Phỏng vấn một cây cột điện (phần 2)
Cột điện sẽ là đại sứ du lịch, một ý tưởng không chỉ là "phiếm đàm" của Hội quán 24H.
P:- Dạ thưa cụ, như đã hẹn trong lần phỏng vấn trước, hôm nay xin cụ cho biết ý nghĩa và thông điệp của bức ảnh đã được Bill Gate đăng trên trang facebook?
C:- Khi một người tầm cỡ như Bill Gate chọn đăng thì bức ảnh đó hẳn phải vừa độc vừa lạ vừa có tính đại diện cao. Có thể nói đó là một nét rất riêng, là “đặc sản” của Việt Nam. Nó mang ý nghĩa biểu tượng, giống như khi ta nhìn thấy tháp Effel là nhớ ngay đến nước Pháp, nhìn thấy ảnh Binladen là nhớ ngay đến nước Afganistan, và khi thấy hình ảnh cột điện lằng nhằng là lập tức nhớ đến Việt Nam. Còn biểu tượng nào thành công hơn khi mà nó khiến hàng tỉ người trên thế giới cứ nhìn thấy đống dây điện bùi nhùi, thậm chí nhìn thấy một đống rác, một tổ quạ hay mái đầu bù xù… là lại nhớ đến Việt Nam. Không chừng sắp tới từ điển tiếng Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và cả Maroc, Jamaica lại có thêm thành ngữ “lằng nhằng như dây điện Việt Nam”.
P:- Hiệu ứng quảng bá như thế là quá tuyệt phải không cụ, thế còn người Việt mình khi nhìn hình ảnh đó sẽ cảm nhận thế nào thưa cụ?
C:- Người dân sẽ cảm thấy như có hình ảnh của mình trong đó. Hình ảnh cột điện gánh một đống dây nhằng nhịt có thể tượng trưng cho hình ảnh người dân phải gánh hàng trăm thứ thuế và phí chồng chéo lên nhau. Ở góc độ khác, hình ảnh một mình cột điện ôm trọn cả đống dây sẽ là biểu tượng hoàn hảo cho sự độc quyền.
P: - Vâng rất hình tượng và ý nghĩa. Thế cụ suy nghĩ thế nào khi Bill Gate tỏ ra lo lắng cho tương lai lưới điện bị quá tải trước nhu cầu năng lượng tăng 14% mỗi năm?
C:- Ui giời, biết đâu được ý, đến đâu hay đến đó, trước giờ vẫn vậy mà.
P:- Thế còn những ý kiến tỏ ra lo lắng về sự an toàn, cụ thấy sao?
C:- Chẳng qua người ta chưa quen thôi. Cho dù là xấu, là ác, là nguy hiểm, nhưng khi chúng ta đã quá quen rồi thì mọi thứ trở nên bình thường, bình thường đến nỗi chả còn để ý đến, thậm chí còn chả nhận ra. Không riêng gì dây điện, ở ta còn rất nhiều thứ đang “bình thường” theo kiểu như vậy. Điều đáng nói là nhiều người dân mình sống vậy mãi chả sao, nhưng cứ thấy người ta cảnh báo cái là giật bắn mình, như vậy là quan điểm lập trường không vững vàng. An toàn hay không là do người sử dụng chứ đâu phải do cột điện và dây điện? Chỉ có những người vô ý hoặc thiếu quan sát mới bị tai nạn thôi. Nhiều khi cột điện đứng lù lù giữa đường, thế mà có người đi xe mắt mũi thế nào mà lại không nhìn thấy cứ đâm đầu vào đau muốn chết. Cũng có vài trường hợp dây điện thòng xuống đường, người chạy xe qua bị nó gạt vào cổ chết tại chỗ, nhưng đó là do phóng nhanh vượt ẩu thôi, nếu chạy chậm thì đâu có sao?
P: - Vậy trường hợp mất an toàn do rò rỉ điện thì sao ạ?
C:- Chả sao đâu, trông dây nhằng nhịt thế thôi nhưng đố ai biết dây nào có điện dây nào không đấy?
P:- Vừa rồi có trường hợp chỉ do xe cẩu chạm vào đường dây mà gây mất điện toàn bộ mười mấy tỉnh phía nam, nhiều người băn khoăn về an ninh ngành điện, cụ đánh giá thế nào ạ?
C:- À, đó là điện cao thế ở ngoại thành, tôi không phụ trách. Nhưng mà mất điện diện rộng cũng có ưu điểm là đảm bảo công bằng, chứ chỗ mất chỗ còn thì lại mất đoàn kết.
P:- Có nhiều bạn bè quốc tế tỏ ra kinh ngạc, họ không thể ngờ được rằng vẫn còn có nơi gìn giữ bảo tồn được lưới điện cổ như vậy, cụ đánh giá thế nào?
C:- Có hai cách để gây ấn tượng: hoặc là anh phải rất hiện đại, hoặc là anh phải giữ gìn được sự cổ điển thuần túy. Tôi thấy ở Việt Nam chỉ phù hợp với cách lựa chọn thứ hai. Trên thế giới, loại đồ cổ nào cũng càng để lâu càng có giá trị, trừ phụ nữ (cười). Ở góc độ này, lưới điện không còn đơn giản là hạ tầng kỹ thuật nữa, mà nó còn tinh hoa văn hóa. Tôi hy vọng sắp tới chúng ta sẽ sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị Unesco cấp chứng nhận đồng thời di sản vật thể và phi vật thể.
P:- Đến thế nữa cơ ạ?
C:- Đúng thế! Hình ảnh lưới điện nhằng nhịt khi chưa quen thì có thể cảm thấy hơi nhếch nhác, nhưng thử hình dung vào một buổi sáng thức dậy, trước cửa nhà bỗng nhiên trống trơn, lúc ấy người ta sẽ ngẩn ngơ ra vì thấy thiếu một cái gì đó rất quan trọng. Nó đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống và văn hóa cũng hình thành từ đó. Người dân đã biết mang lồng chim treo lủng lẳng lên dây điện để mọi người cùng vui với thú vui tao nhã. Những chiếc loa phường vẫn cứ ẩn mình sau đống dây điện bùi nhùi để hàng ngày hàng giờ tuyên truyền về những chính sách kinh tế xã hội quan trọng. Thậm chí người ta còn treo lên đám dây điện chằng chịt đó những tấm băng rôn cổ động “Quyết tâm xây dựng đời sống văn hóa văn minh đô thị”... Tất cả đã tạo nên nét văn hóa đặc sắc mà không nơi nào trên thé giới có được, các vị khách quốc tế hẳn sẽ rất thích thú.
P: - Như vậy sẽ rất thuận lợi cho phát triển du lịch phải không cụ?
C:- Đúng vậy. Nếu như khách du lịch đến Trung quốc để dạo bước trên Vạn lý trường thành, qua Thái lan để xem Sex tourism, đến Canada để nhặt lá phong rơi… thì họ sẽ đến Việt nam để ngắm dây điện. Tôi cho rằng, hàng trăm triệu người đã từng xem bức ảnh trên trang Facebook của Bill Gate đang ngày đêm mong mỏi được một lần đặt chân đên Việt Nam, để được tận tay chạm vào dây điện.
P:- Và sẽ có sự vào cuộc của ngành Du lịch phải không cụ?
C:- Tất nhiên rồi, sẽ có sự kết hợp giữa Du lịch và Điện lực, đó là mối quan hệ biện chứng. Lúc đó Cột Điện tôi sẽ là lựa chọn hoàn hảo để thay thế cho Lý Nhã Kỳ trong vai trò Đại sứ du lịch. Khi Du lịch đã vào cuộc thì các cột điện sẽ được trang trí thêm cờ hoa và đèn lồng, tổ chức thêm các trò chơi như leo cột điện và đu dây điện.... Khi du lịch dây điện phát triển rồi thì phim “Người Nhện 5” rất có thể sẽ được quay ở Việt Nam.
P:- Vâng đây quả là một cơ hội đồ sộ cho Du lịch Việt. Thế cụ đánh giá như thế nào trước ý kiến cho rằng Việt Nam cần phải ngầm hóa tất cả các đường điện nội đô vì đó là xu thế phát triển tất yếu?
C:- Không có chuyện đó đâu. Các sếp cho biết dự kiến sẽ ngầm hóa 100% lưới điện cao thế nội thành vào năm 2016, nhưng lưới điện hạ thế thì chưa có định hướng gì. Nhiều khi có kế hoạch cụ thể rồi mà còn làm chưa được, huống chi là chưa có định hướng. Đi dây điện ngầm ở ta là việc làm rất nguy hiểm, vì đường xá người ta cứ đào lên lấp xuống suốt, chạm vào dây điện là chết cả lũ. Với lại người ta còn dành dụm tiền để đi đầu tư ngoài ngành chứ dại gì mà bỏ vào “ngầm hóa”. Tôi nghĩ là nếu có làm theo xu hướng tất yếu của thế giới thì cũng còn lâu, rất lâu nữa, khi đó tôi tan xương rồi, bàn làm gì.
P:- Tuổi cụ đã cao rồi mà vẫn còn phải làm việc vất vả, thế đến khi nào cụ mới nghỉ hưu?
C:- Tôi cố thì cố vậy nhưng yếu lắm rồi, lúc làm lúc nghỉ nên kéo theo đó là điện lúc còn lúc mất. Khả năng có hạn, khi nào còn tôi thì điện vẫn còn chập chờn. Còn việc nghỉ hưu à, chắc còn lâu đấy. Ngành điện là ngành độc quyền nên hình ảnh Cột Điện sẽ được người ta cố gắng giữ lại để làm biểu tượng cho sự độc quyền ấy.
P:- Vâng, xin cảm ơn cụ và chúc cụ sớm về hưu.
HienMQ