Phiếm đàm: Tâm thư của Rau Sạch

Một gã trai đi “kiếm rau sạch” không có nghĩa là hắn đi chợ mua rau về nấu cơm.

Kính gửi các nhà chức trách đáng kính!

Thân thương gửi người hâm mộ!

Hân hạnh được giới thiệu: tôi là Rau Sạch, là Rau Sạch chính chủ. Xưa nay tôi vẫn được xem là cần thiết, là phần tất yếu của cuộc sống. Ý thức được điều đó nên tôi luôn biết giữ mình, luôn cố gắng bảo vệ thanh danh, mặc cho ngoài kia giá vàng có lên, đất có ế ẩm, và nhiều người phát điên vì tiền bạc.

Nhưng hôm nay, thật khổ tâm khi phải nói với Quý vị rằng cái tên Rau Sạch của tôi không còn sạch sẽ, ngọt ngào và đáng yêu như ngày nào. Giờ nó đã bị kẻ xấu giả mạo, xuyên tạc làm méo mó và nhơ nhớp.

Như Quý vị đã biết! Chả có gì dễ hiểu và minh bạch như cái tên của tôi, nó bao gồm hai phần: họ Rau và tên Sạch. Rau, dù tra từ điển Hán Việt hay thuần Việt cũng đều chỉ các loại thực vật mà con người dùng để ăn, còn  Sạch nghĩa là sạch sẽ, an toàn cho người sử dụng.

Thế nhưng, có lẽ xã hội càng phát triển thì sự trắng trợn càng lên ngôi. Ngữ nghĩa cái tên của tôi rõ ràng đến mức không thể chối cãi, vậy mà nhiều kẻ đã bất chấp, vẫn nhận đại, nhận bừa tên Rau Sạch. Có kẻ thì biết mình là rau bẩn nên mượn danh Rau Sạch lừa người dùng. Có kẻ thì lại chả liên quan gì đến họ nhà rau, họ là người hẳn hoi, nhưng chắc thích đội lốt rau nên trơ trẽn mượn danh... “Rau Sạch”.

Ở trường hợp thứ nhất, mặc dù là rau thật đấy, nhưng đó là rau bẩn, rất bẩn và độc hại. Loại rau này được bón toàn phân tươi và hóa học; được tưới bằng nước nhiễm bẩn và nhớt; được phun thuốc sâu đến sát ngày thu hoạch; được ướp tẩm hóa chất bảo quản như ướp xác... Chúng bẩn đến mức chính người làm ra cũng không dám ăn, thế nhưng vẫn được gắn mác Rau Sạch để tuồn ra chợ, len lỏi vào siêu thị. Người tiêu dùng chả biết tin vào ai, từ anh thanh tra mặt lạnh như tiền đến chị bán hàng miệng tươi roi rói, cuối cùng chỉ còn cách tin... con sâu, cứ có mặt sâu thì mới tin là rau sạch.

Hôm rồi ở ngoài chợ Giời, có hai vợ chồng nọ treo biển bán rau sạch, khách cầm bó rau xem nhưng không thấy có con sâu nào nên sinh nghi, không mua. Anh chồng điên tiết chửi vợ ngu, đã dặn là phải bắt mấy con sâu bỏ vào đó rồi mà không chịu làm. Vợ bị chửi oan, cãi lại rằng đã bỏ rồi còn gì nữa, nhưng vừa bỏ vào nó đã chết rồi còn đâu.

Thế đấy, “vì lương tháng bán lương tâm”, chỉ vì tiền mà người ta sẵn sàng đầu độc nhau. Rất may là chưa ai chết vì ăn rau bẩn, nặng lắm cũng chỉ đau bụng, tiêu chảy, cấp cứu vài tuần là ổn, nếu có ung thư thì cũng phải sau mấy năm, lúc đó huề cả làng. Vì chưa chết người nên chưa có cán bộ nào lên ti vi hùng biện về trách nhiệm, chưa mấy người hào hứng bàn về “rau đức”. Bởi thế nên tên Rau Sạch của tôi sẽ vẫn còn bị giả mạo vô tội vạ.

Nếu như trường hợp giả mạo ở trên là những kẻ coi rẻ mạng người, thì những kẻ giả mạo dưới đây lại coi rẻ nhân phẩm. Những kẻ đểu cáng này chuyên đi lừa con gái nhà lành rồi gọi đó là “rau sạch”, quả là bá đạo và nham nhở!

Khi quý vị nghe một gã trai tóc màu mắm tôm, mặc đồ si-đa và cưỡi SH Tàu nói “đi kiếm rau sạch” thì không có nghĩa là hắn ngoan đến mức chuẩn bị xách giỏ đi chợ mua rau về phụ mẹ nấu cơm đâu, mà là đi cua gái đấy. Hắn chuẩn bị đi giăng câu các cô gái nhẹ dạ.

Rầu làm sao khi thuật ngữ “rau sạch” nhái này đã phát triển nhanh đến mức lấn át cả tên Rau Sạch xịn, khiến mỗi khi có ai nhắc đến Rau Sạch một cách nghiêm túc thì xung quanh lại hô hố cười đểu. Cũng vì sự nhập nhèm này mà gây ra không ít vụ hiểu lầm nghiêm trọng.

Cách đây mấy ngày có một cặp uyên ương đã chuẩn bị cưới nhưng đột ngột tan vỡ chỉ vì hai chữ “rau sạch”. Chuyện là hôm đó chàng đến chơi, nàng nhờ chạy ra chợ mua giúp bó rau. Sợ chàng không quen đi chợ nên nàng dặn phải nhớ chọn rau sạch. Chàng trả lời với giọng đầy tự tin: em yên tâm, anh đã dầy dạn kinh nghiệm trong việc tìm rau sạch rồi. Bố nàng nghe vậy giận tím mặt, bắt con gái cắt đứt luôn với kẻ trăng hoa, không cưới xin gì nữa.

Lại một chuyện đau lòng ở gia đình khác: bữa đó có đám bạn của chồng đến nhà nhậu, chị vợ dọn nồi lẩu lên mời đon đả: hôm nay em làm rau sạch, các anh cứ vô tư mà dùng nhé. Khách nghe vậy cười nham nhở, ui giời quý hóa quá, bọn anh kiếm rau sạch khó khăn lắm mới được, thế mà nay đến nhà em chơi vừa được nhậu vừa có rau sạch dùng! Anh chồng thấy bạn xỏ xiên khiếm nhã, sẵn có rượu trong người, nóng máu cho bạn tắm luôn nước lẩu. Đau!

Nhục nhã thế đấy quý vị ạ! Không biết các nhà đạo đức học đang ở đâu và phát biểu gì khi mà trò “chăn rau sạch” giờ đã thành trào lưu, thành mốt của đủ các thứ hạng người từ anh phụ hồ đến Quý ông lắm tiền nhiều của. Cách thức đi săn thì cũng đủ chiêu trò, từ chém gió ào ào đến vận dụng binh pháp Tôn Tử, từ tay không bắt giặc đến dùng vũ khí đô la hạng nặng... tất cả đã trở thành công nghệ, chỉ thiếu điều chưa ai viết thành sách “cẩm nang săn rau sạch” (nếu có chắc sẽ bán rất chạy).

Nhưng đời thỉnh thoảng cũng công bằng, ông Trời đôi khi cũng có mắt. Nắm bắt được nhu cầu “rau sạch”, nhiều con “gà già” đã vào vai “rau sạch” để lừa những kẻ thích lừa gái. Khách làng chơi thường sợ gái làng chơi vì ớn bệnh tật, nên thích tìm đến những cô gái kiểu dáng... chân quê. Nhưng họ đâu ngờ, những cô tay thơm mùi cỏ, chân còn dính đầy bèo tấm, móng vàng khè như vừa lội ruộng về chỉ là... hàng giả. Tưởng vớ được hương đồng gió nội sạch sẽ, ai dè dính ngay hàng giả, độc hại đầy mình. Cho đáng đời!

Đau lắm quý vị ạ! Loại thì mượn danh Rau Sạch rồi đi lừa (bán kiếm lời). Kẻ khác thì đi lừa con người ta xong rồi đặt tên là “rau sạch”, rồi có lúc bị “giả rau sạch” lừa lại. Đáng buồn hơn khi đó không chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh nữa, mà là cả bầy sâu. Trong tương lai, có lẽ còn xa xôi lắm, tôi không tin rằng sẽ có ai đó giúp tôi lấy lại được thanh danh.

Nên tôi sẽ đi thật xa, sẽ về với làng quê xa xôi, nơi tình người vẫn còn thơm tho và tiền bạc chưa kịp nặng mùi. Ở nơi đô hội phồn hoa này, tiền có thể mua được mọi thứ, nhưng Rau Sạch chân chính như tôi sẽ ngày càng khó kiếm!

HienMQ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN