Phiếm đàm: Nên ăn Tết "ta" hay Tết "tây"?
Tập quán và truyền thống của mỗi cộng đồng dân cư, mỗi dân tộc có nhiều lắm. Hay có, dở có, nhưng không phải bất cứ tập quán nào cũng là bất di bất dịch. Chúng thay đổi theo thời gian, theo sự phát triển, xoay vần trên mọi phương diện trong sự giao thoa với các cộng đồng khác.
Có nên bỏ Tết Âm lịch không?
Đang vơ vẩn lo Tết sắp đến, chưa biết lấy đâu ra tiền tiêu thì bỗng chị bạn xui viết mấy dòng bàn có nên chuyển hay bỏ Tết Âm lịch hay không.
Người viết bài này ở vào tuổi đã trải qua nhiều "cung bậc đầy vơi" của Tết cổ truyền. Từ lúc lẽo đẽo theo mẹ đi chợ Tết để được mua con tò he, hay tranh con lợn, đến xem đánh đu, đánh cờ người ở sân đình, đi xe đạp đốt pháo [1], rồi đến tự làm pháo, làm súng bắn diêm đầy 'ngẫu hứng'. Nhớ nhất, tối 29-30 Tết, cả nhà quây quanh bếp hồng đốt bằng gộc tre có nồi bánh chưng sôi lục bục ...
Loại trừ khía cạnh vật chất thể hiện trong mấy chữ 'ăn Tết', Tết ngày xưa mang đến cho người đón Tết nhiều ý nghĩa và cảm xúc lắm. Những cảm xúc ấy - vui sướng của con trẻ, lo lắng, vui buồn thậm chí cả nước mắt của người lớn, ... - đã được mô tả trong cả nghìn trang sách rồi.
Tất cả những niềm vui, sự háo hức mong đợi có thể được gói trong câu nói của con trẻ: "Mẹ ơi, bao giờ lại Tết?"
Trẻ con ngày nay, nhất là trẻ con thành phố, không có được những cảm xúc nhỏ nhoi nhưng thú vị ấy. Vì chúng có quá nhiều trò để chơi, có quá nhiều thứ để ăn, và có quá nhiều quần áo đẹp để mặc. Nếu có biết thì cũng chỉ trên những trang giấy khô khan.
Theo thời gian, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội và sự giao thoa văn hóa với các cộng đồng khác, phong tục tập quán cổ truyền của mỗi cộng đồng trong sự giao thoa ấy cũng có những thay đổi.
Sự thay đổi đó thể hiện từ cách mặc đến cách ăn. Trước khi có sự du nhập trang phục phương Tây, các dịp lễ hội chỉ chứng kiến những bộ cánh cổ truyền. Ngày nay, chỉ khi đến đình chùa ở làng quê, vào những ngày lễ người ta mới có thể thấy những bộ áo the khăn xếp của các cụ ông.
Còn quan chức Nhà nước từ cấp thấp nhất đến cao nhất đều mặc đồ Tây khi tiếp khách. Hoặc trong buổi lễ quan trọng, không thấy ai mặc "quốc phục" cổ truyền cả. Nếu xét về phương diện 'bảo tồn vốn cổ truyền' thì quan chức của ta thua ông Gaddafi và các ông vua châu Phi khác về quốc phục?
Vì quá trình phát triển là quá trình chọn lọc, sự thay đổi là tất yếu. Trong những cái cổ truyền có cả cái hay và cái không còn phù hợp cần phải thay đổi. Không phải cứ cái gì "cổ truyền" ắt phải bất di bất dịch.
Nay đất nước trên hành trình hội nhập, có nghĩa là tham gia vào một cuộc chơi lớn với các nước trên thế giới.
Không phải mọi cá nhân ai cũng phải làm việc với đối tác nước ngoài, như người viết bài này chẳng hạn - chẳng buôn bán, chẳng đối tác quốc tế, chẳng làm giàu, không nhận fax, ... ngày ngày chỉ ngắm chim, xem cá. Mỗi người một phận sự, một công việc, cũng như không phải ai cũng ngày ngày đi trông rùa Hồ Gươm.
Nhưng là thành viên trong một cộng đồng, tất cả đều liên quan, đừng nghĩ rằng chỉ việc của mình là quan trọng còn việc người khác thì mặc kệ. Một cá nhân nào đó có thể không cần đối tác nước ngoài, nhưng đừng quên rằng một quốc gia thì không thể không cần đối tác!
Những băn khoăn về "lệch pha" với thế giới về khá nhiều phương diện là hoàn toàn chính đáng. Chỉ riêng về mặt thời gian đã có những bất cập - lúc người ta làm thì mình nghỉ, lúc người ta nghỉ thì mình làm. Khoảng thời gian đó thực chất là không mang lại hiệu quả cho công việc.
"Tháng Giêng là tháng ăn chơi"
Như việc nghỉ và ăn Tết Âm lịch chẳng hạn.
Thời gian trước và sau Tết như ngưng lại. Ai từng đến cơ quan Nhà nước sau Tết để liên hệ công việc thì không thể không nhận ra guồng máy ở đây như ngừng trệ. Mỗi bộ phận chỉ để lại nhân viên với số lượng tối thiểu.
Trước câu hỏi: "Cho tôi gặp đồng chí...", bạn sẽ nhận được ngay câu trả lời như được ghi âm sẵn, đại loại như: Đồng chí "xuống cơ sở" hay "lên cấp trên".
" Đi cơ sở" hay "lên cấp trên" của họ không đâu khác là đi... lễ để cầu xin của cải và sự thăng quan tiến chức. Là đi chợ xuân. Là đi quán "dzô"... trăm phần trăm. Là sát phạt lẫn nhau trong những phòng có điều hòa khóa trái, ...ngay tại công sở. Rồi, từ "cơ sở" về là những bộ mặt đỏ lự và những bước chân xiêu vẹo ...
Năm nào cũng vậy vì có ai bị kỷ luật đâu mà phải sửa. Năm nay và những năm sau này chắc cũng vậy thôi. Đi đâu mà vội, "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" mà! Biên chế thì thừa, tội gì không đi...
Trong cuộc chơi chung ngày nay, nếu không muốn "lỡ tàu", không một quốc gia nào đủ khả năng "một mình một chợ", cho dù đó là một siêu cường quốc.
Sự gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau là tất yếu. Ai đó nói rằng: "Ngày nghỉ của họ theo tập quán của họ, còn ngày nghỉ của ta theo tập quán của ta. Tại sao lại bắt ta phải theo họ." chính là tư duy "một mình một chợ". Chẳng ai bắt ai theo ai cả, nhưng một khi cùng tham gia cuộc chơi thì phải tuân thủ những ràng buộc của luật chơi chung mà điều chỉnh mình. Vậy thôi!
Có lẽ ta là Việt Nam nên cứ thích không giống ai, vì "cái nước mình nó thế"?
"Tại sao lại bắt ta phải theo họ" ư? Phát biểu ấy dường như rất cương nghị. Hỏi vậy thôi chứ Việt Nam đến nay đã theo đầy những tập quán, phong tục ..., của nước khác. Có những thứ chẳng liên quan đến lịch sử hay truyền thống của mình.
Xin lấy Tết Hàn thực làm một ví dụ trong muôn vàn ví dụ. Đến ngày 3 tháng 3 (Âm lịch), nhiều gia đình Việt làm bánh trôi bánh chay để kiêng củi lửa, tin rằng mình đang đánh dấu một ngày đặc biệt nào đó để nhớ đến tổ tiên mà quên mất rằng, Tết đó vay mượn từ điển tích của Trung Hoa. Khi vị vua ra lệnh đốt rừng để tìm người có công lại đang ở ẩn.Nhưng người đó không chịu ra và chết cháy cùng mẹ mình trong rừng.
Vì tiếc thương người có công chết oan uổng, ông vua tổ chức "quốc tang" cho người đó bằng cách không cho nổi lửa ba ngày (mồng 3-5 tháng 3 Âm lịch) hàng năm, nên mọi người phải ăn đồ nguội (hàn thực) làm sẵn. Tục ấy chẳng dính dáng gì đến mình, lẽ ra phải hỏi: "Tại sao ta phải theo họ?"
Phải chăng cái gì cũ thì đúng và không được thay đổi. Còn cái gì mới thì không hoặc phải "cảnh giác"?
Thú vị hơn nữa, tác giả câu hỏi trên còn lo nếu chuyển sang ăn Tết Dương lịch, ông Táo sẽ "mất ghế"?
Mỗi năm ông Táo, một nhân vật hư cấu, lên "báo cáo" với Ngọc Hoàng về chuyện trần thế và xin "ý kiến chỉ đạo" cho năm mới. Tuy nhiên, loài người đã học được cách sơ kết, tổng kết định kỳ rồi và "nhiệm vụ chính trị" của ông có lẽ đã... hoàn thành.
Có ông lên trời báo cáo cũng vui, nhưng không có báo cáo của ông, Ngọc Hoàng cũng biết hạ giới có nhiều... sâu lắm, nhất là tại xứ có tên là Việt Nam, nhưng ngài không bắt được sâu. Và ngài bảo chữa bệnh của hạ giới thì đừng tìm thuốc trên... Thiên Đình.
Hơn thế, cái ngày cúng và "phóng sinh" cá chép lâu nay đã bị biến dạng.
Cứ sau khi ông Táo "cưỡi cá chép lên trời", ao hồ nuôi tôm cá của ngư dân lại có thêm sinh vật lạ đến "xâm lược". Phải chăng đến lúc phải kiểm soát và "tịch thu phương tiện" của ông?
Ngày ông Táo lên trời không phải là bất di bất dịch như việc ngắm và bảo vệ mấy cụ rùa bằng xương bằng thịt ở Hồ Gươm. Nhưng nghe đâu cụ Rùa ở Hồ Gươm cũng đang bị vật phóng sinh là rùa Tai đỏ của ngày ông Táo lên trời ... bắt nạt?
Viết đến đây, người viết đang hình dung ra cảnh ngồi quanh nồi bánh chưng đêm 30 Tết, cành đào cắm trong chiếc độc bình ... một hình ảnh mà đang dần mai một. Tết có nhiều ý nghĩa và gắn bó với đời sống thôn quê Việt Nam hơn là đời sống công nghiệp.
Với một Việt Nam đất nước nghìn năm nông canh, bỏ Tết kể ra cũng tiếc! Song, cái gì phải đến hãy để cho nó đến.
Hình thành một thói quen, tập quán mới là khó nhưng không phải là không thể, nếu đó là thói quen hay tập quán đáng xây dựng.
Về khả năng gìn giữ và phát huy thuần phong mĩ tục cổ truyền, Nhật Bản một cường quốc châu Á không theo Tết Trung Quốc, chắc không kém Việt Nam - nếu không muốn nói là ngược lại. Có lẽ ta lại phải "đông du" để học hỏi thôi.
-------------------------------------
[1] Quả pháo được treo trên cao, người đi xe đạp phải đi chậm đến mức châm bằng que hương sao cho nó nổ mà không chạm chân xuống đất và xe đạp không đổ.