, bên cạnh củ cà rốt luôn cần cây giậy, nói mới mẻ hơn, bên cạch sấp polyme cần phải có cây thước.
PV: - Thế còn về phía học sinh và phụ huynh thì thầy có ý kiến gì không?
CT:- Học sinh như tờ giấy trắng, cho dù có lệch lạch thì nguyên nhân sâu xa vẫn do người lớn mà ra. Phụ huynh đừng có góp thêm vào sự lệch lạc, làm nổi cộm thêm những tiêu cực. Chúng ta đừng ảo tưởng vào một thần đồng mà tiếp tay cho học thêm, đừng bắt con học tối ngày. Hoặc như trong dịp 20-11, phụ huynh có chút quà vật chất biếu thầy với tấm lòng thành thì cũng không sao, nhưng nếu chạy đua quà cáp để con mình được thầy ưu ái hơn thì đó là biểu hiện lệch lạc, làm hại con trẻ, không nên.
PV: - Thầy nghĩ gì trước ý kiến cho rằng hiện nay có nhiều thầy cô bị đồng tiền đốn ngã?
CT: - Đó là điều hết sức đáng tiếc. Như bữa trước tôi có nói là khi đã chấp nhận làm nghề thì nên chấp nhận những chuẩn mực của nghề. Tiếc rằng hiện nay có nhiều người đã chọn sai nghề.
PV: - Thầy có sợ rằng đến một lúc nào đó Thầy cũng bị đồng tiền đốn ngã?
CT: - Ồ, rất may là tôi không sống bằng tiền, nên không sợ.
PV: - Vâng, cảm ơn thầy với triết lý cây thước rất phù hợp với thực tế ngành giáo dục của ta. Em hy vọng hình ảnh cây thước sớm trở thành biểu tượng cửa ngành giáo dục. Nhân dịp 20-11 chúc Thầy luôn khỏe mạnh, là tấm gương sấng cho học sinh noi theo.
CT: - Cảm ơn em!