Phiếm đàm: Đến thời "như người thấy mỡ"?
Nhờ "công" lợn siêu nạc, rồi đây, thành ngữ "như mèo thấy mỡ" chắc có lẽ sẽ phải thay chủ đổi ngôi thành "như người thấy mỡ" mất thôi.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Thịt mỡ bị các thuật sĩ nuôi heo dùng thuốc kích thích trong giai đoạn tăng trọng cuối kỳ đã bị tiêu hết, trở thành heo siêu nạc...
Dậu không xấu như ất dậu
Hôm thứ sáu 18/1 vừa rồi, nhóm bạn của đồ ông Phạm Hoàng Quân, nhà Tàu học tự tài trợ cho các nghiên cứu của mình, phải cất công xuống tận Mỹ Đức Tây, ghé hàn xá của đồ ông xin chữ để treo dịp tết. Đó là một hình thức mới của câu đối từ mấy năm nay.
Xin chữ ở Sài Gòn, treo thay câu đối đỏ trong ba ngày tết, chẳng khác nào én bắt đầu bay lưa thưa trước ngõ: tết đến rồi. Mốt xin chữ bây giờ chỉ xin một chữ như là ước lấy điềm tốt nào đó cả năm. Một chữ hàm nhiều ý nghĩa.
Trong khi tôi hoàn toàn bi quan, muốn xin chữ "dậu" cho năm mới để nghĩ tưởng về một ất dậu xa xưa, sau khi thủ trưởng công bố: năm nay không có lương tháng 13, không thưởng, thì ông đàn anh già - nhà ngoạn cổ Lý Lược Tam - nói: chữ "dậu" tốt lắm.
Vốn chữ Hán của tôi không rộng, mới đem hỏi ông bạn Lê Vĩnh Trương, thì được trả lời: "dậu" đồng nghĩa với "có". Thế thì bi quan đã trở thành lạc quan. Mừng.
Ba món tết hỏng gần hết
Thôi lan man, xin quay trở về câu chuyện ẩm thực của mình. Điểm lại câu nói về phong vị ngày tết như đã nêu ở đầu bài, ta thấy sáu đặc trưng thì có đến ba là món ăn. Còn ba "món" kia thì cũng đã què quặt.
Một trong ba món ăn ngày tết này đáng buồn nhất là thịt mỡ. Bây giờ thịt mỡ - món ăn đầu bảng của mùa xuân, ngày xuân, không còn giống mỡ của ngày xưa.
Nồi thịt kho tàu của má chắc rồi sẽ giống như chiếc bánh madeleine của Marcel Proust trong Đi tìm thời gian đã mất.
Miếng thịt mỡ từ heo siêu nạc thật thảm thương hơn bao giờ hết. Ảnh: Trần Việt Đức
Hồi nhỏ, nghe kho tàu cứ tưởng là kho theo kiểu bên tàu. Lớn lên mới biết bên tàu không có kiểu kho lạt này.
Đọc sách đâu đó thì thấy ông Bình Nguyên Lộc kiến giải chữ "tàu" miệt dưới miền tây nghĩa là "lạt", chữ tàu dùng để chỉ chỗ con sông nước chà hai sắp ra cửa biển.
Chắc chắn thành ngữ "ớn như thịt mỡ" phải chuyển thành "ớn như thịt nạc", vì các thuật sĩ nuôi heo Đồng Nai đã đưa heo tiến vào thời kỳ siêu nạc với các loại thức ăn có trộn nhóm chất kích thích β-agonist.
Những chất này làm cho con heo không còn mỡ, khi mà người ta lâu nay vì "ớn như thịt mỡ" nên chọn thịt nạc mua nhiều hơn, nên nạc sinh lợi cho người nuôi hơn.
Đã vậy các tay bán dầu ăn còn thuê các viện sĩ dinh dưỡng PR bằng cách nói xấu mỡ và nói tốt dầu khiến mỡ heo bị lấn lướt về chức năng tạo béo.
Ban đầu các viện sĩ cho rằng ăn nhiều mỡ sẽ mắc bệnh béo phì. Nhưng người Việt trước đây nghèo nên làm gì có thịt ăn để mà béo phì, chỉ mong đến tết, dư dật chút tiền bạc tằn tiện suốt cả năm để sắm nồi thịt heo kho tàu. Lạc thú của những ngày nghỉ ngơi đầu năm mới chỉ đạm bạc vậy thôi.
Vả, con người tiếp nhận mỡ có hạn do dễ ngán nếu ăn nhiều, và thủ phạm "chính chủ" gây ra béo phì là bột đường (hydrocarbon).
Thành ra khi thấy viện sĩ xuất hiện trong các mẫu PR thì chớ nên tin, vì viện sĩ mà nhận tiền để quảng cáo một nửa sự thật về sản phẩm chỉ là bọn ngụy sĩ.
Miếng thịt ba chỉ ở các chợ Sài Gòn đã hỏng. Món thịt luộc mắm nêm cũng hỏng. Lâu lâu, thèm món này phải đi kiếm những hàng quán tuyển thịt luộc từ tận miền Trung như Quảng Ngãi, thì cuốn bánh tráng rau sống chấm mắm nêm, mới còn nguyên thủy cái ngon.
Món bánh xèo miền Trung của tôi chắc chỉ còn chước "xuân này con sẽ về" - cả nhà phải mất không dưới năm triệu tiền xe (đó là thuận theo lời khuyên mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có hai con để nuôi dạy cho tốt) - đặng năn nỉ má mua thịt heo chợ quê đúc cho bữa bánh.
Ăn bánh xèo cũng để nhớ ba mỗi lần trời mưa, ra đồng không được, đều thèm bánh xèo. Đích thân ông đi ngâm gạo, xay bột bằng cái cối đá mà ở quê nhà nào cũng có.
Bánh chưng có nhân thịt mỡ mới thành cái duyên bánh. Ảnh: Duyen's Blog
Má lật đật cắp rổ đi chợ mua ít con tôm bạc, miếng thịt, mớ mực. Một bữa bánh mới nhớ đã thèm muốn chết. Là ăn cái nỗi nhớ đó mà.
Thịt mỡ hỏng cũng là hậu quả của một thời gian dài Sài Gòn đua nhau thời thượng bằng cách chạy theo thịt heo rừng. Rồi rừng xanh vắng heo, chỉ còn lại tiếng ta lư(?), lại quay sang heo rừng nuôi. Để bây giờ hoảng loạn với heo siêu nạc.
Các nhà nghiên cứu cũng chưa cho biết ăn thịt heo siêu nạc có bớt suyễn hoặc bớt đau tim vì trong heo có dư lượng salbutamol, clenbutarol, epinephedrin - chuyên trị suyễn, hoặc có dobutamine, isoproterenol, xamoterol - chuyên kích tim...
Rồi đây, thành ngữ "như mèo thấy mỡ", chắc có lẽ sẽ phải thay chủ đổi ngôi - "như người thấy mỡ" - mất thôi.
Chỉ có điều heo siêu nạc chỉ còn là một nửa heo/bán trư - nếu như có qui định bằng pháp lý rằng heo phải bao nhiêu phần trăm mỡ, bao nhiêu phần trăm nạc, bao nhiêu phần trăm xương mới là heo chính danh - phải chịu thiệt so với nguyên heo/nguyên trư.
Thịt mỡ đã hỏng, nồi thịt kho tàu đã hỏng, thì món ăn tương cận, món ăn cân bằng lại là dưa hành còn chơ vơ trơ trọi coi như cũng hỏng theo.
Cái nồi thịt mà miếng nào miếng này đều to bằng cái tách uống trà, được cột lạc bốn phía, kho bằng nước dừa để có thể hâm đi hâm lại không bị rả; ngày ngày cho vào mấy quả trứng gà luộc lột vỏ sẵn, của một thời, thôi rồi!
Người phụ nữ liệu có không còn nỗi lo cải ngồng, dưa héo, chồng chê?
Mỡ hỏng cũng làm cho bánh chưng không ngon. Cái béo của nếp còn trơ trọi khi ăn với nhân xảm thịt nạc, mất đi cái thượng tầng béo của mỡ, duyên bánh ít nhiều mất đi.
Ngẫm lại những thứ trong hai câu nói về phong vị tết ở đầu bài hầu như đã mất mát gần hết. Kinh tế cũng èo uột. Còn nói chi chuyện tết.